Phong phú nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán
Nhiều siêu thị tại Đà Nẵng bán hàng bình ổn giá |
Tết cổ truyền sắp đến gần, các địa phương đang tích cực triển khai kế hoạch cung ứng đầy đủ, phong phú các nguồn hàng hóa với chất lượng đảm bảo nhằm bình ổn giá cả thị trường cũng như phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết Nhâm Thìn 2012.
Quảng Bình: Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hoá thiết yếu cung ứng cho người dân trong dịp Tết với tổng giá trị khoảng 850 tỷ đồng; trong đó các mặt hàng lương thực thực phẩm đã cơ bản được dự trữ với khoảng 800 tấn gạo, hơn 600 tấn thịt, 1.000 tấn thuỷ hải sản tươi, đông lạnh, 6.000 tấn rau, củ, quả…
Công ty Xăng dầu Quảng Bình và các công ty kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas hoá lỏng đóng trên địa bàn cũng đảm bảo cung cấp đủ theo nhu cầu tiêu thụ của người dân với khoảng 9.000 m3 xăng, dầu. Ngoài ra, các mặt hàng khác như áo quần, giày dép, đồ dùng sinh hoạt gia đình, các loại hàng trang trí trong ngày Tết đều được các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh dự trữ với số lượng dồi dào, phong phú.
Sở Công thương cũng yêu cầu UBND các huyện có các xã miền núi, vùng cao, vùng xa hợp đồng chặt chẽ cùng Công ty cổ phần thương mại Miền núi và Công nghiệp cung ứng dầu hỏa, muối i-ốt và các mặt hàng thiết yếu khác để phục vụ đồng bào, đảm bảo chất lượng, đưa tới các điểm bán quy định sớm trước Tết và bán theo giá niêm yết.
Đà Nẵng: Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn các siêu thị và chợ đóng trên địa bàn thành phố đã dự trữ gần 20 nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân mua sắm Tết, tổng giá trị của đợt dự trữ lên đến 475 tỷ đồng. Hơn 5.400 hộ kinh doanh tại các chợ lớn và các siêu thị đóng trên địa bàn thành phố đã cam kết với Sở sẽ bán sản phẩm đúng với giá quy định của các nhà sản xuất.
Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng tổ chức các đợt bán hàng bình ổn giá tại các khu công nghiệp và các xã miền núi của huyện Hoà Vang. Mỗi chuyến bao gồm hơn 500 mặt hàng với tổng trị giá trên 300 triệu/1 chuyến, những mặt hàng có giá giảm hơn thị trường từ 5-15% và nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết giảm giá từ 5-49%. Ngoài ra, siêu thị Co.op Mart còn triển khai “Tết Việt đến mọi nhà” với 1.200 sản phẩm được khuyến mãi đến 45%.
Tại siêu thị Big C, lượng hàng hóa phục vụ Tết chiếm tới 90% là hàng Việt. Qua khảo sát, các sản phẩm: bánh, mứt, kẹo,…mang thương hiệu Việt như: Kinh Đô, Orion, Bibica, Hải Hà,…được đa số người tiêu dùng tin cậy lựa chọn. Siêu thị này cũng đã mở đợt bình ổn các mặt hàng phục vụ Tết với số lượng lên tới 3.000 sản phẩm giảm đến 50% so với giá gốc.
Quảng Ngãi: Để hạn chế việc tăng giá tùy tiện tại các chợ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tỉnh Quảng Ngãi quyết định hỗ trợ 500 triệu đồng cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quốc Văn, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh - cơ sở giết mổ lợn an toàn duy nhất của tỉnh để triển khai bán thịt lợn bình ổn giá. Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi tổ chức bán thịt lợn bình ổn giá cho nhân dân.
Từ ngày 20 tháng Chạp Âm lịch, Công ty sẽ tổ chức bán hàng ở 5 điểm theo giá bình ổn. Theo ông Trần Thanh Xuân, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quốc Văn, để bán giá bình ổn trong dịp Tết, Công ty đăng ký với UBND tỉnh giá bán cao nhất là 120.000 đồng/kg, nhưng sẽ cố gắng bán thấp hơn giá này. Nếu giá thịt lợn trên thị trường tăng lên 150.000 đồng/kg công ty vẫn không tăng giá.
Theo ông Nguyễn An, Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Ngãi, với tổng nguồn kinh phí hỗ trợ các doanh nghiêp vay 30 tỷ đồng, các doanh nghiệp đã chủ động ứng vốn, tập trung các nguồn hàng thiết yếu để phục vụ nhân dân mua sắm trong dịp Tết với giá ổn định.
Phú Thọ: Đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trong tỉnh đã đầu tư trên 190 tỷ đồng để dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết.
Tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, đảm bảo đủ nguồn hàng có chất lượng, có kế hoạch kiểm tra cụ thể đối với từng mặt hàng, nhằm hạn chế các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các hộ kinh doanh và người tiêu dùng; kiểm tra việc chấp hành giá hàng hóa thực phẩm thiết yếu, giá dịch vụ tại các nơi mua bán tập trung; theo dõi, nắm sát diễn biến thị trường, tập trung kiểm tra những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết. Tỉnh cũng đã thành lập tổ công tác liên ngành, tổ chức hợp lý hệ thống phân phối, các điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn.
Tỉnh Phú Thọ hiện có 11 siêu thị lớn với lượng hàng hoá chuẩn bị hàng trăm tỷ đồng. Theo ước tính, tại siêu thị có trên 400 sản phẩm nằm trong danh mục hàng phục vụ Tết, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có sức mua lớn như lương thực, thực phẩm đã chế biến, bánh mứt kẹo, bia, rượu, quần áo và nhiều loại hàng hóa khác với giá bán thấp hơn giá thị trường từ 5-20%. Đối với các huyện vùng sâu, vùng xa, tỉnh yêu cầu các đơn vị kinh doanh hàng hoá thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống và chất đốt cam kết đảm bảo đủ hàng, không tăng giá trước, trong và sau dịp Tết.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.