Phương Tây bất đồng trong nỗ lực giúp Ukraine đảo chiều xung đột

Các nhà lãnh đạo phương Tây đang bắt đầu có một tầm nhìn rõ ràng hơn về việc cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào. Tuy nhiên, thứ còn thiếu ở đây là một kế hoạch để thực hiện điều đó.

 Bất đồng của phương Tây về kết cục xung đột ở Ukraine

Mỹ và châu Âu hy vọng cuộc phản công của Ukraine với sự hỗ trợ từ xe tăng và các vũ khí mới của phương Tây sẽ làm suy yếu quyền kiểm soát của Nga tại các vùng lãnh thổ ở Ukraine trong mùa xuân này.

Về lý thuyết, điều đó cho phép các lực lượng của Ukraine đạt được lợi thế trên bàn đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, hầu như rất ít quan chức phương Tây tin rằng cuộc xung đột này đã tiến gần đến hòa bình và hầu như không có dấu hiệu cho thấy NATO có một kế hoạch nghiêm túc để giúp Ukraine định hình diễn biến chiến trường.

phuong tay bat dong trong no luc giup ukraine dao chieu xung dot hinh anh 1
Binh lính Ukraine ở Bakhmut. Ảnh: AP

Nhiều bên ủng hộ Ukraine tập trung vào một ưu tiên ngắn hạn: Đó là nhanh chóng tìm kiếm và cung cấp đủ đạn dược cho Kiev để đẩy lùi quân đội Nga ở phía Đông Ukraine, cũng như cung cấp các nguồn hỗ trợ cần thiết cho cuộc phản công chớp nhoáng.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng cuộc xung đột hiện nay sẽ là cuộc xung đột tiêu hao kéo dài cho tới khi một bên bị đánh bại hoặc cạn kiệt nguồn lực đến mức chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán dù chưa đạt được mục tiêu cuối cùng.

 Với kịch bản này, nhiều nhà ngoại giao thừa nhận, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ được tính bằng năm chứ không phải bằng tháng.

Hiện nay, phương Tây vẫn chưa có một lập trường thống nhất về kết quả của cuộc xung đột. Mặc dù có một sự nhất trí rộng rãi rằng Ukraine nên được trao cho các phương tiện để ngăn chặn cuộc tấn công tương lai của Nga, chẳng hạn như trở thành một phần của NATO hoặc tham gia một hiệp ước nào đó với liên minh, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và một số nhà lãnh đạo châu Âu khác có thái độ thận trọng về việc này. Theo đó, họ muốn phương Tây cung cấp cho Ukraine các đảm bảo an ninh mà Nga có thể chấp nhận. Tuy nhiên, cũng có những nhà lãnh đạo phương Tây cho biết họ muốn quân đội Nga bị suy yếu vĩnh viễn.

Tổng thống Macron là người có lập trường cởi mở nhất về việc thúc đẩy đàm phán hòa bình diễn ra nhanh hơn. Gạt sang một bên những cuộc thảo luận về việc làm thay đổi chế độ ở Moscow và công khai bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng thắng lợi hoàn toàn của Ukraine trên chiến trường, ông Macron kêu gọi Ukraine trao đổi với điện Kremlin trong năm nay sau khi đạt được thành quả từ cuộc phản công.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, một trở ngại lớn ngăn cản Nga và Ukraine bước vào bàn đàm phán là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều tin rằng mình có thể chiến thắng. Cho tới nay, hai bên không có bất kỳ sự quan tâm nào cho thấy thái độ cân nhắc đến hòa bình và hầu như rất ít nhà quan sát cho rằng điều đó sẽ sớm thay đổi.

Avril Haines, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ cho biết trong cuộc điều trần trước Thượng viện hồi tháng 3 rằng: “Tổng thống Putin cho rằng thời gian đang đứng về phía ông ấy. Việc kéo dài cuộc xung đột, trong đó bao gồm cả những khoảng thời gian tạm ngừng giao tranh có lẽ là con đường mà Moscow lựa chọn để đảm bảo các lợi ích chiến lược của Nga ở Ukraine, thậm chí cả khi điều đó mất nhiều năm”.

Khả năng thay đổi chính quyền Mỹ trong năm 2024 cũng có thể là một nhân tố khiến Tổng thống Putin tin rằng một Tổng thống của đảng Cộng hòa sẽ cung cấp ít sự hỗ trợ hơn cho Ukraine.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây do Mỹ dẫn đầu dù có tác động nhất định nhưng đã không thể bóp nghẹt nền kinh tế Nga. Cho tới nay, Tổng thống Putin cũng hầu như không đối mặt với sự phản đối trong nước về chiến dịch quân sự ở Ukraine cũng như các vấn đề kinh tế – xã hội. Kinh tế Nga đã không sụp đổ như nhiều nhà quan sát dự đoán, một phần là bởi sự hỗ trợ của Trung Quốc và việc Ấn Độ cùng một số quốc gia khác vẫn tiếp tục mua dầu từ Moscow.

“Điều chúng tôi lo ngại là Nga vẫn có thể giữ ổn định nguồn ngân sách của mình. Mặc dù khó khăn nhưng họ đang làm tốt hơn những gì chúng ta cho rằng họ sẽ gặp phải khi đối mặt với các lệnh trừng phạt”, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho hay.

Phương Tây không muốn Ukraine thất bại nhưng “ngại” hỗ trợ vũ khí

Về phía Ukraine, Mỹ và đồng minh đã nhiều lần khẳng định bất kỳ quyết định nào về kết cục cuộc xung đột ở Ukraine sẽ phụ thuộc vào Kiev, mặc dù một số người lo ngại sự chững lại của phương Tây trong việc duy trì ủng hộ.

Mỹ “sẽ không bao giờ cho phép Ukraine thất bại. Đó là điều tôi đọc được trong chuyến thăm Kiev của Tổng thống Biden”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho hay trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 24/3.

“Tôi lo ngại nhiều hơn về các nước Tây Âu bởi họ đang mất dần kiên nhẫn”. Thủ tướng Ba Lan bình luận.

Chính quyền Tổng thống Zelensky đã tuyên bố nước này sẽ không tham gia vào đàm phán hòa bình cho tới khi sự thống nhất lãnh thổ của Ukraine được khôi phục.

Theo các nhà ngoại giao, thậm chí với các đợt vận chuyển vũ khí mới, các lực lượng của Ukraine cũng khó có khả năng đạt được lợi thế quyết định trên chiến trường. Nỗ lực giành Donbass, nơi quân đội Nga tăng cường phòng thủ có thể sẽ ngày càng khó khăn cho Kiev. Cuộc giao tranh ác liệt ở Bakhmut có lẽ là điển hình cho tương lai xung đột ở Ukraine khi mà hai bên đều chịu nhiều tổn thất để giành các vùng lãnh thổ nhỏ.

Các nước ủng hộ Ukraine có thể làm nhiều hơn để đảo chiều xung đột theo hướng có lợi cho Kiev. Nhưng việc cung cấp các vũ khí cần thiết để thực hiện điều đó đang là nguồn cơn bất đồng ở phương Tây.

Anh và Ba Lan là những nước đi đầu thúc đẩy việc hỗ trợ nhiều vũ khí mạnh hơn cho Ukraine. Trong khi đó, do lo ngại leo thang căng thẳng với Nga, Mỹ vẫn giữ thái độ thận trọng. Washington đã từ chối cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân MGM-140 (ATACMS) cho Kiev. Thậm chí, hệ thống pháo phản lực HIMARS Mỹ cung cấp trước đó cũng đã được điều chỉnh để hạn chế tầm bắn.

Điều đó khiến Ukraine phải chiến đấu trong một cuộc giao tranh ác liệt hơn nhưng lại không có nhiều sự thay đổi về hỏa lực mặc dù Kiev đã nhận được một số xe tăng từ phương Tây,

Một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu cho biết, trong khi có một số cuộc thảo luận giữa các đồng minh về chiến thắng hay thất bại của Ukraine sẽ có ý nghĩa gì và các yếu tố của một giải pháp sau xung đột nhưng chưa có một sáng kiến ngoại giao nghiêm túc nào có thể sớm diễn ra.

“Sẽ không khó để phác thảo tiến trình hòa bình một cách trừu tượng. Trên thực tế, việc tìm kiếm một lựa chọn thực tế mới là điều khó khăn”, quan chức trên nói./.

Nguồn vov.vn