Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm

Trong hai ngày 24 và 25/10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Sáng nay 25/10, ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.Tiếp đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Buổi chiều, Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trước đó, chiều 24/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đã biểu quyết thông qua danh sách 48 người được lấy phiếu tín nhiệm với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành.

Theo quy định tại điều 18, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, trong số những người giữ chức vụ thuộc diện Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần này có hai chức danh vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Hai chức danh này sẽ không phải lấy phiếu tín nhiệm do theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 85/2014/QH13, Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội. Vì vậy, danh sách được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này sẽ là 48 người.

DANH SÁCH 48 NGƯỜI ĐƯỢC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

Khối Chủ tịch nước: Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Khối Quốc hội gồm 18 người:

1. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

6. Bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

7. Ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

8. Ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

9. Ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

10. Ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

11. Ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

12. Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

13. Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

14. Bà Lê Thị Nga, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

15. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

16. Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

17. Ông Trần Văn Túy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

18. Ông Võ Trọng Việt, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Khối Chính phủ gồm 26 người:

1. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

4. Ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

6. Ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

7. Ông Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

8. Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

9. Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

10. Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

11. Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

12. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

13. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.

14. Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

15. Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

16. Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

17. Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

18. Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

19. Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

20. Ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ.

21. Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

22. Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

23. Ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

24. Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

25. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

26. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Khối Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước có 3 người:

1. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

2. Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

3. Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Lấy phiếu tín nhiệm là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

“Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Theo chương trình kỳ họp, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.

Lý giải điều này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, UBTVQH đã cân nhắc kỹ lưỡng các phương án và thấy rằng, phương án sắp xếp 2 hoạt động quan trọng này như vậy là hợp lý và sẽ bảo đảm được tính khách quan, công bằng trong việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm là đối với tất cả các thành viên Chính phủ nhưng chất vấn chỉ một số thành viên Chính phủ có nội dung trong Nghị quyết giám sát chuyên đề và Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội.

Mặt khác, chúng ta phải xác định rất rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm là Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm của người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trên cơ sở thực tế điều hành, quản lý trong suốt thời gian gần 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Quốc hội đã yêu cầu người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình gửi đến ĐBQH. Cùng với báo cáo này, trên cơ sở theo dõi, giám sát hoạt động của các thành viên Chính phủ, ý kiến, đánh giá của cử tri và nhân dân… thì ĐBQH sẽ có đủ cơ sở, đủ dữ liệu để đánh giá đúng người, đúng việc, công tâm, khách quan đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra những kết quả rất tốt

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thêm, việc lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII. Quốc hội đã có Nghị quyết số 85/2014/QH13 về vấn đề này.

Thực tế cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra những kết quả rất tốt. Nhiều đồng chí khi lấy phiếu tín nhiệm thì kết quả chưa cao nhưng sau đó đã có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm, đổi mới phương thức điều hành, lãnh đạo và tạo ra những chuyển biến rõ rệt đối với ngành, lĩnh vực phụ trách, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, tác dụng của việc lấy phiếu tín nhiệm là rất rõ, vì qua lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu sẽ thấy được thực tế, cá nhân mình, bộ, ngành mình phụ trách đang được ĐBQH, cử tri và nhân dân đánh giá như thế nào và có vấn đề gì phải điều chỉnh, phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu công việc cũng như mong muốn, đòi hỏi của người dân.

Mặt khác, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng đã có quy định rất rõ ràng. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá là “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; có từ 2/3 tổng số ĐBQH trở lên đánh giá là “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu có trường hợp nào như vậy thì Quốc hội sẽ tiến hành các bước tiếp theo đúng như quy định của Nghị quyết 85.

Nguồn Chính phủ