Rộn ràng Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Tối 16-3 (mùng Tám tháng Hai năm Bính Thân), tại trung tâm TP Hải Phòng, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được chính thức tổ chức trọng thể. Hàng nghìn người dân thành phố Hoa phượng đỏ và du khách thập phương nô nức dự hội thể hiện lòng thành kính với người nữ tướng được tôn vinh là “Thành hoàng” đất Cảng. Mọi người đến với lễ hội năm nay dường như phấn khởi hơn khi Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch vừa công bố công nhận Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. |
Theo thần tích, Nữ tướng Lê Chân sinh ngày Tám tháng Hai năm Canh Thìn (năm 20 CN) tại xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay là xã An Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), con cụ Lê Đạo và bà Trần Thị Châu – một gia đình chuyên nghề chữa bệnh giúp người. Sinh thời, Lê Chân nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, giỏi võ nghệ và có chí hơn người. Thái thú Tô Định nghe danh, đòi lấy làm tỳ thiếp. Ông bà Lê Đạo kiên quyết khước từ. Thái thú Tô Định tức giận đã hãm hại cụ Lê Đạo. Nợ nước, thù nhà, quyết chí phục thù, Lê Chân đã cùng thân quyến đến vùng An Dương, cửa sông Cấm để khai hoang, lập ấp mới, đặt tên là làng Vẻn, sau đổi thành trang An Biên (TP Hải Phòng ngày nay). Nghe tin ở xứ Đoài có Hai Bà Trưng đang mưu nghiệp lớn, Lê Chân đã tìm đến cùng luận bàn kế sách đánh đuổi xâm lăng, rồi trở về chiêu tập binh mã, luyện rèn vũ khí, tích trữ lương thảo, sẵn sàng dấy binh. Mùa xuân năm Canh Tý (40 CN), Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, đánh đuổi quân Đông Hán. Nhân dân khắp nơi sôi nổi hưởng ứng. Từ căn cứ An Biên, Lê Chân cùng với đội nghĩa binh của mình ở mạn biển xứ đông nhanh chóng gia nhập đội quân khởi nghĩa đánh đuổi xâm lăng. Khởi nghĩa thắng lợi, bà Lê Chân được Hai Bà Trưng phong Thánh Chân Công chúa, ban chức Chưởng quản binh quyền coi giữ vùng hải tần (duyên hải đông bắc). Nữ tướng Lê Chân quay về vùng An Biên, tiếp tục mở mang đất đai, phát triển sản xuất, xây dựng làng mạc trù phú và tiếp tục luyện rèn lực lượng, đào hào, đắp lũy, trấn giữ vùng trọng yếu phía đông Tổ quốc… Tưởng nhớ công đức to lớn của người Nữ tướng, nhân dân đã tôn vinh bà là Thánh mẫu. Cứ đến ngày mồng Tám tháng Hai âm lịch hằng năm, người dân đất Cảng lại tưng bừng tham dự Lễ hội với lòng thành tri ân sâu sắc. Hầu như các ngày trong năm, trước tượng Bà sừng sững giữa trung tâm thành phố đều có hoa tươi và những nén hương thơm của người dân thành kính dâng lên người có công lập ấp, khai sinh mảnh đất tươi đẹp đầy nắng, gió nơi cửa biển đông đúc và nhộn nhịp này. Giờ đây, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân đã trở thành một trong những lễ trọng của người dân Hải Phòng. Người dân Hải Phòng tôn vinh bà là “Thành hoàng” đất Cảng cũng như luôn ghi nhớ công lao to lớn của bà trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng giành độc lập dân tộc. Lễ hội được khởi đầu với đoàn rước từ Đền Nghè và đình An Biên đến quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân với nghi lễ truyền thống: múa lân, trống, chiêng, bát biểu, kiệu Long đình, đoàn nhạc bát âm, đội tế nữ quan, đoàn dâng lễ cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân… Phần lễ chính diễn ra buổi tối tại Quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân có màn đánh trống khai hội, đọc chúc văn, lễ dâng hương, lễ tế, cùng nhiều tiết mục hát ca trù, chèo cổ, nhạc cụ dân tộc, kịch… Tuy trời có mưa nhỏ, nhưng đông đảo người dân vẫn tham dự lễ hội với không khí rộn ràng, vui tươi, phấn khởi… Lễ hội Nữ tướng Lê Chân không chỉ đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân địa phương, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền dân tộc, sinh hoạt lễ hội truyền thống, du xuân của nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách thập phương mà còn góp phần ôn lại truyền thống, giáo dục con cháu lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc và trách nhiệm của mỗi người dân đối với quê hương, đất nước. Lễ hội cũng là dịp giới thiệu, quảng bá với du khách trong và ngoài nước về các giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, về đền Nghè linh thiêng thờ Nữ tướng Lê Chân trên phố Mê Linh đã được xếp hạng là di tích quốc gia và ngôi đình cổ An Biên… Phần hội cũng có nhiều hoạt động phong phú như việc “tái hiện” chợ quê giữa lòng thành phố, hội thi hoa, cùng nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật truyền thống… Lễ hội Nữ tướng Lê Chân đã thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc, lòng thành kính, trách nhiệm và niềm tự hào của các thế hệ hôm nay đang nỗ lực lao động sản xuất, xây dựng mảnh đất “Hải tần phòng thủ” ngày càng văn minh, hiện đại. Nguồn Báo Nhân Dân Online |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.