Sắc đào trong sương gió
Những đêm mưa rét, nếu đến vùng đất bãi ven sông Hồng, nơi người Nhật Tân chọn làm đất “tái định cư” cho cây đào, nhiều người sẽ liên tưởng đây là một “thành phố đèn lồng”, bởi không biết cơ man những cây đào được bọc ni-lông, thắp điện chống rét, trông xa như những chiếc đèn lồng khổng lồ. Không khó để nhận ra người trồng đào, với những đôi gò má đỏ lên vì sương gió và đôi bàn tay nứt nẻ, mà mỗi năm, chỉ được một lần thu hoạch.
Đường Nghi Tàm những ngày này như dòng sông hoa, những cành đào bích, đào phai đang dần được chuyển về trung tâm thành phố. Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Người ta đã bắt đầu lo sắm sửa, đi chơi Tết. Duy chỉ có người trồng đào vẫn chưa biết thành quả của một năm sương nắng của mình sẽ như thế nào, cho dù đó là người kinh nghiệm nhất. Ông Nguyễn Văn Toàn, người có nghề trồng đào gia truyền nhiều năm ở đất Nhật Tân thừa nhận: “Cứ phải đến tối 30 Tết, chúng tôi mới biết kết quả một năm lao động của mình là thế nào. Đắng cay, mặn ngọt đều đến vào đêm ấy”. Khi tôi so sánh nghề trồng đào với nghề trồng hoa, nhiều người ở Nhật Tân đã chậc lưỡi: Hoa thì một năm còn thu vài vụ, hoặc nhiều hơn. Cánh trồng đào chúng tôi chỉ được một vụ thôi. Chẳng may mất mùa là mất tất.
Chục năm trước, khi “dính” đào chuẩn bị nhường đất cho khu đô thị Ciputra (người Nhật Tân thường gọi đào trong “dinh” là “đào đồng”), những người tâm huyết với đào ở Nhật Tân đã làm một cuộc “đại di cư” cho cây đào ra vùng đất bãi cách đó không xa. Hiện giờ tổng diện tích trồng đào ở bãi là 27 ha, tương đương với đất dinh ngày xưa. Chính bởi thế, tuy cây đào phải “tái định cư”, nhưng người dân Thủ đô hầu như không cảm thấy sự hụt hẫng. Hầu hết người dân chỉ nghe mang máng về cuộc di cư của những cây đào. Còn với người Nhật Tân, quả là một kỳ công có “một không hai”. Đất bãi là đất trũng, người ta đã phải tốn không biết bao nhiêu công sức để tôn nền, bảo đảm cho gốc đào luôn có thể thoát nước khi cần. Riêng khâu đổ đất, có gia đình đã tốn cả trăm triệu đồng. Kế đến, ra bãi, thổ nhưỡng khác, khí hậu khác. Bao năm kinh nghiệm trồng đào trong “dinh”, vẫn phải mày mò tìm hiểu thêm phương pháp mới để cây đào thích nghi với đất mới. Tất nhiên, kinh nghiệm ấy thường phải trả bằng chính những gốc đào chết, những cành đào kém hoa, thưa nụ.
Cái khó cũ, cái khó mới cứ chất chồng. Một số hộ gia đình bỏ đào chuyển sang trồng hoa. Vừa thu hoạch hoa, vừa cho thuê làm địa điểm chụp ảnh. Xem ra, cách này dễ thu lợi hơn so với trồng đào khi phong trào chụp ảnh ở vườn hoa đang trở thành một xu hướng của giới trẻ. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều người đau đáu với nghề cổ, cũng là kế sinh nhai, kế làm giàu, nếu chinh phục được thiên nhiên khắc nghiệt. Anh Nguyễn Quang Vinh ở cụm 3 phường Nhật Tân, người lâu năm trong nghề, sở hữu đến 100 gốc đào cổ bảo chúng tôi: “Lắm lúc chúng tôi hay đùa, cái anh trồng đào này giống anh lính biên phòng”. Trong câu chuyện tưởng như đùa của anh Vinh lại có sự thật rất hiển nhiên. Đấy là người trồng đào thường phải… xa nhà trong gần suốt tháng Chạp. Cứ ra bãi đào thì biết. Nhà nhà phải dựng lều ngoài đồng chăm đào, cũng để canh đào. Đêm đông người ta yên ấm trên chăn, dưới nệm, thì người trồng đào cứ vò võ trong căn lều gió lạnh. Nhiều người cứ kè kè chiếc đài nhỏ bên mình. Sáng nghe thời tiết, tối nghe thời tiết, trước khi đi nằm lại… nghe thời tiết. Cây đào đỏng đảnh. Phải năm ấm quá, đến Rằm tháng Chạp hoa đã nở rộ. Năm rét đậm, rét hại trường kỳ, gần 30 Tết những nụ, những hoa vẫn đen thui, im như thóc. Ngoài trời rét, còn ruột gan người trồng đào thì nóng như lửa đốt. Lúc ấy, bao nhiêu kinh nghiệm tích lũy đời nọ qua đời kia phải đem vận ra bằng hết. Khi thì phải tìm cách sưởi ấm, kích thích cây đâm nụ. Khi thì lại hãm lại để nụ hoa “cười” đúng dịp. Lắm khi phải thức trắng đêm lo cho những cây đào. Chả thế mà không khó để nhận ra người trồng đào, với đôi má luôn đỏ lựng lên vì gió thốc, đôi tay toác ra nứt nẻ…
Người Nhật Tân vừa sợ rét, lại cũng vừa mong rét. Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Nếu vào ngưỡng rét hại thì đào khó ra hoa, nhưng nếu rét vừa, rét đậm thì đào sẽ đẹp. Cái giá lạnh khiến nụ đào cứ ấp ủ, cứ ngân mãi, ngân mãi. Đến khi bông đào bung ra thì bừng lên sức sống. Khi đó, bông hoa mới đẹp trọn vẹn. Nếu trước Tết vài ngày có mưa phùn nhẹ, sức sống của hoa, của lộc sẽ được tiếp thêm mạnh mẽ hơn”. Hóa ra, cây đào cũng giống lòng người. Những người dân miền bắc, chẳng ai mong một ngày đầu năm đầy nắng. Ai cũng ưa ngày đầu năm mới phải lạnh vừa phải, lại thêm lây rây mấy hạt mưa xuân.
Tết Giáp Ngọ đang đến gần. Bãi sông Hồng nơi có dinh đào mới đã bắt đầu tấp nập. Các loại đào ở Nhật Tân giờ phong phú hơn. Đào bích, đào phai, đào bạch, đào thế, đào dáng tự nhiên… đều có đủ. Thậm chí có người ghép thành công nhiều loại đào trên cùng một gốc. Đào thất thốn, giống hoa quý một thời tưởng đã thất truyền nay cũng được hàng chục hộ trồng. Thời điểm này chủ yếu là những người đến đặt, thuê, hoặc mua cây thế cỡ lớn. Người Nhật Tân bảo người đến mua đào sớm, nếu không phải doanh nghiệp, nhà hàng khách sạn thì cũng là người giàu. Phải non tuần nữa, khách mới mua rộ. Anh Lê Hàm, người nổi tiếng ở Nhật Tân với kinh nghiệm trồng đào cho biết: “Thời tiết năm nay không quá khắc nghiệt. Chỉ một số hộ gia đình tuốt lá muộn là phải thắp điện sưởi cho đào. Với kiểu thời tiết này hoa sẽ ra dàn trải chứ không rộ vào một dịp. Tuy chưa thể đánh giá thành bại cả năm, nhưng trước mắt có thể coi năm nay người trồng đào sẽ khó có ai bị… thua cuộc”.
Sau những lo toan làm sao cho cây đào nở đúng dịp, như mọi người, người Nhật Tân cũng phải lo bài toán về giá. Có năm đào đắt hàng, có năm không. Cho đến thời điểm này, giá đào hầu như tăng không đáng kể so với năm ngoái. “Năm nay, cái gì cũng tăng. Điện tăng, nước tăng, các loại phân bón cũng tăng. Áp lực là không nhỏ”, anh Lê Hàm cho biết thêm. Đằng sau những bông hoa bừng nở đón Tết là bao nỗi niềm của người trồng đào. Người trồng đào luôn gửi gắm hết tâm sức vào mỗi gốc cây. Bởi chỉ khi người mua ưng ý với vẻ đẹp cây đào, người trồng mới có thể vui niềm vui trọn vẹn với thành quả lao động của mình.
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.