Rơi máy bay, phi công xả thân để giảm thiệt hại

Sau hơn 5 phút cất cánh, máy bay quân sự L39 mang số hiệu 8705 đã rơi xuống cánh đồng ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên khiến một học viên phi công tử nạn

Chiều 26-8, đoàn lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã đến thăm hỏi và chia buồn với gia đình học viên phi công Phạm Đức Trung (trú tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Hiện trường vụ tai nạn rơi máy bay Ảnh: HỒNG ÁNH

Hiện trường vụ tai nạn rơi máy bay Ảnh: HỒNG ÁNH

Theo Bộ Quốc phòng, sáng cùng ngày, Trung đoàn Không quân 910, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không – Không quân tổ chức huấn luyện trên máy bay L39 tại sân bay Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Máy bay L39 mang số hiệu 8705 do thượng sĩ học viên phi công Phạm Đức Trung (SN 1994; quê xã Văn Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) điều khiển cất cánh lúc 8 giờ 45 phút. Sau khoảng 5 phút lấy độ cao, máy bay bị hỏng động cơ rồi rơi xuống cánh đồng Phước Lộc, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường vụ tai nạn, trước khi rơi, máy bay đã lướt qua Quốc lộ 1. Càng máy bay va quệt một đoạn lan can đường, quét bể vụn một đoạn dải phân cách giữa Quốc lộ dài khoảng 2 m rồi chui dưới hàng dây điện cao thế, rơi và cày một đoạn dài trên ruộng lúa trước khi dừng lại. Vị trí máy bay rơi chỉ cách căn cứ khoảng 2 km đường chim bay.

Đại tá Nguyễn Đức Quý, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân, cho biết L39 là máy bay huấn luyện phi công chiến đấu của Không quân Việt Nam, do Cộng hòa Czech sản xuất. Trong nhiệm vụ huấn luyện này chỉ bay đơn. “Khi máy bay cất cánh được vài phút, trung tâm điều khiển nhận thông tin từ phi công về việc động cơ máy bay bị trục trặc nên trung tâm phát lệnh phi công bay về nhưng không kịp” – đại tá Quý nói.

Khi chiếc máy bay mất độ cao, lướt qua Quốc lộ 1, đúng lúc ông Đặng Hùng (ngụ xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) đi xe máy thăm con ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) trở về qua đoạn đường này. “Tôi nghe tiếng ù rất to và kéo dài cùng với sức gió cuốn rất mạnh. Tôi bị hất văng xuống đường cùng chiếc xe máy, rồi bất tỉnh. Khi mở mắt ra thì thấy mình nằm ở bệnh viện và biết vừa thoát chết” – ông Hùng kể lại.

Học viên phi công Phạm Đức Trung sau khi được đưa ra khỏi buồng lái đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên để cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Qua khám nghiệm hiện trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế nhận định khi hỏng động cơ ở độ cao ấy, phi công có thể chọn giải pháp nhảy dù an toàn. Nếu vậy, máy bay sẽ rơi tự do và hậu quả sẽ khó lường nếu trúng vào nơi đông dân cư cách đó không xa. Phi công đã không chọn giải pháp an toàn cho mình mà cố đưa máy bay về căn cứ. Tuy nhiên, máy bay mất độ cao quá nhanh, phi công đã chấp nhận chui qua dây điện để rơi xuống ruộng lúa.

Hiện lực lượng cứu hộ đã đưa máy bay gặp nạn về căn cứ để điều tra an toàn bay, nguyên nhân tai nạn.

Thủ tướng Chính phủ chia buồn với gia đình nạn nhân

Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã có công điện truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân, gia đình học viên phi công bị nạn. Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng tập trung điều tra, làm rõ nguyên nhân; rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác chỉ huy, huấn luyện, điều hành bay, bảo đảm kỹ thuật hàng không; tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn bay, không để xảy ra vụ việc tương tự.

Lúc 6 giờ 30 phút hôm nay (27-8), lễ viếng học viên phi công Phạm Đức Trung sẽ diễn ra tại bệnh viện, dự kiến ngày 28-8 sẽ đưa về gia đình ở TP Nha Trang để làm lễ truy điệu.

NLĐ