Sản xuất bánh, mứt tết thắc thỏm vào mùa

Dù đã chuẩn bị sẵn sàng nguyên liệu và triển khai  sản xuất mùa vụ Tết từ lâu nhưng nhiều cơ sở sản xuất bánh, mứt ở TP. Mỹ Tho đang tỏ ra lo lắng trước tình hình tiêu thụ không mấy lạc quan.

VÀO MÙA

Chị Đoàn Phi Yến, chủ cơ sở sản xuất mứt hạnh ở khu phố 5 (Phường 10, TP.Mỹ Tho) cho biết, ngay từ tháng 10 (âl), cơ sở của chị đã bắt tay vào sản xuất mứt Tết. Do nguồn hạnh đảm bảo cùng với giá cả nguyên liệu đầu vào không có biến động lớn nên việc sản xuất không gặp nhiều khó khăn.

Đến đầu tháng chạp, cơ sở của chị đã sản xuất được trên 2 tấn mứt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sức tiêu thụ còn rất chậm, chỉ từ 40-50% so với cùng thời điểm những năm trước, chủ yếu cung ứng trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

“Mọi năm, đến giữa tháng 11 âl, tôi đã bán được khá nhiều. Các mối lái đến lấy hàng mỗi lần từ vài trăm kg trở lên và lấy liên tục. Năm nay, tình hình tiêu thụ khó khăn hơn nhiều, các mối  đến lấy rất ít và mỗi lần chỉ vài chục kg. Đến đầu tháng chạp, cơ sở của tôi chỉ mới bán được khoảng 400 kg mứt. Mùa Tết năm nay, cơ sở của tôi chắc không bán hết 3 tấn như mọi năm”- chị Yến bày tỏ.

Theo chị Yến, nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người dự đoán người tiêu dùng sẽ dè sẻn trong chi tiêu mua sắm, từ đó các mối lái không dám trữ hàng nhiều, sợ bán không hết. Trước tình hình này, chị dự tính sản xuất thêm vài ngày nữa rồi ngưng để chờ xem tình hình tiêu thụ thế nào rồi mới tính tiếp.

          

Mứt hạnh sản xuất tại cơ sở Phi Yến (Khu phố 5, Phường 10, TP.Mỹ Tho).
Mứt hạnh sản xuất tại cơ sở Phi Yến (Khu phố 5, Phường 10, TP.Mỹ Tho).

Mứt hạnh là sản phẩm truyền thống, không “đụng hàng” còn tiêu thụ khó, các loại bánh, mứt khác phải chịu cạnh tranh gay gắt từ nhiều thương hiệu khác sẽ còn bị tác động nhiều hơn. Tại khu vực tập trung các cơ sở sản xuất bánh, mứt của Phường 3 (TP. Mỹ Tho), một số chủ cơ sở cho biết, mùa sản xuất bánh, mứt Tết bắt đầu từ đầu đến giữa tháng 11 âl và thường kết thúc vụ vào khoảng giữa tháng chạp. Hiện nay, nguồn nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn sàng, đủ đảm bảo sản xuất đến hết vụ. Thế nhưng, vấn đề lo lắng nhất ở vụ Tết là khâu tiêu thụ.

Anh Nguyễn Phùng Hưng (cơ sở sản xuất bánh, mứt Minh Tâm) cho biết, cũng như mọi năm, cơ sở của anh sản xuất 3 loại mứt là mứt khoai, mứt bí và mứt gừng, mỗi loại 5 tấn với 15 lao động túc trực làm suốt gần cả tháng nay. Song song với việc sản xuất, cơ sở cũng tiến hành đưa mặt hàng ra thị trường để tiêu thụ. Tuy nhiên qua thăm dò, sức mua năm nay chậm hơn so với mọi năm. “Mọi năm đến thời điểm này, cơ sở của tôi tiêu thụ 70% sản lượng mứt các loại nhưng năm nay chỉ mới 50%”- anh Hưng nói.

Sức mua chậm hơn so với mọi năm là tình hình chung của thị trường bánh, mứt nói riêng và các hàng hóa phục vụ Tết khác nói chung. Một số cửa hàng chuyên bán bánh, mứt ở TP. Mỹ Tho cũng cho biết, chỉ còn hơn 20 ngày nữa đến Tết mà các mối bán sỉ đến lấy hàng về phân phối lại phục vụ Tết cũng chưa nhiều.

HY VỌNG VÀO GIỜ CHÓT

Mùa vụ Tết năm nay, TP. Mỹ Tho có khoảng 39 cơ sở tham gia sản xuất phục vụ Tết, tăng 2 cơ sở so với năm trước. Trong đó, sản lượng bánh, mứt các loại ước tính khoảng 230 tấn, tăng 10 tấn  so với năm trước. Thị trường chủ yếu là các tỉnh, thành lớn như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ… kế tiếp là các tỉnh lân cận, các tỉnh phía Bắc, miền Trung. Theo nhận định của cơ quan chức năng, năm nay tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến sản xuất, tiêu thụ bánh, mứt Tết có phần khó khăn hơn mọi năm.

          

Theo đó, mứt gừng, bánh tiều, bánh pía các loại có hướng sản xuất ổn định do thị trường đã chấp nhận rộng rãi. Riêng đối với mứt bí, mứt khoai, hạt sen, sản lượng giảm so với năm trước do một số cơ sở  lớn có xu hướng sản xuất ít hơn. Bánh hộp, kẹo các loại năm nay nhiều khả năng sẽ tiêu thụ chậm  hơn do các cơ sở tiếp tục gặp phải cạnh tranh ngày càng gay gắt, ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế khó khăn.

Hiện tại dù “ngày hội đại mua sắm” Tết chỉ mới bắt đầu nhưng theo dự báo của các nhà kinh tế, thị trường Tết năm nay không mấy lạc quan do hệ lụy từ tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn trong năm qua, người dân sẽ dè sẻn, thắt chặt hơn trong chi tiêu mua sắm. Và thị trường bánh, mứt Tết cũng không khỏi bị ảnh hưởng. Riêng đối với bánh, mứt trong tỉnh, tình hình còn khó khăn hơn.

Lý giải về điều này, một chủ cơ sở sản xuất bánh, mứt cho biết, bên cạnh khó khăn về kinh tế, bánh, mứt trong tỉnh hiện nay còn chịu sự cạnh tranh gay gắt với bánh, mứt ngoại; bánh, mứt sản xuất ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh. Dù chất lượng sản phẩm, bao bì đóng gói, mẫu mã có nâng lên một bước so với trước nhưng so với những thương hiệu lớn vẫn còn bị lép vế. Không biết chính xác nhu cầu bánh, mứt Tết năm nay thế nào, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất đang rất khó xác định lượng hàng sản xuất. Trước tình hình này, một số cơ sở đang tính toán lại sản lượng sản xuất, tăng cường tìm kiếm thị trường và các mối tiêu thụ mới.

“Bánh, mứt Tết bắt đầu tiêu thụ mạnh phải từ rằm tháng chạp trở đi. Hy vọng từ nay đến Tết, tình hình sẽ có chuyển biến tốt; bởi càng gần Tết nhu cầu bánh, mứt ngày càng nhiều hơn. Đây cũng là thời điểm quyết định thị trường Tết năm nay”- anh Hưng bày tỏ.