Sạt lở đang “nuốt” dần ĐBSCL
Chưa bao giờ, sạt lở lại ám ảnh người dân ĐBSCL như hiện nay, không chỉ dừng lại ở việc mất đất, mất nhà và thiệt hại tài sản, sạt lở đã làm thiệt hại cả tính mạng người dân.
Điển hình như vụ sạt lở lúc sáng sớm mới đây ở thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đã làm một cụ bà 90 tuổi thiệt mạng. Trước đó, rất nhiều vụ sạt lở làm xáo trộn cuộc sống của người dân miền Tây.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT-TKCN) tỉnh Bạc Liêu, liên tiếp nhiều ngày qua, trên tuyến sông Cà Mau – Bạc Liêu (đoạn thuộc khóm 2, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) xảy ra hàng chục vụ sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, nhà cửa, tài sản của hộ dân. Qua thống kê, có khoảng 6 căn nhà bị sụp một phần nhà sau, trên 70 căn nhà có hiện tượng xuất hiện các vết nứt. Bề rộng sạt lở và các vết nứt sâu vào nhà dân từ 5 – 7 m, chiều dài đoạn sạt lở và xuất hiện các vết nứt đất là 372 m, làm gần 400 người dân bị ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sinh hoạt.
Anh Trần Hải Đăng (37 tuổi; ngụ khóm 2, phường Hộ Phòng), chia sẻ: “Hiện tượng sạt lở xảy ra hơn 10 ngày nay. Dường như đêm nào sạt lở cũng xảy ra hết, nó lôi đất ra ngoài sông, tường thì bị xé nghe ầm ầm, mỗi đêm sạt lở “nuốt” khoảng 2-3 tấc đất. Gia đình tôi và những hộ dân bị ảnh hưởng phải dọn đi chỗ khác để ở”.
Trên địa bàn TP Cần Thơ cũng vừa xảy ra liên tiếp 2 vụ sạt lở tại huyện Vĩnh Thạnh và quận Cái Răng. Dù không ảnh hưởng nghiệm trọng về người và tài sản, nhưng những vụ sạt lở vẫn luôn là nỗi bất an của người dân.
Theo báo cáo của BCH PCTT-TKCN TP Cần Thơ, tính đến cuối 6, địa phương này đã xảy ra 14 vụ sạt lở tại 6 quận, huyện. Tổng chiều dài các điểm sạt lở là hơn 300m, ảnh hưởng đến 24 căn nhà, trong đó có 6 căn bị mất hoàn toàn, ước tính thiệt hại gần 1,4 tỉ đồng.
Nhiều hộ dân ở Thới Lợi (quận Ô Môn) rơi vào cảnh có nhà nhưng chẳng dám về ở sau sạt lở kinh hoàng. Ảnh: Song Anh
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, khoảng 10 năm trở lại đây, vùng đất ở cuối vùng cực Nam của Tổ quốc này đã mất khoảng 8.870 ha rừng ven biển dẫn đến nguy cơ vỡ đê biển Tây. Qua đó, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất và đe dọa đến tính mạng của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển.
Trong đó, bờ biển Tây bị xói lở với chiều dài khoảng 57.000 m, nhiều đoạn xói lở gây nguy cơ vỡ đê. Đặc biệt, có 3 vị trí xói lở rất nguy hiểm với chiều dài khoảng 7.800 m. Bờ biển Đông có chiều dài xói lở khoảng 48.000 m, trong đó sạt lở rất nguy hiểm với tổng chiều dài 24.500 m.
Bên cạnh đó, do tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, cộng với sự chênh lệch biên độ triều lớn tạo ra dòng chảy xiết… nên tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường, nhất là các huyện ven biển Đông như: Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, tại tuyến đai rừng phòng hộ xung yếu đi qua địa bàn xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân (Cà Mau) có nhiều đoạn bị sóng biển cuốn trôi với chiều dài khoảng 600 m.
Ông Nguyễn Văn Cường (45 tuổi; ngụ ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái), cho biết gia đình ông có khoảng 2 ha đất nuôi thủy sản. Tuy nhiên, do tuyến rừng phòng hộ rất xung yếu bị sóng biển đánh đứt đoạn và không còn khả năng chắn sóng. Vậy nên, bờ vuông của ông có nguy cơ biến mất do sóng biển. “Trong một tháng tôi đã 2 lần làm bờ kè bảo vệ vuông tôm với chi phí mỗi lần gần 10 triệu. Song, giờ các loài thủy sản trong vuông nuôi có nguy cơ mất trắng do bờ vuông có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào”, ông Cường nói trong lo lắng.
Khẩn trương di dời dân
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết trong tháng 6 này, UBND tỉnh An Giang đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở bờ kênh xáng Tân An (thị xã Tân Châu) và trên rạch Cái Sắn (TP Long Xuyên). Nếu tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ sạt lở, trong đó có 2 điểm sụt lún, nứt đường bờ và 6 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài sạt lở 467 m, làm mất 1.469 m2 đất, ảnh hưởng đến 9 căn nhà. Ước thiệt hại về đất và tài sản khoảng 2,5 tỉ đồng. “Đài Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định xu thế thời tiết, thủy văn từ giữa tháng 7 đến tháng 9-2019, khu vực Nam bộ và tỉnh An Giang tiếp tục có những diễn biến bất thường nên dự báo khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở tại các khu vực được cảnh báo là rất cao (nhất là các đoạn sông được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm). Hiện, An Giang đang tranh thủ nguồn vốn trung ương và tạo cơ chế thu hút vốn xã hội hóa để đầu tư các cụm tuyến dân cư cho các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng BCH PCTT-TKCN tỉnh Bạc Liêu, thông tin thời điểm sạt lở các dòng sông ở Bạc Liêu thường xảy ra vào khoảng từ tháng 4 đến 7 dương lịch hằng năm. Nguyên nhân xảy ra sạt lở là do dòng chảy sông Cà Mau – Bạc Liêu tập trung vào bờ bên phải khu vực dân cư. Khu vực này có khả năng đang xuất hiện cung trượt sâu và phần lớn các hộ dân xây dựng nhà lấn chiếm bờ sông.
Theo ông Ẩn, để kịp thời khắc phục tình hình sạt lở nêu trên, BCH PCTT-TKCN tỉnh đề nghị UBND phường Hộ Phòng khẩn trương cắm biển cảnh báo sạt lở. Đề nghị UBND thị xã Giá Rai xem xét sớm hỗ trợ kinh phí trước mắt đối với các hộ có nhà bị sạt lở để tạm thời khắc phục thiệt hại. Đồng thời, sớm có văn bản trình UBND tỉnh xin chủ trương lập phương án khẩn trương di dời các hộ dân đến nơi an toàn.
Theo PGS- TS Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam), nguyên nhân sạt lở ở ĐBSCL là do phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về giảm mạnh so với trước nên đã làm mất cân bằng cả hệ thống ven sông và ven biển. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát diễn ra ở nhiều nơi, hành lang sông chưa được quản lý một cách chặt chẽ, tình trạng các công trình trên bờ sông và lưu lượng tàu thuyền có trọng tải lớn qua lại đã làm cho tình trạng sạt lở trở lên trầm trọng.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.