Phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) một cách tràn lan, chưa có biện pháp xử lý triệt để và hợp lý đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí; gây độc cho người và các loại động vật, làm mất cân bằng tự nhiên. Theo các chuyên gia môi trường, nếu không có giải pháp xử lý khoa học và kịp thời Việt Nam sẽ hứng chịu nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và những tổn hại về sức khỏe cộng đồng do thuốc BVTV gây ra.

 

 Nông dân phun thuốc diệt cỏ trước khi cấy tại huyện Bình Lục,
Hà Nam. Ảnh: Vũ Thành/cpv.org.vn

 

 

Nguy cơ ô nhiễm mỗi trường nông thôn

Theo nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam, mỗi năm có hàng nghìn tấn vỏ thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường đồng ruộng do người dân sau khi sử dụng vứt bỏ bừa bãi. Đây là loại chất thải rắn độc hại, gây ra những tác động xấu đối với môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe cộng đồng.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường nông thôn là do chất thải rắn phát sinh từ việc lạm dụng thuốc BVTV trong hoạt động trồng trọt.

Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2000 đến nay, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng từ 35.000 đến hơn 100 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật. Thông thường lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, những năm gần đây, số lượng bao bì, vỏ đựng thuốc bảo vệ thực vật lên tới hơn chục nghìn tấn mỗi năm. Chỉ tính riêng lượng phân bón hóa học sử dụng bình quân 80 kg đến 90 kg/ha, riêng cho lúa là từ 150 kg đến 180 kg/ha, đã làm phát sinh bao bì, túi đựng. Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng là vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn rác thải rắn nguy hại là bao bì, vỏ hộp thuốc các loại.

Thống kê của Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam cũng cho thấy, mỗi năm Việt Nam sử dụng hàng chục ngàn tấn thành phẩm với trên 1.000 loại hoạt chất và 3.000 tên thương phẩm do 140 công ty, đơn vị thuốc BVTV cung cấp. Cả nước hiện có đến hơn 400 điểm ô nhiễm do thuốc BVTV tồn đọng, gần 32.000ha đất bị ô nhiễm và hơn 75.000 tấn thuốc BVTV tồn đọng cần được tiêu hủy.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, quản lý, sử dụng thuốc BVTV dường như vượt qua tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Phần lớn các vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bà con thải bỏ lại môi trường, chỉ có một phần nhỏ được thu gom lại và đốt bỏ và sử dụng phương pháp chôn lấp. Chính vấn đề này đã làm môi trường ngày càng bị ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất BVTV còn sót lại trên các bao bì, nhãn mác của các chai lọ đựng thuốc…

Xử lý ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu dựa vào mục đích sử dụng đất

Nhằm kịp thời xử lý tình trạng trên, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hồ Kiên Trung cho rằng: Việc giải quyết ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu phải dựa trên đánh giá rủi ro, tác động của ô nhiễm đến con người và môi trường. Vì vậy, cần lựa chọn, ưu tiên xử lý các khu vực ô nhiễm có ảnh hưởng lớn đến con người. Mặt khác, xử lý cần dựa vào mục đích sử dụng đất, không nên tiếp cận theo hướng tất cả các khu vực ô nhiễm đều phải xử lý triệt để như hiện nay.

Phó cục trưởng Hồ Kiên Trung cũng cho biết, Quyết định số 1946/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên cả nước thì từ năm 2010 tới năm 2015 sẽ xử lý được 240 điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Để triển khai Quyết định số 1946/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia mới về ngưỡng xử lý hóa chất BVTV hữu cơ khó phân hủy tồn lưu theo mục đích sử dụng đất QCVN 54:2013/BTNMT tại Thông tư số 43 của Bộ (ngày 25/12/2013). Đây là bước hoàn thiện quan trọng các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu.

Theo đề xuất của các chuyên gia môi trường, sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ một nền sản xuất nông nghiệp bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường. Nên chăng Nhà nước cần có chế độ ưu đãi, hỗ trợ cho các chương trình sản xuất và ứng dụng các sản phẩm hữu cơ, vi sinh vào công tác phòng trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật. Chọn lọc các loại thuốc, dạng thuốc BVTV an toàn có tính chọn lọc cao, phân giải nhanh trong môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật.

Đồng thời, các lực lượng liên ngành cần kiểm tra, kiểm soát việc nhập lậu thuốc BVTV; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao năng lực quản lý môi trường, nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của những người sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trong việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường./.

Nguồn ĐCSVN