Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – EU tiếp tục đối mặt với sóng gió mới

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đề xuất tổ chức trưng cầu ý dân về quan hệ EU – động thái này đã vấp phải chỉ trích từ một số nước EU.

Một ngày sau cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, hôm qua (17/4) tuyên bố nước này có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vốn đã bị trì hoãn từ rất lâu.

quan he tho nhi ky eu tiep tuc doi mat voi song gio moi hinh 1
Cờ EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: BBC.

Tuyên bố trên của ông Erdogan đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của không ít nước thành viên Liên minh châu Âu.

Phát biểu trước những người ủng hộ bên ngoài phủ Tổng thống ở thủ đô Ankara, đáp trả những lời đe dọa từ các nhà lãnh đạo châu Âu đòi ngăn cản công tác đối thoại, ông Erdogan khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc gia nhập Liên minh châu Âu.

Ông Erdogan cho rằng việc Liên minh châu Âu đình chỉ tiến trình đối thoại không quan trọng, miễn là họ phải thông báo cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, ông đang xem xét việc tổ chức một cuộc trưng cầu khác về việc khôi phục lại án tử hình tại Thổ Nhĩ Kỳ – một hành động đồng nghĩa với việc kết thúc thỏa thuận về tư cách thành viên Liên minh châu Âu.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Erdogan để ngỏ khả năng xem xét lại tương lai quan hệ giữa nước này và Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu ý dân. Từ trước khi diễn ra sự kiện ngày 16/4 tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã nhiều lần bóng gió về ý định này của ông. Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất này của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục khiến giới chức Liên minh châu Âu không khỏi bàng hoàng.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên tự mình tạo khoảng cách thêm với Liên minh châu Âu. Theo ông Gabriel, những động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt giấc mơ châu Âu của nước này.

“Chúng tôi chỉ có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này vẫn tuân thủ các giá trị dân chủ. Ví dụ như, việc Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt trở lại án tử hình cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu”.

Cùng chung quan điểm với Ngoại trưởng Đức, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Antonio Dastis cùng ngày cho biết, ông hy vọng tiến trình cải cách hiến pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn duy trì các thỏa thuận đã có giữa Liên minh châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các thỏa thuận về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này.

Ông Dastis nói: “Chúng tôi hy vọng rằng, việc cải cách Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ cũng không làm thay đổi các thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ đã có với Hội đồng châu Âu. Chúng tôi cũng hy vọng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ xem xét tư cách thành viên Liên minh châu Âu.”

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Pháp cùng ngày tuyên bố, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân khác về việc khôi phục án tử hình tại quốc gia này sẽ là hành động phá vỡ những giá trị của Liên minh châu Âu và những cam kết mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khi nước này gia nhập Hội đồng châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu, và theo góc nhìn của phương Tây, những gì đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ được cho là trái với các tiêu chuẩn về dân chủ và nhân quyền của Liên minh châu Âu.

Ngay trước cuộc trưng cầu trên, mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số nước Liên minh châu Âu đã leo thang khi Tổng thống Erdogan gọi các nhà lãnh đạo Đức và Hà Lan là “phát xít”, do hai nước cấm tổ chức các cuộc mít tinh có sự tham dự của các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ để kêu gọi cử tri ở nước ngoài ủng hộ sửa đổi Hiến pháp.

Trước đó, mối quan hệ giữa hai bên cũng đã tổn hại nghiêm trọng sau khi chính phủ nhiều nước Liên minh châu Âu đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về phản ứng mà họ cho là thái quá của chính quyền Tổng thống Erdogan sau vụ đảo chính bất thành năm 2016. Đây cũng là một nguyên nhân khiến tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, được tái khởi động từ tháng 6/2016, bị “đóng băng”.

Theo đánh giá của giới phân tích, với kết quả trưng cầu ý dân lần này, cộng thêm những tuyên bố mới nhất trên của ông Erdogan, những căng thẳng giữa hai bên sẽ càng bị khoét sâu, dựng thêm lên những hàng rào nghi kỵ, từ đó tác động tới những mục tiêu đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu đang hướng tới.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu còn chưa rõ ràng như hiện nay, Tổng thống Erdogan sẽ phải tìm cách thúc đẩy mối quan hệ với các quốc gia khác như Nga như một cách để tạo sự cân bằng ngoại giao làm đối trọng trong mối quan hệ với Liên minh châu Âu.

Ông Ali Faik Demir – giáo sư về quan quan hệ quốc tế và chính sách công thuộc đại học Galatasaray, Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét: “Là một quốc gia thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ không thể tự tách mình ra khỏi thế giới phương Tây. Để phát triển mối quan hệ này, mối quan hệ với Nga sẽ là lá bài để Thổ Nhĩ Kỳ kiểm chứng và tạo sự cân bằng trong quan hệ với Liên minh châu Âu”.

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đề nghị gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1987 và các cuộc đàm phán gia nhập liên minh này chỉ được bắt đầu vào năm 2005. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán lại chững lại 2 năm sau đó liên quan tới vấn đề đảo Síp.

Hồi tháng 11/2016, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết đóng băng các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi nước này “ngừng chiến dịch trấn áp chưa từng có tiền lệ” liên quan tới vụ đảo chính quân sự bất thành nhằm lật đổ ông Erdogan hồi trung tuần tháng 7/2016./.

Nguồn vov.vn