Sắc Xuân quyện hòa giữa đại ngàn Tây Nguyên
Nam Tây Nguyên mùa nắng. Nắng trải dài như tiếng khèn của người Tây Bắc quấn quyện điệu chiêng huyền thoại Tây Nguyên. Những cung đường về bản, xuống buôn, những nụ mai anh đào bung cánh nghinh xuân. Trên miền đất đỏ ba-dan của người Mạ, Cơ Ho, Chu-ru… đã có thêm những người bạn núi cùng hòa nhịp mùa Xuân. |
Vui hội xuân giữa đại ngàn nam Tây Nguyên. Khi những cánh đồng đã trơ cuống rạ, những trái cà-phê cuối cùng đã thu hoạch xong, cũng là lúc các buôn làng Tây Nguyên vào mùa hội, mùa “ăn năm, uống tháng”, mùa sống cạn với nghĩa, với tình, với sinh khí mùa xuân. Và trên miền đất huyền ảo ấy, có những người con của vùng cao Tây Bắc đến sinh cơ, lập nghiệp, cũng hòa nhịp, tạo nên bức tranh sắc mầu sinh động giữa đại ngàn. Chiều nam Tây Nguyên trôi dịu nhẹ, mùi hương hoa cải thoảng bay trong gió, khói lam chiều ôm lấy những nếp nhà của buôn làng người Chu-ru, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Từ phía núi xa, đã nghe âm ba của chiêng quyện hòa điệu trống Sơgơn, Păhgơnăng và điệu rơkel (kèn). Những bếp lửa chuẩn bị thắp lên, vòng xoang dưới chân núi T’rôm Ụ đã rộng thêm, mọi người bắt đầu hòa nhịp Tamya. Nghệ nhân cồng chiêng Ma Bio buôn Diom A, xã Lạc Xuân mở lời: “Qua những ngày hội Xuân, tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng ngày được thắt chặt, bà con mình vui lắm”. Theo mạch nguồn văn hóa, lễ, Tết của người bản địa Tây Nguyên theo quy luật mùa vụ, như lễ cúng đầu mùa, khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch; lễ cúng thần đập nước, lễ mừng lúa trổ bông… Và khi lúa đã chuyển về kho, người Cơ Ho, Mạ, Chu-ru tiến hành lễ hội mừng lúa mới. Đây là lễ cúng lớn nhất của người Tây Nguyên. Những chàng trai ngực trần tuấn tú cùng với già làng dựng cây nêu linh thiêng trước nhà rông, nhà dài; những cô gái miền sơn cước lo văn hóa ẩm thực. Sau phần nghi thức thông báo với Giàng, với bà con buôn làng về ngày hội lớn, do già làng chủ lễ thực hiện, ngọn lửa thiêng được thắp lên, tiếng chiêng, cồng bắt đầu tấu khúc đại ngàn, đê mê trong hương rượu cần bất tận. Ngày hội của khát vọng, tinh thần đoàn kết bắt đầu… Đêm. Nhịp chiêng, trống, kèn vẫn quyện hòa vũ điệu tamya, mải miết rong chơi trên đỉnh núi lớn và dặt dìu trong những vòng xoang cùng vui ngày hội. Người Chu-ru cho rằng, sự thông nối giữa các nhạc cụ truyền thống với tamya là sự giao hòa âm dương, biểu hiện của sự tương giao bền chặt. Đó là cách để những người con buôn làng thể hiện tình cảm với nhau, với khách và với Giàng. Tạm biệt buôn làng Chu-ru trong men say đại ngàn. Điệu rơkel của Ma Tham vẫn tấu khúc “gọi nhau về bên ché rượu cần…” mênh mang, bất tận. Lang Biang, mùa con chim Ch’rao gọi nhau về tổ. Không gian cổ tích, nguyên sơ. Những chàng trai, cô gái miền sơn cước đang dặt dìu quý khách vào vòng xoang. Những giai điệu nam Tây Nguyên, câu yal yau, tam pơt bản địa ngân dài lên tận đỉnh núi. Trong hương rừng ngất ngây, già làng Krajan Plin, dân tộc Cơ Ho – Lạch, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), thổ lộ: “Lễ đón năm mới (lir bong) là lễ hội quan trọng của buôn làng mình đó”. Cũng như người Chu-ru, đây là dịp để cầu thần linh bảo vệ, giúp đỡ bà con buôn làng; là lúc những chàng trai, cô gái nam Tây Nguyên xúng xính trang phục mùa hội, gởi gắm tình cảm cho nhau trong ước vọng mùa xuân. Và, phía xa dưới chân núi ấy, những người anh em Tày, Mông, Nùng, Thái, quê tận đầu nguồn sông Thao, sông Vàng, Nậm Mộ cùng với người Chu-ru, Cơ Ho bản địa nam Tây Nguyên nhịp chiêng, tiếng khèn đã quấn quyện, cùng nhau đón mừng Xuân mới… Ngoài trời, những giọt nắng thủy tinh chiếu xuống những mái ngói đỏ tươi của làng Nùng, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), những cánh hoa trắng cà-phê khẽ đong đưa trong gió. Tiếng nhạc chiêng chao theo điệu đàn tính. Trong căn nhà đậm nét văn hóa vùng Tây Bắc, ông Đàm Hải Nhì kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về quá trình “tái sinh” trên vùng quê mới. Giờ đây, làng Nùng đã lên “phố”. Trong những chiều hàn huyên bên bát nước chè xanh, cây đàn tính, những người con xã Hồng Ðại, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) di cư vào đây từ những năm 80 thế kỷ trước, thường đùa vui như thế. Đến nay, làng Nùng có khoảng 30 gia đình, cùng với các hộ đồng bào dân tộc bản địa sống chan hòa, đoàn kết. Chiều trôi yên ả. Không khăn mỏ quạ, áo chàm, Đàm Hải Nhì ôm đàn tính gảy điệu then bài “Xuân về trên vùng quê mới”, do ông soạn lời, tôi và già K’Briếuh (dân tộc Cơ Ho) cùng gõ nhịp. Dứt đoạn, già K’Briếuh vỗ vai tôi, hằng năm, người Cơ Ho, Nùng, Kinh… đều cùng nhau vui ngày hội làng, được tổ chức dịp Tết Nguyên đán. “Đoàn kết mới phát triển, mới ấm no”, Già K’Briếuh bộc bạch. Đứng trên dốc Mông nhìn xuống, những đồi chè, cà-phê trải dài như tiếng khèn của người Tây Bắc… miền đất mới hiện lên bóng dáng một vùng quê ấm áp và bình yên. Đó là miền đất lành của người Mông, Tày, Nùng, Dao… “tái sinh” trên vùng quê mới ở thôn 10c, thường gọi làng Mông, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Từ bảy hộ người Mông ngày đầu mở đất, giờ đây làng Mông có hơn 170 hộ, với chín dân tộc anh em sống chan hòa dưới chân núi Chúa. Ngày mồng 6 Tết, tất cả già trẻ, gái trai trong làng xúng xính áo hoa mùa hội, ùa ra sân làng. Hội xuân làng Mông kéo dài đến tận rằm tháng Giêng, với các trò chơi dân gian của các dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên. “Thủ lĩnh” làng Mông Thào Hùng Khải thổ lộ: “Xuất phát từ hai từ “đoàn kết”, các dân tộc anh em ở vùng quê mới luôn có nhau lúc buồn, khi vui. Sự gắn kết đó đã hình thành những “hội phường, hội hiếu” để cùng nhau gánh vác, để cùng tìm hiểu cái hay, cái đẹp về phong tục tập quán mỗi dân tộc”. Mùa xuân gõ nhịp trên những cung đường làng. Giữa mênh mông đại ngàn, tự đâu đó bật lên điệu then da diết: Xuân về mọi điều đều vui/ Hoa đua nở thơm lừng khắp nơi… Báo Nhân Dân |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.