Ra khơi là… lỗ
Giá xăng dầu tăng “chóng mặt” trong mấy ngày qua đã đẩy chi phí ra khơi đánh bắt tăng cao. Nhiều ngư dân đành kéo thuyền lên bờ… phơi nắng, số ngư dân cố gắng bám biển thì canh cánh nỗi lo lỗ vốn
Bán tàu trả nợ
Anh Phạm Nam (37 tuổi, tổ dân phố 28, thị trấn Phan Rí Cửa, chủ tàu BTH-98114 chuyên đánh cá cơm) cho biết 3 chuyến biển liên tiếp từ đầu tháng 8-2012 đến nay, anh bị lỗ hơn 30 triệu đồng do giá dầu tăng. “Chán quá, nhiều khi tôi muốn bán tàu, bỏ nghề nhưng không biết làm gì có tiền để lo cho 3 đứa nhỏ đang học. Cứ ra khơi là lỗ thì lấy đâu ra tiền để gia đình sinh sống” - anh Nam bộc bạch. Không có tiền để trang trải chi phí cho mỗi chuyến ra khơi nên anh Nam đành neo thuyền ở bến cá gần một tuần qua.
Tại bến cá xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, anh Nguyễn Ngọc Minh, chủ tàu BTH – 98500 hành nghề giã cào đôi, đang hì hục chuyển dầu lên tàu, chuẩn bị cho chuyến ra khơi trở lại sau gần một tháng nằm bờ. Anh Minh tâm sự: “Mỗi chuyến biển mất 3.500 lít dầu, khoảng 75 triệu đồng, thêm các khoản khác như nước đá, công “bạn”, tổng cộng hơn 80 triệu đồng. Mấy chuyến vừa rồi, tôi lỗ gần 50 triệu đồng, đành phải nằm bờ.
Ông Đinh Nhứt, nguyên trưởng khu phố Hải Tân 3 (thị trấn Phan Rí Cửa), cho biết mấy tháng qua, trong khu phố này có hơn 10 ngư dân phải bán tàu để trả nợ vì các chuyến biển liên tục lỗ nặng. Bán tàu trong thời điểm này không dễ nên nhiều chủ tàu phải “xẻ thịt” tàu để bán “món”, mong gỡ gạc chút ít, vì tàu nằm bờ xuống cấp rất nhanh.
Ngao ngán giá dầu
Tại Phú Yên, chuyện tàu cá nằm bờ vì giá xăng dầu “giảm 1 nhưng tăng 3” đang là nỗi ám ảnh của ngư dân địa phương. Cửa biển Đà Rằng, nơi có hơn 400 tàu câu cá ngừ đại dương thường xuyên ra vào nhưng trong ngày 18-8, chỉ có 2 tàu xuất bến. Ông Phạm Đạn, nhân viên Trạm Hoa tiêu Đà Rằng, cho biết: “Trước đây, mỗi ngày có ít nhất 25 tàu ra khơi nhưng từ khi giá xăng dầu tăng, số tàu ra khơi giảm hẳn”.
Theo tính toán của ngư dân Trần Văn Thư (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn - Bình Định), với tàu công suất hơn 100 CV của anh, để đi chuyến biển một tháng phải tốn khoảng 5.000 lít dầu. Với giá dầu hiện nay, chi phí sẽ đội lên hơn 6 triệu đồng nên ra khơi bị lỗ là chắc.
Doanh nghiệp xăng dầu cũng gặp khó
Không chỉ ngư dân khốn khó vì giá xăng dầu tăng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này cũng gặp khó. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, một số chủ doanh nghiệp tư nhân xăng dầu ở huyện Tuy Phong đã mạnh tay bán chịu dầu cho chủ tàu là những khách hàng thân thiết cả tỉ đồng mà không tính lãi, thậm chí không cần hợp đồng mua bán. Đến khi chủ tàu thua lỗ, doanh nghiệp xăng dầu phải gánh nợ.
Bà M., chủ một doanh nghiệp xăng dầu ở thị trấn Phan Rí Cửa, cho biết khi trúng mùa, ngư dân thanh toán tiền dầu rất sòng phẳng. Mấy tháng trở lại đây, hầu hết chủ tàu bị lỗ sau mỗi chuyến biển dẫn đến “nợ chồng nợ”. Gần đây, nhiều ngư dân bỏ biển nên không biết bao giờ họ mới trả được nợ. Doanh nghiệp của bà M. chuyên bán dầu gối đầu cho khoảng 20 tàu cá ở huyện Tuy Phong. Mỗi tàu thường nợ khoảng 50 triệu đồng tiền dầu cho mỗi chuyến biển. Hiện nay, bà M. phải nợ ngân hàng hơn 1 tỉ đồng từ bán dầu chịu.
Ông Bùi Tấn Thảo, chủ DNTN Thu Vân (Phú Yên), cho biết trước đây, mỗi ngày ông bán khoảng 4.000 - 5.000 lít dầu diesel nhưng tuần qua, kể từ khi xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp của ông chưa bán được 1.000 lít dầu/ngày. “Bán ít, hoa hồng giảm, ngư dân lại mua nợ nhưng vẫn phải mở cửa bán vì nếu không bán, ngư dân tìm đến nơi khác mua, mình không còn bạn hàng” - ông Thảo tâm sự.
Tính đến việc nhập khẩu cá ngừ Các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương ở Phú Yên đang tính đến việc nhập khẩu loại cá này từ Indonesia, Malaysia để bảo đảm lượng cá ngừ ăn tươi cung cấptheo hợp đồng. Theo các doanh nghiệp, với tình trạng tàu cá nằm bờ hàng loạt hiện nay, trong tháng tới, lượng cá thu mua được trong nước sẽ giảm mạnh. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.