Quảng bá sách – Hành trình tìm người đọc

Việc quảng bá, giới thiệu sách được xem là một trong những khâu quan trọng nhất để đưa sách đến với bạn đọc. Mỗi ngày, trung bình có hàng chục đến cả trăm cuốn sách mới ra mắt bạn đọc, nếu không có phương thức quảng bá hiệu quả, tác phẩm sẽ khó được bạn đọc chú ý đến.

Ồn ào

Vừa qua, thị trường sách náo nhiệt với sự xuất hiện của một thể loại sách mới: sách tô màu cho người lớn. Là loại sách rất thành công và nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới nhưng còn khá mới lạ tại Việt Nam nên khâu quảng bá, giới thiệu được các đơn vị làm sách chú trọng. Mỗi đơn vị lựa chọn cho mình một cách giới thiệu sách khác nhau. Công ty Văn hóa Nhã Nam chọn cách làm mang tính “xã hội” là tổ chức cuộc thi Color Me Marathon để bạn đọc cùng thi tô màu với nhau. Cuộc thi thu hút hàng trăm bạn đọc tham dự sôi nổi đến mức ban tổ chức phải thực hiện tiếp đợt 2 và thậm chí dự kiến còn thêm các đợt tiếp theo.

Một buổi quảng bá sách tại TPHCM.

Cùng mảng sách tô màu, Công ty Sách Thái Hà lại chọn cách quảng bá khá “kinh điển” là tổ chức giao lưu giới thiệu sách. Tuy nhiên, để tăng thêm phần thu hút, buổi giao lưu của đơn vị này có mời thêm các nhân vật đang nổi tiếng trong giới trẻ như ca sĩ, người mẫu…

Không chỉ có các đơn vị làm sách quảng bá sách rầm rộ, một số nhà văn cũng dùng phương thức này để giới thiệu “đứa con tinh thần” của mình. Tại Hội sách TPHCM lần trước, bạn đọc đã phải sửng sốt trước buổi lễ ra mắt sách của nhà văn Vi Thùy Linh, người từng thẳng thắn tuyên bố: “Mỗi cuốn sách của tôi không chỉ là tác phẩm văn chương thuần túy… mà là tác phẩm nghệ thuật tổng hợp với sự tham gia của các họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, nhiếp ảnh gia, có khi cả thợ kim hoàn”. Và buổi ra mắt sách của nữ nhà văn đã có đủ loại hình nghệ thuật, từ hát, đọc thơ đến biểu diễn guitar, violon…

Thầm lặng

Không phải ai cũng thích hay có điều kiện thực hiện những buổi ra mắt sách ồn ào, náo nhiệt. Trên thực tế, phương thức ra mắt sách phổ biến nhất hiện nay thầm lặng hơn rất nhiều. Các tác giả thông qua những mối quan hệ cá nhân hay nhờ một đơn vị tổ chức sự kiện, NXB để mời các phóng viên đến một nhà hàng hay quán cà phê để tặng sách, cùng trò chuyện… Thông thường với cách làm này, người tổ chức sẽ mời thêm một vài nhà văn, nhà nghiên cứu hay nhân vật có uy tín để tăng thêm phần trọng lượng cho tác phẩm.

Thế nhưng, cách quảng bá sách như trên không phải lúc nào cũng thuận lợi. Sự cố trong buổi tổ chức ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đến nay vẫn còn được nhắc đến. Người làm chương trình đã quên tính đến sức thu hút của cây bút Nam bộ này nên tổ chức tại một quán cà phê nhỏ, kết quả là hàng trăm bạn đọc dồn vào một căn phòng chỉ khoảng trên 20m2. Ngột ngạt, chật chội đến mức chỉ ai ngồi cạnh mới thấy nhà văn còn phía ngoài chỉ thấy toàn đầu người. Sau bài học này, các chương trình quảng bá sách có nhà văn nổi tiếng đều sắp xếp tổ chức ngoài trời để nếu quá tải thì ít nhất cũng dễ thở hơn.

Không chỉ cá nhân, một số công ty làm sách cũng lựa chọn cách quảng bá nhẹ nhàng. Một trong những phương thức được ưa chuộng là quảng bá sách qua các nhóm trên mạng xã hội như Facebook. Hiện nay, mức chi phí trung bình một năm để quảng bá trên Facebook vào khoảng 200 triệu đồng, tương đương với việc thực hiện một cuốn sách dạng vừa, mức chi phí được xem dễ chấp nhận nhất với các đơn vị làm sách.

Hướng đến độc giả riêng

Trên một diễn đàn về sách từng có một cuộc tham khảo về việc đọc sách. Theo đó, có hơn 60% bạn đọc mua sách kiểu “thấy quảng bá rầm rộ mới mua” đã không đọc hết tác phẩm. Sự nguy hại của việc này ở chỗ thông thường với mỗi bạn đọc đều đặt một mức kinh phí mua sách giới hạn, do tốn kém mua những cuốn sách không phù hợp nên họ buộc phải không mua những cuốn sách khác. Ví dụ cụ thể nhất cho việc này là trào lưu đọc Murakami (nhà văn Nhật) ở giới trẻ trước đây. Khi đó, đi đâu cũng thấy nhắc đến Murakami nên nhiều bạn đọc trẻ đã tìm mua sách. Tuy nhiên, văn của Murakami tương đối kén người đọc nên không phải ai cũng cảm nhận được cái hay của tác phẩm nên nhiều bạn đọc đã không thể đọc hết tác phẩm của ông.

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, đơn vị giới thiệu theo hướng nhắm vào độc giả riêng và vai trò của tem thông minh trên sách được phát huy. Khi mua sách, kích hoạt tem, thông tin bạn đọc cung cấp được lưu lại, khi có sách mới cùng chủ đề, những bạn đọc này sẽ được thông báo, giới thiệu. Hiện NXB Trẻ là đơn vị duy nhất cả nước áp dụng công cụ kỹ thuật này để hỗ trợ bạn đọc của mình tiếp cận những tác phẩm phù hợp.

Những ai làm trong lĩnh vực sách đều nhớ một sự cố trong lĩnh vực quảng bá sách xảy ra nhiều năm trước. Khi đó, cuốn hồi ký của một nghệ sĩ nổi tiếng trở thành hiện tượng của làng sách, đạt doanh số bán kỷ lục, thu hút rất nhiều bạn đọc, kể cả những người lâu không đọc sách. Mọi chuyện đang thuận lợi thì đơn vị làm sách tổ chức một buổi giao lưu tác giả với bạn đọc. Do không khống chế được cuộc giao lưu, giữa bạn đọc và tác giả nảy sinh tranh luận, thậm chí chuyển qua cả tranh cãi, phê phán… Sau đó bạn đọc chuyển qua tẩy chay cuốn sách, khiến sách nhanh chóng biến mất khỏi thị trường.

Nguồn SGGP Online