Rà soát nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Ngày 22/1, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc về nguồn cung hàng lương thực, thực phẩm và xu hướng biến động thị trường trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Theo báo cáo nhanh của Cục Chế biến nông lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), hiện nay tại các tỉnh miền Bắc, giá lương thực nhìn chung ít biến động với giá lúa tẻ phổ biến ở mức 7.200 – 7.500 đ/kg; gạo tẻ thường ở mức 13.200 – 13.500 đ/kg.

Trong khi đó, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo 5% tấm hiện khoảng 6.900 – 7.000 đ/kg; gạo 25% tấm là 6.700 – 6.800 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.

Trong thời gian tới, nguồn cung trong nước sẽ khá dồi dào do được bổ sung từ vụ thu hoạch mới (khoảng hơn 1,5 triệu tấn trong tháng 1 và 2/2015) trong khi nhu cầu xuất khẩu chưa có dấu hiệu khả quan. Do vậy, giá lúa được dự báo sẽ ổn định trừ một số loại gạo chất lượng cao và gạo nếp có thể tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Về nguồn cung thực phẩm, thời gian qua, hoạt động sản xuất chăn nuôi nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cấp, ngành. Số lượng con giống đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất, tạo nguồn cung thực phẩm trong nước dồi dào. Thậm chí một số sản phẩm chăn nuôi những tuần gần đây đã có dấu hiệu cung vượt cầu.

Nhìn chung, giá các sản phẩm chăn nuôi năm 2014 và đầu tháng 1/2015 không có biến động và ổn định ở mức bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi.

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, nếu từ nay đến Tết Nguyên đán, công tác phòng chống dịch bệnh và chống rét cho gia súc, gia cầm đặc biệt ở các tỉnh miền núi được kiểm soát tốt, thì lượng thịt sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa trong thời gian tới.

Thống nhất về quan điểm chỉ đạo, điều hành nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, theo quy luật hàng năm, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán thường tăng cao. Do vậy, với sự chỉ đạo chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng của hai Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương để triển khai quyết liệt công tác bình ổn giá nhằm hạn chế khả năng tăng giá đột biến dịp Tết cũng như đảm bảo cao nhất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương để chỉ đạo các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới, khu vực cửa khẩu tăng cường kiểm soát vấn đề nhập lậu gia súc, gia cầm và tạm nhập, tái xuất thực phẩm. Bởi đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường và sản xuất chăn nuôi trong nước.

Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo và phối hợp cùng các địa phương thực hiện chính sách bình ổn giá thực phẩm hợp lý, vừa tránh tăng giá đột ngột và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng phải khuyến khích được sản xuất trong nước phát triển hơn nữa.

Nguồn Chính phủ