Quy hoạch, quản lý và xây dựng tượng đài ở nước ta
Hiện nay cả nước có 360 công trình tượng đài, kể cả công trình được xây dựng trước năm 1975 ở miền nam. Nếu đem chia đều cho 63 tỉnh, thành phố thì mỗi địa phương có sáu tượng đài và con số này là ít so với nhu cầu thực tế.
15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ cả Trung ương và địa phương, song những hạn chế vẫn tồn tại trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đã đưa đến một thực trạng “vừa thừa, vừa thiếu” tượng đài ở nước ta.
Ðất nước ta có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, nhiều chiến thắng vĩ đại, cho nên việc xây dựng các tượng đài để ghi lại bằng nghệ thuật điêu khắc là điều tất yếu. Việc đô thị hóa cũng như nhu cầu làm đẹp không gian kiến trúc đô thị bằng những tượng đài là nhu cầu tự thân của một xã hội phát triển. Trong 15 năm qua, việc xây dựng tượng đài đã được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm ở mức độ nhất định. Một số công trình tượng đài có chất lượng đã được xây dựng như tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên ở Gia Lai; tượng đài Bác Hồ với Tuyên Quang đang xây dựng; tượng đài Quang Trung ở Thừa Thiên-Huế; tượng đài Bác Hồ – Bác Tôn ở Hà Nội; tượng đài Lê Duẩn ở Quảng Trị, v.v. là những công trình tượng đài có nội dung tư tưởng sâu sắc và giá trị thẩm mỹ tốt, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống, lịch sử, tạo cảnh quan môi trường văn hóa nghệ thuật, phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, việc xây dựng tượng đài ở các nơi trong cả nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi thực tế.
Việc Quy hoạch tượng đài ở Trung ương và địa phương là công việc cần được UBND các tỉnh, thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng triển khai cùng với việc quy hoạch đô thị của địa phương, nhưng cho đến nay vẫn rất ít tỉnh, thành phố triển khai công tác này. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn cũng chưa làm xong Quy hoạch tượng đài. Việc xây dựng không có quy hoạch, không có quỹ đất để dành cho tượng đài vẫn diễn ra ở khắp các địa phương, chỉ đến khi có công trình mới tìm cách lấy đất, giải tỏa, dẫn đến việc tượng đài đặt không đúng vị trí, không phù hợp với cảnh quan môi trường, phát huy tác dụng và hiệu quả xã hội kém. Ở Trung ương, Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2010 đã hết thời gian. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành khẩn trương Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương và danh nhân anh hùng dân tộc trong cả nước đến năm 2030. Danh sách danh nhân, anh hùng dân tộc gồm 14 vị là: Quốc tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Ðế, Ngô Quyền, Ðinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh. Nội dung cơ bản của Quy hoạch này đã xây dựng xong nhưng hiện vẫn phải đợi Ðề án các hình thức tưởng niệm được phê duyệt thì Ðề án Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương, danh nhân anh hùng dân tộc mới được ban hành.
Thời gian qua, việc quản lý tượng đài cũng còn nhiều bất cập. Công tác quản lý, xây dựng tượng đài ở cấp Trung ương thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ở địa phương thuộc UBND tỉnh, thành phố. Văn bản quy phạm pháp luật có Quy chế 05 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là văn bản quản lý để điều chỉnh các hoạt động xây dựng tượng đài trong suốt những năm qua. Quy chế này cũng bộc lộ nhiều bất cập về hiệu lực, chưa bao quát được hết những vấn đề phát sinh với xã hội phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng xong Nghị định Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, trong đó có các chương về quản lý xây dựng, bảo quản, tu bổ, đáp ứng nhu cầu của công tác quản lý và hoạt động xây dựng tượng đài hiện nay. Sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định về hoạt động mỹ thuật; đây sẽ là văn bản pháp lý cao nhất trong công tác xây dựng tượng đài từ trước đến nay đối với hoạt động mỹ thuật. Ðịnh mức xây dựng công trình tượng đài cũng đang được khẩn trương xây dựng để quản lý tốt hơn kinh phí cho công trình rất đặc thù này. Việc cấp giấy phép xây dựng công trình tượng đài ở các địa phương, một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh, nên vẫn còn để xảy ra sai sót về quy trình xây dựng tượng đài, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình tượng đài.
Một thực tế hiện nay là ở nhiều nơi khi xây dựng tượng đài thường làm với quy mô khá lớn chưa phù hợp quy hoạch tổng thể, cảnh quan môi trường, không gian kiến trúc, nội dung của công trình, năng lực của nghệ sĩ và điều kiện kinh tế, xã hội địa phương. Vấn đề này cần có sự thống nhất về quan điểm, chủ trương đến công tác quản lý, điều hành. Với một đất nước có diện tích không rộng, điều kiện kinh tế – xã hội và năng lực sáng tạo, trang thiết bị kỹ thuật còn hạn chế như Việt Nam hiện nay thì tượng đài có nhân vật không nên cao quá 7 m, trừ một vài tượng đài đặc biệt.
Cũng bởi vì tượng đài là công trình nghệ thuật điêu khắc có tính vĩnh cửu, đặt ở nơi công cộng, có tác động đến tư tưởng, tình cảm và nhận thức thẩm mỹ của nhân dân, cho nên cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng nghệ thuật và Hội đồng nghệ thuật tư vấn, đánh giá và giám sát về các công trình tượng đài là một yếu tố hết sức quan trọng. Theo quy định, Hội đồng nghệ thuật có vai trò là tư vấn cho chủ đầu tư về nghệ thuật của công trình; theo sát công trình từ lúc lựa chọn phác thảo đến các bước như phóng phác thảo cao 1 m2, phóng tỷ lệ 1/1. Vì nghệ thuật tượng đài là quá trình liên tục sáng tạo từ ý tưởng đến khi hoàn thiện nên Hội đồng nghệ thuật cần theo sát tác phẩm cùng với tác giả để góp ý, sửa chữa, nâng cao đến khi hoàn thành. Tham gia Hội đồng phải là những họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư có uy tín, chuyên môn cao, có khả năng thẩm định, công tâm, khách quan; theo quy định trong Hội đồng phải có hai phần ba là các nhà chuyên môn mỹ thuật, một phần ba là các nhà quản lý. Quy định như vậy nhưng thực tế có những hội đồng các nhà chuyên môn mỹ thuật không được một phần hai số thành viên, còn lại là đại diện các Sở Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Giao thông vận tải… Thậm chí một công trình tượng đài của Công an Cần Thơ có 100% số thành viên hội đồng nghệ thuật là… sĩ quan công an! Như vậy thì tư vấn nghệ thuật thế nào? Ðối với tác phẩm mỹ thuật, một trong những yếu tố làm nên giá trị của tác phẩm là yếu tố độc bản, không lặp lại, vậy mà tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc xây dựng ở Tuyên Quang được giới chuyên môn đánh giá là có chất lượng nghệ thuật trung bình lại được nhân bản thành ba tượng đài giống như vậy để đặt ở các địa phương khác (?). Một điều đáng nói nữa là trong suốt những năm qua, chúng ta mới chỉ quan tâm và xây dựng các tượng đài lãnh tụ, danh nhân, tượng đài chiến thắng, tưởng niệm mà chưa quan tâm đến những tượng đài văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân và làm đẹp cảnh quan môi trường kiến trúc. Về phong cách nghệ thuật, tượng đài hiện nay mới chỉ được sáng tác với một hình thức nghệ thuật duy nhất là phong cách hiện thực; các hình thức nghệ thuật khác của điêu khắc chưa được chấp nhận, ủng hộ triển khai, vì thế gây cảm giác đơn điệu, nhàm chán.
Từ thực tế trên, chúng ta thấy có những việc cấp thiết cần sớm thực hiện. Trước hết, các tỉnh, thành phố cần triển khai ngay Quy hoạch tượng đài tại địa phương. Thứ hai, cần thực hiện đúng các quy định của Quy chế Quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng (phần mỹ thuật), ban hành theo Quyết định số 05/2000/QÐ-BVHTT ngày 29-3-2000 của Bộ trưởng Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và sắp tới là Nghị định của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật. Thứ ba, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các công trình tượng đài, để chỉ đạo và thực hiện đúng các quy định, quy trình về xây dựng tượng đài. Làm tốt được những công việc đó, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, tin rằng nước ta sẽ có nhiều công trình tượng đài sâu sắc về nội dung tư tưởng, có giá trị thẩm mỹ cao phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.