“Quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu”


Lễ hội áo dài tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chiếc áo dài đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam, góp phần tôn vinh vẻ đẹp hình thể cũng như tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Thời gian gần đây, trong xu hướng tìm về những giá trị truyền thống của dân tộc, nét duyên áo dài tiếp tục được tôn vinh và lan tỏa mạnh mẽ. Phong trào mặc áo dài, thiết kế và cách tân áo dài… không chỉ diễn ra sôi nổi trong các dịp lễ, Tết, mà còn đi vào cuộc sống thường ngày.

Từ truyền thống đến hiện đại

Câu thơ xao xuyến, giàu hình ảnh của nhà thơ Đinh Vũ Ngọc là một trong vô vàn áng thơ, văn, nhạc… về chiếc áo dài Việt Nam được nhiều người yêu thích và ghi nhớ: Chiếc áo quê hương dáng thướt tha – Vạt rộng nam phần chao cánh gió-Vòng eo Trung Bộ thắt lưng ngà-Nhịp tim Hà Nội nhô gò ngực… Tấm áo mang vẻ đẹp người phụ nữ, mang cả dáng hình đất nước. Trên thực tế, áo dài kể từ khi xuất hiện đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau, nhiều lần biến đổi, cách tân để phù hợp với quan niệm thẩm mỹ và nhu cầu cuộc sống. Ở đây xin không đề cập đến toàn bộ lịch sử của áo dài, mà chỉ xét áo dài hiện đại, được định hình và công nhận từ khoảng thập niên 70 đến nay. Đó là chiếc áo hai phần gió thổi, một phần mây (thơ Nguyên Sa) với hai hay nhiều tà bay bổng xẻ từ trên vòng eo và buông mềm mại xuống gót, trên đôi ống quần loe rộng. Tùy vùng miền, tùy mục đích sử dụng, áo dài lại có những đặc điểm riêng biệt, nhưng tổng thể vẫn là hình ảnh thướt tha, nữ tính. Kín đáo mà vẫn gợi cảm, trang trọng mà vẫn thoải mái, không hề ngoa khi nói áo dài là chiếc áo “biến hình”, có “phép màu” tôn vẻ đẹp phụ nữ ở mọi vóc dáng, lứa tuổi… Trong nhịp sống hiện đại và hội nhập, chiếc áo dài tiếp tục được “thời trang hóa” để đẹp hơn, gần gũi hơn, ngày càng đa dạng về kiểu dáng và phong phú về chất liệu. Khoảng ba năm trở lại đây, phong trào mặc áo dài cả truyền thống và cách tân trở nên sôi nổi, nhất là ở các thành phố lớn. Không chỉ vào những dịp đặc biệt như Trung thu, lễ, Tết, mà đông đảo nữ giới còn lựa chọn áo dài để xuống phố ngày thường hay đến công sở, trường học, đi du lịch. Các thương hiệu áo dài liên tục ra đời hoặc được làm mới với những phong cách đặc trưng như: áo tà ngắn, áo nhiều tà, áo thêu tay, hoặc áo kết hợp với trang sức, thổ cẩm… Đặc biệt là áo dài cách tân được giới trẻ rất yêu thích bởi tính tiện dụng, dễ dàng kết hợp với quần suông, váy xòe… Họa tiết trên áo cũng được chú trọng tính dân tộc, với những hình ảnh như hoa sen, tranh dân gian, phố cổ Hà Nội, danh lam thắng cảnh mọi miền đất nước…

Không thể phủ nhận, cách tân áo dài là xu hướng tất yếu và đã góp phần không nhỏ đưa áo dài đi vào thói quen ăn mặc thường ngày, thay đổi thị hiếu của không ít người về với giá trị văn hóa truyền thống. Chuyện cách tân thế nào để không làm mất đi hồn cốt, không chạm ngưỡng phản cảm, cũng được đưa ra bàn luận. Bởi thực tế đã xuất hiện những thiết kế cách điệu lai căng, phô trương, táo bạo quá đà, tuy chỉ là số ít nhưng cũng đủ làm xấu đi hình ảnh chiếc áo dài.

Chiếc áo nhiệm màu

Trong từ điển của ngôn ngữ khác, áo dài Việt Nam vẫn là “áo dài”, như một sự khẳng định nó không hề giống với bất kỳ loại trang phục nào khác, không của nơi đâu khác. Chỉ cần thoáng thấy bóng áo dài (và đôi khi thêm chiếc nón lá) là bạn bè năm châu biết đấy là người Việt Nam. Tại một cuộc tọa đàm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài lần thứ ba tại TP Hồ Chí Minh, một đại biểu đã nói rằng, “xuất khẩu” sản phẩm áo dài về phương diện kinh tế là điều khá xa vời, nhưng về mặt văn hóa thì hoàn toàn có thể. Quả vậy, áo dài Việt Nam cũng như các thiết kế lấy cảm hứng từ áo dài thường xuyên được trình diễn trong các tuần lễ thời trang quốc tế, trang phục áo dài được mang đến các cuộc thi hoa hậu trong nước và ngoài nước, các festival (lễ hội) và liên hoan nghệ thuật hoành tráng, hấp dẫn. Năm qua cũng là năm “nở rộ” của các lễ hội áo dài, với Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ ba, Lễ hội Áo dài “Hương sắc Hà Nội”, Festival Áo dài Hà Nội lần thứ nhất… thu hút hàng chục nghìn khách tham quan. Áo dài được tôn vinh, ưa chuộng trở lại và đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình trong dòng chảy thời gian. Bên cạnh việc là một biểu tượng văn hóa, tà áo dài còn được kỳ vọng trở thành “đại sứ” du lịch, góp phần quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đã có một số tua du lịch với áo dài được đưa vào khai thác và nhận phản hồi tích cực từ du khách quốc tế. Họ được mặc áo dài dạo quanh các điểm tham quan nổi tiếng của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mua áo dài may đo nhanh với giá thành hợp lý, hoặc được trải nghiệm cảm giác đi xe máy do các nữ tài xế kiêm hướng dẫn viên mặc áo dài đưa đến các quán ăn bản địa… Những chiếc áo dài trở thành điểm nhấn nổi bật và khó quên, mà chắc chắn du khách sẽ chia sẻ với người thân hay thậm chí là với cả thế giới qua những tấm ảnh trên mạng in-tơ-nét. Đó là chưa kể việc khôi phục nét đẹp văn hóa mặc áo dài còn góp phần xây dựng và phục hồi một số nhóm nghề, làng nghề thủ công truyền thống như: nghề dệt lụa và các chất liệu khác, nghề thêu, nghề may áo dài, nghề làm nón, làm khăn đóng, guốc mộc… Trong không khí ấm áp và rộn ràng của mùa xuân này, không khó để bắt gặp những tà áo dài rực rỡ, lung linh tung bay trên phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội), đường hoa Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) hay nhiều đô thị khác. Và trong tháng 3 tới đây, Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ tư sẽ tiếp tục được tổ chức, nâng tầm, trở thành sự kiện trọng tâm của hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong năm 2017.

Nguồn Nhân dân