Quảng Bình mưa trắng trời, Huế cây cối ngã đổ
Khoảng 8 giờ 30 phút sáng 15-11, bão số 13 đã đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Bình với sức gió cấp 8, giật cấp 10 cấp 11. Bão gây mưa rất lớn, người dân cố thủ trong nhà. Hàng quán, các loại dịch vụ thường ngày đều đóng cửa. Các bến xe dừng mọi tuyến vận tải hành khách.
Đến 7 giờ sáng nay 15-11, gió bão số 13 tại Thừa Thiên – Huế đã giảm và mưa nhẹ hạt dần. Tuy nhiên, tại các khu vực ven biển do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão nên vẫn còn gầm rít.
Tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế từ 1 giờ đến 5 giờ sáng 15-11, gió bão gầm rú liên tục khiến nhiều mái nhà tôn và trường học bị bay tốc mái, cây xanh đổ gãy. Một số người lớn tuổi ở đây cho biết, đã lâu rồi họ mới chứng kiến cơn bão lớn và kéo dài như cơn bão số 13.
Nhà bà Lê Thị Xuyên, ở thị trấn Thuận An bị sập vào lúc 3 giờ 30 sáng cùng ngày vì gió bão thổi mạnh khiến chiếc tàu cá TTH 99911TS neo đậu ở phá Tam Giang đoạn qua tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An đứt neo trôi dạt rồi đâm vào căn nhà bà Xuyên rồi mắc kẹt tại đó. Rất may, lúc này nhà bà Xuyên không có người. Vào thời điểm trên cũng có nhiều tàu cá neo đậu tại đây bị đứt dây, đâm vào bờ.
Hiện chưa có thống kê thiệt hại về người và tài sản nhưng tại TP Huế nhiều cây to bị gãy đổ, bật gốc.
Mưa như trút nước
Sáng 15-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng vừa có công điện số 17 về cơn bão số 13. Trong đó nhấn mạnh các đơn vị tổ chức dọn dẹp vệ sinh, khắc phục sau bão; chỉ đồng ý cho người dân đi sơ tán về lại nơi ở cũ khi thật sự an toàn.
Một số tuyến đường bị cây xanh gãy đổ chắn ngang nên việc lưu thông qua lại gặp khó khăn. Nhiều biển, bảng quảng cáo bị gió cuốn phăng xuống dưới mặt đường… Nhiều xe máy của người dân cũng bị gió quật đổ. Tuy nhiên, do người dân đã chủ động đề phòng, nên đã hạn chế tối đa thiệt hại.
Để triển khai công tác khắc thiệt hại sau bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ huy khắc phục thiệt hại do bão số 13 gây ra; chỉ đồng ý cho người dân đi sơ tán về lại nơi ở cũ khi thật sự an toàn; khuyến cáo cho người dân phải kiểm tra nhà ở (kết cấu, mái, hệ thống điện…), chằng chống, sửa chữa đảm bảo an toàn trước khi vào ở; phối hợp với các lực lượng quân đội tổ chức đưa người dân từ nơi sơ tán trở về nhà, công tác đưa dân về phải đảm bảo trật tự, an toàn, lưu ý ưu tiên người già, người tàn tật, người bị đau ốm, trẻ em…; vận động các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, lũ; chú ý đề phòng mưa lũ lớn sau bão để chủ động ứng phó.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, Thành đoàn TP Đà Nẵng, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan triển khai phương án dọn dẹp rác, xử lý vệ sinh môi trường sau bão; khắc phục sự cố điện, sự cố viễn thông, thiệt hại sạt lở, hư hỏng các tuyến đường giao thông, đảm bảo giao thông được thông suốt…
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục thiệt hại trong ngành nông nghiệp; làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng quản lý, vận hành các hồ đập an toàn; tuyệt đối không để sự cố xảy ra.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục thiệt hại trong ngành giáo dục – đào tạo, đảm bảo việc dạy và học trở lại bình thường. Tiếp tục theo dõi diễn biến bão, lũ trong những ngày đến để quyết định việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tại các khu vực nguy hiểm, ngập lụt.
Sau bão Vamco (bão số 13), một vài đoạn vỉa hè và kè đường Như Nguyệt (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) ven sông Hàn bị sóng đánh gây hư hại nặng. Ảnh: XUÂN QUỲNH
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.