Phim truyền hình Việt nhiều tín hiệu vui
Gạo nếp gạo tẻ, bộ phim gây sốt khán giả năm 2018
Vẫn được khán giả yêu chuộng
Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2018 khép lại vào những ngày cuối tháng 12-2018, tôn vinh Gạo nếp gạo tẻ và Ngày ấy mình đã yêu ở hạng mục cao nhất – giải vàng thể loại phim truyện truyền hình. Ngay sau đó, đầu tháng 1-2019, tại lễ trao giải Mai vàng 2018, Gạo nếp gạo tẻ ẵm tiếp 4 giải thưởng, một kỷ lục ấn tượng đối với phim truyền hình.
Đánh giá về Gạo nếp gạo tẻ, NSƯT – đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết: “Bộ phim rất phù hợp với tâm lý khán giả Việt. Tuy kịch bản Việt hóa nhưng câu chuyện tạo cảm giác gần gũi. Đặc biệt, tôi và các giám khảo của thể loại phim truyện truyền hình đánh giá rất cao ở Gạo nếp gạo tẻ sự đồng đều về diễn xuất của các diễn viên, sự đầu tư dàn dựng về hình ảnh đã tạo nên chất lượng vượt trội trên mặt bằng chung của các tác phẩm dự thi năm nay”.
Trong năm qua, trên nhiều kênh sóng từ VTV, HTV, THVL… xuất hiện khá nhiều bộ phim truyền hình có chất lượng nghệ thuật cao, được đông đảo khán giả yêu thích. Báo cáo của Vietnam Tam (Hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Việt Nam), cho thấy nhiều phim truyền hình: Quỳnh búp bê, Cả một đời ân oán, Mật mã hoa hồng vàng, Duyên nợ ba sinh, Con gái bố già… đều đạt lượng rating (chỉ số khán giả theo dõi) ở mức cao, thậm chí hơn các chương trình truyền hình thực tế, gameshow. Đơn cử như trường hợp của Con gái bố già phát sóng trên THVL1 luôn dẫn đầu tại khu vực TPHCM, đồng bằng sông Cửu Long.
Một chỉ số quan trọng khác cũng cho thấy mức độ quan tâm dành cho phim truyền hình, đó là mức giá quảng cáo luôn duy trì khá cao và ổn định. Bộ phim Những cô gái trong thành phố hiện đang lên sóng lúc 21 giờ 30 thứ tư và thứ năm hàng tuần, có mức quảng cáo 75 – 150 triệu đồng (tương ứng block 10 – 30 giây) trước khi phim phát sóng. Mức giá trong quá trình phim lên sóng là 80 – 160 triệu đồng. Bộ phim Chạy trốn thanh xuân đang lên sóng 21 giờ 30 thứ hai và thứ ba hàng tuần cũng có mức giá tương đương. Trước đó, phim Quỳnh búp bê có mức giá quảng cáo từ 65 – 140 triệu đồng, sau đó tăng lên mức rất cao 220 triệu đồng/block 30 giây ở những tập phát sóng cuối, tương đương với giá quảng cáo trong bộ phim Người phán xử. Như vậy, với khoảng 10 phút quảng cáo cho mỗi tập phát sóng, mức thu về dao động 3 – 4 tỷ đồng.
Mức giá quảng cáo của các phim truyền hình ăn khách hiện tương đương và thậm chí cao hơn so với những chương trình truyền hình thực tế, gameshow ăn khách nhất trên sóng VTV hiện nay. Đó là chưa kể đến rất nhiều thương hiệu lớn sẵn sàng chi số tiền không nhỏ để xuất hiện trong các phim trên sóng giờ vàng. Đơn cử như trường hợp của Cả một đời ân oán ngoại truyện, một tập đoàn lớn nghiễm nhiên xuất hiện trong phim, chẳng khác nào thước phim quảng cáo.
Chất lượng là tất cả
Thực tế cho thấy, những phim truyền hình thành công trong thời gian qua được khán giả đón nhận sôi nổi, lý do rất rõ ràng: đó là nhờ sự đầu tư bài bản và tâm huyết. Theo biên kịch, đạo diễn Hoàng Anh của Gạo nếp gạo tẻ: “Các diễn viên và ê kíp làm phim thường nói vui rằng, chúng tôi đã dành cả thanh xuân để làm bộ phim này. Riêng công đoạn viết kịch bản đã hơn 1 năm, quá trình quay phim diễn ra trong 2 năm”. Chi phí sản xuất mỗi tập phim dao động khoảng 400 triệu đồng.
Con gái bố già được đơn vị sản xuất Nghiệp Thắng đầu tư dàn diễn viên hùng hậu, nhiều cảnh quay thực hiện tại Hồng Công. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết, bộ phim này thuộc thể loại tâm lý hình sự nên khó khăn, vất vả hơn. “Các cảnh quay đều được thực hiện nhiều lần để có những khung hình ưng ý nhất khi về làm hậu kỳ”, anh chia sẻ.
Hầu hết các phim gây chú ý năm qua, mức kinh phí sản xuất đều cao hơn giá thành chung (hiện nay là 180 triệu đồng/tập).
Ngoài sự đầu tư của ê kíp, diễn xuất của các diễn viên cũng được chăm chút rất kỹ lưỡng khiến khán giả bị thuyết phục hoàn toàn. Dàn diễn viên tham gia Quỳnh búp bê như: Thanh Hương, Phương Oanh, Thu Quỳnh… cho biết, họ phải thậm chí đổ cả máu cho các cảnh quay. Để tạo sự chân thật cho khán giả, họ chấp nhận để bạn diễn đánh thật. Thời gian thực hiện Cả một đời ân oán 2, Lan Phương dù đang mang bầu vẫn chấp nhận đóng cảnh đập phá, gào thét, ngã… Minh Luân khi thực hiện Con gái bố già, cho biết không nhớ mình đã quay trong bao nhiêu đêm, có bao nhiêu cảnh đánh đấm đến trầy da. Diễn viên Hồ Bích Trâm bị tát đến rơi cả tóc giả, trong khi Mai Sơn Lâm với tạo hình nhân vật bị méo miệng nhập vai đến mức, trật cả quai hàm.
Theo nhà sản xuất Vũ Thị Bích Liên: “Tình hình sản xuất phim truyền hình hiện khó khăn như thế nào ai cũng biết, sóng giờ vàng dành cho phim ngày càng ít đi. Do đó, khi số lượng không nhiều, chất lượng phải tốt, sản phẩm phải chỉn chu từ kịch bản, diễn viên, bối cảnh… Những người còn trụ lại được với nghề cho thấy họ vừa tâm huyết, vừa giỏi giang”.
Biên kịch, đạo diễn Hoàng Anh cho rằng, làm phim tử tế là cách duy nhất để được khán giả và giới chuyên môn đón nhận. Phim truyền hình Việt sẽ ngày càng phát triển mạnh nếu được vun đắp và đầu tư tử tế. Còn theo đạo diễn Nhâm Minh Hiền, giai đoạn phim truyền hình thoái trào chính là cơ hội tốt để những người làm nghề được nhìn lại, đánh giá bản thân, không coi thường khán giả và làm những tác phẩm tốt hơn. Với đà như hiện nay, phim truyền hình Việt 2019 hứa hẹn còn nhiều khởi sắc.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.