Sai lầm lớn khiến Nhật Bản phải “khai tử” chiến hạm huyền thoại Yamato
Chiến hạm Yamato là một trong những chiến hạm lớn nhất và hùng mạnh nhất của Nhật Bản nhưng lại có số phận vô cùng bi thảm.
Vào đầu năm 1945, Hải quân Đế Quốc Nhật Bản đã đưa ra quyết định đầy khó khăn đó là hy sinh chiến hạm lớn nhất, uy lực nhất từng được nước này chế tạo để bảo vệ Okinawa, cửa ngõ của Nhật Bản. Quyết định đó đã chấm dứt số phận của chiến hạm Yamato và hàng nghìn thủy thủ trên con tàu này, nhưng trớ trêu thay lại không có tác dụng ngăn chặn bước tiến của quân Đồng minh.
Chiến hạm Yamato của Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia
Chiến hạm đi vào huyền thoại
Yamato là một trong những chiến hạm lớn nhất và mạnh nhất thời bấy giờ. Con tàu này đã đi vào huyền thoại, được Nhật Bản coi là hình mẫu hoàn hảo về lòng quả cảm.
Năm 1937, Yamato được bí mật đóng tại Kho vũ khí Hải quân gần Hiroshima để tránh bị Mỹ phát hiện. Trước đó, Nhật Bản đã rút khỏi Hiệp ước Hải quân với Mỹ, vốn giới hạn về kích cỡ và tải trọng của thiết giáp hạm. Với quyết định này, Nhật Bản có thể đóng được những tàu chiến với kích cỡ tùy theo ý muốn.
Với chiều dài hơn 255m và tải trọng 70.000 tấn, Yamato là thiết giáp hạm lớn nhất trong thời chiến. Chỉ các tàu sân bay mà Mỹ phát triển thời hậu chiến mới có thể vượt qua nó về kích cỡ. Yamato và tàu chị em khác là Musashi, được trang bị 9 khẩu hải pháo cỡ nòng 457 mm trên ba tháp pháo lớn, 6 hải pháo thứ cấp cỡ 155 mm, 24 pháo 127 mm, 162 pháo phòng không 25 mm và 4 súng máy hạng nặng cỡ 13,2 mm.
Với hỏa lực mạnh như vậy, Yamato có thể đánh chìm nhiều thiết giáp hạm của đối phương trong một lần khai hỏa. Số lượng cực lớn của pháo phòng không được bổ sung trong quá trình tái trang bị có thể giúp con tàu đứng vững trước sức mạnh của không quân Mỹ cho đến khi nó áp sát và tấn công tàu địch.
Thật không may cho Yamato và thủy thủ đoàn là chiến hạm này đã trở nên lỗi thời vào thời điểm nó được hạ thủy. Trong khi đó, các tàu sân bay cơ động của Mỹ, có thể mang theo máy bay ném bom và ngư lôi, đã sở hữu khả năng tấn công một tàu chiến trong phạm vi hơn 321km, đủ xa trước khi chúng tiến vào tầm bắn của chiến hạm.
Vào đầu năm 1945, tình hình chiến lược tại Nhật Bản rất tồi tệ. Các cuộc chinh phạt của Nhật Bản tại Thái Bình Dương lần lượt bị đẩy lùi kể từ khi quân Đồng minh đổ bộ lên đảo Guadalcanal vào tháng 8/1942.
Quân Đồng minh bắt đầu tấn công Okinawa vào ngày 1/4/1945. Hải quân Nhật Bản đã kích hoạt Chiến dịch Ten-Go để đáp trả. Trong khuôn khổ chiến dịch này, Yamato, được tàu tuần dương Yahagi và tám tàu khu trục hộ tống, đi đến Okinawa để ngăn chặn cuộc tấn công của quân Đồng minh. Yamato sau đó sẽ trở lại bãi biển và trở thành “pháo đài” án ngữ bảo vệ Okinawa.
Lọt vào bẫy mai phục
Yamato và lực lượng đặc nhiệm tác chiến mặt nước của chiến hạm này đã khởi hành từ Tokuyama, Nhật Bản vào ngày 6/4, tiến về phía nam để quá cảnh ở Eo biển Bungo. Thế nhưng họ không biết rằng đã bị lọt vào bẫy mai phục. Lực lượng Mỹ đã biết về chiến dịch Ten-Go, nhờ việc bẻ khóa mật mã quân sự của Nhật Bản và đã điều hai tàu ngầm Mỹ đến đánh chặn.
Các tàu ngầm của Mỹ đã theo dõi Yamato và các tàu hộ tống của nó, nhưng chúng không thể tấn công do thiết giáp hạm này di chuyển với tốc độ cao theo chiến thuật hình zigzag. Họ quyết định báo cáo tình hình cho cơ quan chỉ huy.
Lực lượng hải quân của phe Đồng minh bên trong và xung quanh Okinawa nhận được tin báo và chuẩn bị tinh thần chiến đấu. Sáu thiết giáp hạm từ Nhóm hỗ trợ pháo binh và yểm trợ, hay Lực lượng đặc nhiệm 54, dưới sự chỉ huy của Chuẩn đô đốc Morton Deyo, nhận nhiệm vụ tấn công đội tàu của Nhật Bản. Nhưng sau đó, quân Mỹ đã thay đổi kế hoạch và quyết định triển khai một cuộc tấn công trên không phủ đầu.
Vào lúc 8h ngày 7/4, các máy bay trinh sát từ Lực lượng Tàu sân bay phản ứng nhanh của Đô đốc Mitscher, hay còn gọi là Lực lượng Đặc nhiệm 58, đã xác định được vị trí của Yamato, khi đó vẫn cách Okinawa một nửa đường. Đô đốc Mitscher đã tung ra một lực lượng tấn công khổng lồ gồm 280 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay thả ngư lôi. Cuộc chiến chính thức bắt đầu.
Trong 2 giờ đồng hồ, lực lượng đặc nhiệm tác chiến mặt nước của tàu Yamato đã phải chịu đòn bắn phá ác liệt từ trên không. Các phi đội của 11 nhóm tác chiến tàu sân bay đã tham gia cuộc tấn công. Máy bay bay dày đặc trên đầu chiến hạm Yamato đến nỗi nhiều người sợ rằng các vụ va chạm trên không có thể xảy ra. Các phi công của quân Đồng minh vội vã ra đòn để ghi điểm, biến một chiến dịch tấn công phối hợp thành chiến dịch tấn công tự do. Trong những giờ đầu, Yamato bị trúng 2 phát đạn pháo, 2 quả bom và 1 quả ngư lôi, mất 2 chiếc tàu hộ tống.
Sau đó, phi đoàn thứ hai gồm 100 máy bay tiếp tục đẩy mạnh cuộc tấn công. Khi tàu Yamato bắt đầu nghiêng về một bên, các phi công của Mỹ đã thay đổi chiến thuật. Nhận thấy con tàu đang trong tình huống xấu, một phi đội đã sử dụng ngư lôi có khả năng kích nổ ở độ sâu lớn hơn để công phá lớp vỏ dưới đáy tàu. Khi tàu bị nghiêng một góc 20 độ, thuyền trưởng đã đưa ra quyết định đầy khó khăn là cho nước tràn vào buồng máy ở mạn phải để giúp nó cân bằng. Quyết định này đã khiến 300 thủy thủ trong buồng máy bị nhấn chìm.
Yamato đã trúng 10 quả ngư lôi và 7 quả bom, bị hư hỏng nặng. Bất chấp các nỗ lực chống chọi, con tàu vẫn tiếp tục nghiêng. Khi nó nghiêng đến 35 độ, thủy thủ đoàn được lệnh từ bỏ con tàu. Thuyền trưởng con tàu và nhiều thủy thủ chấp nhận hy sinh cùng con tàu, trong khi những người khác nỗ lực thoát thân.
Kết thúc bằng vụ nổ kinh hoàng
Vào lúc 14h23, điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Kho thuốc nổ bên trong con tàu đã phát nổ, tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ trên biển, trông giống như một vụ nổ vũ khí hạt nhân. Mô tả về vụ nổ này, một sĩ quan may mắn sống sót của Nhật Bản cho biết: “Cột lửa đạt đến độ cao 2.000m, tạo ra đám mây hình nấm có độ cao 6.000m”.
Khi tất cả kết thúc, lực lượng đặc nhiệm tác chiến mặt nước gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. Yamato, tàu tuần dương Yahagi và ba tàu khu trục bị chìm. Một số tàu hộ tống khác đã bị hư hại nghiêm trọng. Chịu chung số phận với chiến hạm vĩ đại là 2.498 trong số 2.700 thành viên của thủy thủ đoàn.
Rõ ràng, kỷ nguyên tàu sân bay đã thay thế thiết giáp hạm, nhưng việc các chỉ huy tàu chiến của Nhật Bản quyết bám víu vào công nghệ quân sự lạc hậu đã làm suy yếu năng lực của Nhật Bản trong chiến tranh, khiến hàng nghìn thủy thủy bị thiệt mạng.
Câu chuyện bi thảm của chiến hạm Yamato là lời cảnh báo đối với tất cả các lực lượng vũ trang rằng cuộc chạy đua về công nghệ trong chiến tranh là vô cùng “lạnh lùng và tàn nhẫn”./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.