Phí đường bộ nhiều trạm bắt đầu tăng từ tháng 1/2016

Dù Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Tài chính và các nhà đầu tư BOT lùi thời gian tăng phí 6 tháng với các trạm có lộ trình tăng từ đầu năm 2016. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và nhiều doanh nghiệp đã “bác” đề xuất này với lý do ảnh hưởng đến quá trình hoàn vốn.

Nhiều trạm tăng phí

Mới đây, ngày 25/12/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, các nhà đầu tư BOT đề nghị đối với các trạm có lộ trình tăng phí  từ 1/1/2016 lùi đến 1/6/2016. Tuy nhiên, ngày 31/12/2015, Bộ Tài chính đã có văn bản “bác” đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

Như vậy, theo lộ trình, các trạm BOT bắt đầu tăng phí từ ngày 1/1/2016.

Đại diện Trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An) cho hay, giá vé đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng tăng từ 30.000 đồng/lượt lên 45.000 đồng/lượt. Xe từ 12 – 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn tăng từ 40.000 đồng/lượt lên 60.000 đồng/lượt. Xe 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng 4 đến dưới 10 tấn tăng từ 50.000 đồng/lượt lên 75.000 đồng/lượt.

Trên tuyến Quốc lộ 5 Hà Nội- Hải Phòng, mức phí đường bộ đã tăng vọt kể từ ngày 1/12/2015 với mức thấp nhất là 30.000 đồng/lượt và cao nhất là 160.000 đồng/lượt. Theo thông tư mới của Bộ Tài chính thì mức phí trên tuyến này sẽ còn tăng sau ngày 30/3/2016, thấp nhất là 45.000 đồng, cao nhất là 200.000 đồng/lượt…

Ngoài ra, cũng từ thời điểm 1/1/2016, nhiều trạm thu phí BOT cũng bắt đầu có hiệu lực thu phí như QL18 Uông Bí- Quảng Ninh. Hay Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 mới có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải xin thu phí đường bộ tại trạm thu phí Cam Thịnh để hoàn vốn cho dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa; Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép thu phí đường bộ tại trạm Ninh An từ ngày 10/1/2016…

Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho hay, từ năm 2002 đến 2015, chúng ta mới tăng phí đường bộ qua các trạm BOT hai lần.

Theo ông Trường, về chủ trương, Bộ Giao thông vận tải thống nhất, tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước nên duy trì một mức giá chung để có sự cân bằng giữa các doanh nghiệp vận tải khi lưu thông trên các tuyến đường.

“Bộ Giao thông vận tải thấy rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế mấy năm qua khá ổn định, đặc biệt là giá xăng dầu giảm nên chi phí vận tải cũng giảm, tăng giá vé qua các trạm BOT trong bối cảnh này sẽ tạo sức ép ảo cho người dân mặc dù thực chất việc tăng này là hợp lý” – ông Trường chia sẻ.


Bộ Tài chính và nhiều doanh nghiệp quyết tăng phí vì cho rằng nếu lùi lại sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn vốn (nguồn ảnh: Thanh Niên)

Bộ Tài chính nói “không”

Trước đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, văn bản của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Nguyễn Thị Mai ký cho rằng, trong kiến nghị của mình, Bộ Giao thông vận tải không đề cập tới 10 trạm thu phí hoàn vốn các dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2016. “Như vậy là không đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư trong việc điều chỉnh thời gian thu phí của các dự án BOT” – văn bản cho hay.

Được biết, hiện có 23 trạm BOT nằm trong lộ trình điều chỉnh từ ngày 11/1/2016 được đề nghị lùi thời gian tăng phí.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần đánh giá tổng thể tình hình thu phí các dự án, như: mức phí, thời gian thu, tác động đến hoạt động kinh doanh vận tải, khả năng đóng góp của người dân…  Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách cần phân tích tác động trước mắt và lâu dài, đảm bảo tính phù hợp của chính sách.

Văn bản này còn nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải cần đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân ngay từ việc đánh giá ký kết hợp đồng đến quá trình thực hiện và triển khai thu phí theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng đã ký kết, tránh trường hợp chưa thực hiện đã kiến nghị sửa.

Chấp nhận quan điểm này, trả lời câu hỏi về việc Bộ Tài chính bác bỏ đề xuất lùi tăng phí qua trạm BOT, ông Trường cho rằng, Bộ Tài chính có cái lý của mình vì tất cả phương án thu phí qua trạm BOT đã được thống nhất với nhà đầu tư từ khi ký kết hợp đồng xây dựng dự án. Nếu lùi thời hạn thì sẽ phá vỡ phương án tài chính của họ, ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ của các ngân hàng./.

Nguồn Tổ quốc