Quốc hội thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách

Sáng 15/11, với 87% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm  2014.

Với 87,75% đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 495.189 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 287.511 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 719.189 tỷ đồng, bao gồm cả 211.585 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của QH và thông báo đến từng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và UBND các cấp quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2014 theo đúng Nghị quyết của QH đến từng đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước trước ngày 31/12/2013; thực hiện công khai dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; báo cáo QH về tiến độ, kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách của các bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và các địa phương tại Kỳ họp thứ Bảy, QH khoá XIII.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiến hành chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư phát triển tập trung, ưu tiên bố trí vốn trả nợ xây dựng cơ bản và dự án có khả năng đưa vào sử dụng, khai thác trong năm 2014; hạn chế tối đa khởi công dự án mới; bố trí hoàn trả vốn ngân sách ứng trước (bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ). Các dự án có quyết định đầu tư phải thực hiện đúng mức vốn kế hoạch được giao, không làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản. HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm bố trí đủ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định để thực hiện các dự án đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia do địa phương quản lý.

Đối với việc giám sát việc phân bổ và thực hiện dự toán ngân sách trung ương, UBTVQH, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, HĐDT và các Ủy ban khác của QH, các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH theo chức năng, nhiệm vụ, giám sát việc phân bổ và thực hiện dự toán ngân sách trung ương năm 2014 của các Bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và HĐND, UBND các cấp theo quy định của pháp luật.

 

 1


Quốc hội thông qua nghị quyết phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014 với 87% đại biểu tán thành.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 782.700 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.006.700 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, cơ cấu lại thu, chi ngân sách, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc; cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác, không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); Quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn.

Theo Nghị quyết về điều chỉnh dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2013, Quốc hội giao Chính phủ nâng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 để bù đắp số hụt thu ngân sách trung ương nhưng không quá 195.500 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP ước thực hiện). Tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát thực hiện triệt để tiết kiệm chi, cắt, giảm các khoản chi chưa cần thiết, không hiệu quả và cho phép các địa phương không đủ nguồn bù đắp hụt thu ngân sách được sử dụng không quá 70% Quỹ dự trữ tài chính để bù vào số hụt thu ngân sách năm 2013.

Ghi nhận ý kiến các đại biểu bên lề kỳ họp, đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) cho biết, việc điều chỉnh tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 2014 lên 5,35 GDP, tương ứng với 224.000 ngàn tỷ là hợp lý. Tuy nhiên, việc bố trí cho chi đầu tư phát triển 163.000 tỷ chưa đáp ứng đúng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và nghị quyết Quốc hội. Trong tình hình cân đối khó khăn, phương án bố trí ngân sách nhà nước cho các tỉnh nghèo mọi năm đều có việc điều chỉnh tăng thêm 3% bù lại một phần trượt giá nhưng năm 2014 chưa bố trí được khoản này.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng: Nguyên nhân kinh tế gặp khó khăn, việc ngân sách bị thâm hụt là do thể chế phân bổ ngân sách. Chúng ta duy trì quá lâu một thể chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho không rạch ròi, cái nào là ngân sách quốc gia, cái nào là ngân sách địa phương. Thứ hai, một thời gian dài chúng ta đã “vung tay quá trán” trong chi tiêu, sự nới rộng quá lớn bộ máy hành chính, bộ máy phình ra không ngân sách nào chịu nổi. Thứ ba là kỷ cương, kỷ luật trong ngân sách, vấn đề thất thoát trong xây dựng cơ bản.

Nguồn Vnmedia