Phim lịch sử cách mạng trở lại
Dòng phim khai thác đề tài lịch sử cách mạng được các đơn vị sản xuất đầu tư với quy mô lớn hứa hẹn sẽ là những “món ăn” khác lạ có sức hấp dẫn trên màn ảnh nhỏ trong thời gian tới.
Những lát cắt hào hùng
Bộ phim Cuộc vượt ngục thần kỳ (đang phát sóng lúc 18 giờ trên kênh HTV9) mở ra một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ở bối cảnh hơn nửa thế kỷ trước và cuộc vượt ngục của những chiến sĩ cách mạng – tù chính trị Côn Đảo. Câu chuyện xúc động về cuộc đấu tranh gian khổ, đẫm máu và nước mắt cùng tinh thần ý chí quật cường, tình đồng đội thắm thiết, sống chết có nhau đã khiến cho bộ phim như một khúc tráng ca bi hùng.
Trong thời buổi mà hầu hết nhà sản xuất đều lao vào cuộc đua làm phim thu quảng cáo bằng những đề tài hiện đại, dòng phim về đề tài lịch sử cách mạng chảy nhỏ giọt và càng hiếm hoi. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội thì sẽ khó phát triển. |
Bộ phim lịch sử có bối cảnh lùi xa hơn về cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam là bộ phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực (đạo diễn Phan Hoàng, Hãng phim Cửu Long). Đoàn làm phim liên tục di chuyển từ Kiên Giang đến biển Phước Hải, khu du lịch Suối Tre – Vũng Tàu để thực hiện những cảnh vây ráp, đánh trận với số lượng diễn viên lên đến hàng trăm người.
Trong khi đó, hai đạo diễn Tường Phương và Phương Nam (“cặp đôi” từng làm nên danh tiếng cho bộ phim Dưới cờ đại nghĩa) đã chọn khai thác về cuộc đấu tranh giành giữ ruộng đất dưới thời địa chủ, phong kiến của những nông dân chân đất qua hai bộ phim Đất mặn và Đồng quê. Không binh lính, súng ống và những cuộc vây ráp nhưng cuộc chiến giữ đất cũng sẽ không kém phần khốc liệt, tranh đấu bằng cả máu và nước mắt. Mỗi bộ phim đều như một lát cắt hào hùng về cuộc đấu tranh kiên cường giành chính nghĩa.
Nếu không có nhiệt tâm và hết lòng cống hiến cho phim Việt thì cả đạo diễn và diễn viên đều khó có thể theo đuổi thể loại phim mà nói như đạo diễn Phan Hoàng là “cực khổ trần ai mà rất khó có lãi” này. Theo các nhà làm phim, ai cũng đã thấy trước trăm ngàn cái khổ khi làm phim loại này nhưng dấn thân vào thì khó khăn càng nảy sinh theo muôn hình vạn trạng.
Đến thời điểm này, kinh phí của phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực đã “đội” lên con số vượt ngoài dự tính của nhà sản xuất khi thời gian quay kéo dài, diễn viên nước ngoài không chuyên nghiệp, lại thêm chuyện mất đạo cụ…
Làm phim ở những vùng xa xôi, thức đêm, “nắng dãi mưa dầu”, “ăn vắt nằm sương”… cũng là chuyện thường tình của các đoàn phim. Đoàn làm phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực ngày nào cũng phải thức dậy lúc 4 giờ, di chuyển đến điểm quay bất chấp nắng mưa, thậm chí nhịn đói để cố gắng hoàn thành cho kịp tiến độ.
Cơ hội khẳng định của diễn viên Tham gia thể loại phim này, diễn viên cũng phải chấp nhận hao mòn sức lực để hóa thân trọn vẹn vào nhân vật. Nhưng có được những vai diễn sâu sắc cũng là một cơ hội lớn để diễn viên khẳng định mình. Ngoài Huỳnh Đông đã “đóng dấu” tên ở vai Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, diễn viên Ngọc Hùng đã tạo được ấn tượng ngay sau vai diễn đầu tiên cố Thủ tướng Phạm Hùng trong bộ phim Chàng trai cầu Ông Me (đạo diễn Hồ Ngọc Xum, sản xuất năm 2008). Dù không xuất hiện thường xuyên nhưng gương mặt trẻ kiên quyết từ chối vai diễn nhạt Ngọc Hùng đã luôn có được những vai ấn tượng trong phim Vịt kêu đồng, Những đứa con của biệt động Sài Gòn và mới đây đã được đạo diễn Phương Nam giao vai chính trong phim Đồng quê. Cuộc vượt ngục thần kỳ cũng là bộ phim mở lối cho “tân binh” Thiện Tùng lần đầu tiên được ghi dấu ấn ở dạng vai chiến sĩ tình báo cách mạng mưu trí, người lập công đầu trong cuộc mở đường vượt biển. Hay như diễn viên Lý Anh Tuấn được thử sức với vai anh hùng Nguyễn Trung Trực… |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.