Phí khí thải hàng không – nguy cơ gây ra cuộc chiến thương mại

       Trung Quốc đã hủy đơn hàng trị giá 14 tỷ USD với nhà sản xuất máy bay châu Âu – Airbus sau khi Liên minh châu Âu (EU) có động thái thu phí khí thải với hoạt động hàng không dân dụng. Ấn Độ cũng đã cảnh báo rằng có “rất nhiều biện pháp” để nước này áp dụng nếu Ủy ban châu Âu (EC) không chấp nhận nhượng bộ.
 

 Các hãng hàng không sẽ phải mua giấy phép về độ carbon
khi vào không phận châu Âu  (Ảnh: Alamy)


Đề án trao đổi khí thải (ETS) của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các hãng hàng không bay đến hoặc đi từ châu Âu phải mua giấy phép về độ carbon (phí khí thải hàng không) kể từ tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, các quốc gia không thuộc châu Âu đã phản đối quyết định này vì cho rằng phí này được áp dụng cho toàn bộ chuyến bay chứ không chỉ ở không phận châu Âu.

Ấn Độ đã yêu cầu các hãng hàng không của mình không mua giấy phép về độ carbon của châu Âu hay chia sẻ dữ liệu khí thải, tuy nhiên nước này không ra lệnh hủy bỏ đơn hàng với Airbus – hãng hàng không đang thống trị thị trường hàng không tại châu Á. Ấn Độ cũng chuẩn bị áp phí hàng không lên các hãng hàng không châu Âu bay vào nước này nếu máy bay của Ấn Độ bị cấm bay vào châu Âu vì đề án ETS.

Đứng trước các động thái trên, bà Connie Hedegaard, Ủy viên Ủy ban châu Âu về vấn đề khí hậu, tuyên bố ngày 21/3 rằng những lời đe dọa về một cuộc chiến thương mại sẽ không làm EU thay đổi quyết định của mình. “Mọi người không thể đe dọa một cuộc chiến thương mại chỉ vì mọi người không thích bộ luật của châu Âu”, bà nói.

Bà Hedegaard cho biết khối EU quyết tâm làm việc với Mỹ, Trung Quốc và các nước khác để đạt được một thỏa thuận quốc tế về hạn chế lượng khí thải của các hãng hàng không.

Mặc dù luật về khí thải hàng không có hiệu lực kể từ tháng 1 năm nay, nhưng các hãng hàng không sẽ không phải thanh toán cho lượng khí thải của họ cho đến tháng Tư năm 2013. Các nhà ngoại giao sẽ có một thời gian dài để thương lượng về vấn đề này.

Luật pháp của châu Âu cho phép các hãng hàng không được miễn thuế nếu chính phủ quốc gia họ có những biện pháp tương đương để giảm lượng khí thải từ máy bay. Ủy ban cũng cho biết sẽ hủy bỏ kế hoạch nếu có một thỏa thuận quốc tế thông qua Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên Hợp Quốc (ICAO).

Khi được hỏi liệu có đạt được thỏa thuận về vấn đề này, bà Hedegaard cho biết: “Tôi sẽ không đoán trước điều gì. Điều quan trọng là chúng tôi đang cố hết sức để có những bước tiến bộ”./.