Phương án đối phó với nước mặn tăng đột biến ở Tiền Giang
Mấy ngày gần đây, nước biển xâm nhập sâu vào đất liền khu vực tỉnh Tiền Giang nên chính quyền và người dân địa phương đang khẩn trương ứng phó.
Đến ngày 4/2, nước mặn từ biển tràn vào sông Tiền đến địa phận thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) với độ mặn 1,4 gam/lít; tại cống Xuân Hòa (thuộc xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) gần 4 gam/lít.
Trước tình trạng này, các hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt ven sông Tiền, kênh Chợ Gạo từ vùng Gò Công đến thành phố Mỹ Tho đều đóng kín. Cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi diễn biến mặn để có biện pháp ứng phó.
Ở thời điểm này, hơn 21.000 ha lúa Đông Xuân các huyện phía Đông ở tỉnh Tiền Giang đã trổ đòng; một số diện tích lúa đang chín. Trong khi đó, mức nước ngọt trong các kênh nội đồng còn ở mức cao nên không thiếu nước nếu hạn mặn tiếp tục xâm nhập sâu.
Riêng các công trình xây cống ngăn mặn ven sông Tiền như cống Phú Phong, Rạch Gầm (huyện Châu Thành), cống Hai Tân, Cây Còng (huyện Cai Lậy) đã thi công đạt 75% khối lượng công trình. Các cống này đã xây xong các cửa cống có khả năng ngăn mặn để bảo vệ hàng chục nghìn ha vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang.
Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Các công trình khai thác thủy lợi Tiền Giang cho biết, mặn xâm nhập hiện nay mang tính đột biến và sẽ giảm nên không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
“Nước mặn đang lên cao đột biến nhưng theo nhận định trong vài ngày nữa sẽ giảm. Hệ thống dự án “ngọt hóa Gò Công” hiện đã đóng hết cống. Cống Xuân Hòa lấy gạn, nước mặn dưới 1 gam/lít mới cho lấy nước, trên 1 gam/lít cống sẽ đóng kín. Riêng khu vực thành phố Mỹ Tho các cống ngăn mặn đã được đóng kín hết, vì dự kiến đợt này sẽ đạt đỉnh mặn cao nhất trong ngày 4/2 sau đó giảm dần. Hiện tại nước dự trữ trong kênh nội đồng còn khá cao nên nông sản của người dân sẽ không bị thiệt hại”, ông Sơn cho biết./.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.