Quốc hội thảo luận về công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng

Chiều 28/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo về phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

Không khoan nhượng tội phạm, nhưng không để oan, sai

Thảo luận về công tác của ngành tư pháp, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo đã được trình bày tại Quốc hội. Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn vì đã xuất hiện nhiều loại tội phạm nguy hiểm; việc điều tra, truy tố và xét xử ở một số vụ án còn kéo dài.

Bày tỏ sự quan ngại về 3 vụ trọng án ở Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái làm chết 14 người trong 3 gia đình chỉ trong thời gian ngắn của năm 2015, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phân tích: Khám phá nhanh, xử lý nghiêm là việc các cơ quan tư pháp đã làm khá tốt. Nhưng chỉ ra nguyên nhân, giải pháp chặn đứng và phòng ngừa tận gốc tội phạm này là việc mà Quốc hội, Chính phủ cần phải vào cuộc mạnh mẽ, nếu chỉ mình cơ quan tư pháp thì không thể làm nổi.

Đại biểu Lê Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên) phát biểu ý kiến.
Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Theo đại biểu Lê Thị Nga, các vụ giết người vừa qua có những đặc điểm không bình thường so với trước đây. Đó là: Thủ phạm trẻ, là những người bình thường, không phải là băng nhóm xã hội đen. Nếu trước đây giết người thường do ẩu đả, thanh toán giang hồ, hận thù cao độ, thì nay nhiều vụ lại do những mâu thuẫn vụn vặt (có vụ chỉ là do cái nhìn, do va chạm giao thông, tranh chấp cái mương nước, thậm chí chỉ từ vài quả chanh).

Dù ngành Kiểm sát và Tòa án đã báo cáo về những vụ oan, sai, nhưng khi thảo luận, một số đại biểu đề nghị cần công bố việc xử lý những Kiểm sát viên và Thẩm phán đã gây ra oan, sai cho công dân. Ngoài việc xử lý cán bộ, cần thực hiện ngay việc bồi thường cho những người bị án oan, sai.

Đề cập đến dấu hiệu oan, sai đối với vụ án Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận đã được Đoàn giám sát chỉ ra, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tỉnh Bình Thuận khẩn trương kết thúc điều tra, nếu không đủ chứng cứ chứng minh Huỳnh Văn Nén phạm tội thì phải sớm đình chỉ và bồi thường, không phụ thuộc vào việc có tìm ra được thủ phạm hay không theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Cũng đề cập đến chất lượng xét xử của ngành Tòa án, bên cạnh việc ghi nhận nỗ lực của ngành, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) thẳng thắn chỉ ra một tồn tại trong công tác xét xử. Minh chứng cho việc này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đã nêu ra một vụ án dân sự: Một nông dân bán được miếng đất 1,5 tỷ đồng, sau đó phát sinh tranh chấp. Đây là vụ án nhỏ, nhưng đã xử 3 lần sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm, 3 lần giám đốc thẩm, nhưng dân vẫn đi kiện.

Tham nhũng: Phải xử nghiêm và thu hồi được tài sản

Đánh giá về công tác, phòng chống tham nhũng, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ.

Theo báo cáo của Chính phủ, các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887 m2 đất; đã thu hồi được trên 505 tỷ đồng, đạt 55,8% (tỷ lệ này năm 2013 là 10%, năm 2014 là 22,3%) và thu hồi được 2.887 m2 đất (đạt 29,2%).

Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó, khởi tố mới 178 vụ, 317 bị can. Đã kết luận điều tra 198 vụ, 489 bị can; đình chỉ điều tra 04 vụ, 02 bị can; tạm đình chỉ 09 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 140 vụ, 299 bị can.

Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 323 vụ, 806 bị can về các tội danh tham nhũng, truy tố 310 vụ, 697 bị can.

Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 260 vụ, 577 bị cáo về các tội danh tham nhũng (giảm 27 vụ, 98 bị cáo so với năm 2014).

Dù đồng tình với báo cáo của Chính phủ, nhưng một số đại biểu vẫn cho rằng, việc phát hiện và xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình, chưa đáp ứng với mong mỏi của xã hội. Công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này thường kéo dài.

“Thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt hơn 55% về tiền và gần 30% về đất. Như vậy, tài sản tham nhũng thu hồi rất thấp, đó là vấn đề cử tri quan tâm” – đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đoàn Đà Nẵng) phân tích.

            Đại biểu Huỳnh Nghĩa ( Đoàn Đà Nẵng). (Ảnh: vov.vn)

Ngoài ra, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị Quốc hội xem xét, ra nghị quyết, quy định đối với tội phạm tham nhũng, tài sản thu hồi là căn cứ để Tòa án xem xét khi lượng hình. Không cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ khi tài sản tham nhũng thu hồi chưa đạt 100%.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng: Thực tế còn nhiều hình thức tham nhũng khác chưa được chỉ ra. Trong hầu hết lĩnh vực của đời sống, người tham nhũng ít thấy người tham nhiều thì làm theo, người không tham nhũng có khi bị người tham nhũng cô lập. Tham nhũng đã lây lan đến một số người dân thường. Chỉ cần có một chút chức trách, dù là trông xe, gác đền, làm văn phòng là lợi dụng tham nhũng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị không nên coi thường tham nhũng vặt vì nó tác động không nhỏ vào niềm tin của nhân dân, đạo đức xã hội. Chống tham nhũng phải quan tâm đến việc thu hồi tài sản.

Nhận định nguyên nhân dẫn đến tham nhũng được chỉ ra không mới, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) đặt câu hỏi: Tại sao đã biết được nguyên nhân và đưa ra được giải pháp, song đến nay tình hình phòng, chống tội phạm này chưa được ngăn chặn?

Nguồn ĐCSVN