Sạt lở trên sông Tiền và nguy cơ

      Sông Tiền là một nhánh của sông MêKông, chảy qua địa phận các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang với chiều dài trên 115 km. Đây là tuyến đường giao thông thủy và thoát lũ rất quan trọng của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời là tuyến hàng hải quốc tế đi Campuchia ngược về thượng lưu. Về địa chất, hầu hết đáy và bờ của hệ thống Sông Tiền nằm trong tầng đất yếu có thành phần chủ yếu là cát, sét, bùn, cát mịn… có kết cấu yếu, dễ bị rã rời cuốn trôi, trượt, sụt lún, sạt lở… khi có tác động của dòng chảy.

Sông Tiền khi chảy qua địa phận tỉnh Tiền Giang trong những năm gần đây do tác động của dòng chảy đã gây ra nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng đặc biệt là vào mùa lũ như: Khu vực Cồn Quy thuộc địa bàn các xã Tân Thanh, An Hữu, Vàm Cái Thia thuộc đia bàn các xã Mỹ Lương, Hòa Khánh (Cái Bè); Cồn Tròn, xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy); cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho); bến phà Tân Long thuộc địa bàn xã Phú Thạnh (Tân Phú Đông).

Từ năm 2000, công tác khảo sát, điều tra, đánh giá tài nguyên cát sông trên địa bàn tỉnh đã được tiến hành và ngày 27/9/2006, HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Qua đó, xác định mục đích vừa khai thác khoáng sản cát lòng sông trên địa bàn tỉnh để san lấp nền móng xây dựng các công trình vừa khai thác làm tăng tiết diện thoát nước, giúp khai thông dòng chảy, cải thiện việc thoát lũ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thông thủy, hạn chế sạt lở tại các khu vực trọng yếu trên cơ sở khoa học, hướng dòng chủ lưu ra giữa sông.

Cụ thể đã được chứng minh tại khu vực Cồn Tròn: Trước năm 2003, tại đây bị sạt lở mất khoảng 2 ha đất sản xuất mỗi năm. Sau khi được tổ chức nạo vét giai đoạn 1 từ năm 2003 đến năm 2005, lòng sông cân bằng việc sạt lở đã giảm đáng kể và không phát triển. Đến năm 2009, đáy sông khu vực Cồn Tròn có sự bồi lấp nhanh, có hiện tượng sạt lở bờ sông trở lại nên đã tiếp tục nạo vét giai đoạn 2 nhằm khơi thông và tăng tiết diện dòng chảy, hạ thấp địa hình đáy sông, giảm xâm thực ngang, hạn chế đáng kể việc sạt lở, ổn định đê bao, nhân dân an tâm sản xuất.

Sạt lở bờ sông có nhiều nguyên nhân như: cấu trúc địa chất bờ sông được cấu tạo bởi sét, sét pha, cát pha gắn kết yếu và dốc đứng; tàu bè có tải trọng lớn chạy ngang qua khi nước ròng thì sóng đánh làm xói lở chân vách, nếu số lượng lớn và cường độ nhiều thì tác động càng mạnh vào chân bờ, mất ổn định bờ sông gây sạt lở; liên quan đến địa bình, địa mạo, tác động dòng chảy, độ phù sa, sóng gió… sẽ tạo nên những dòng nước xoáy tác động vào những khu vực có nền đất yếu, hình thành những hàm ếch và gây sạt lở.

Trường hợp tại khu vực Cồn Quy, lòng sông sâu khoảng 35 mét nằm cách bờ Tiền Giang chưa đến 15 mét. Khi nước lũ về, dòng chủ lưu nằm sát bờ Tiền Giang sẽ tác động mạnh, cộng với bão hòa nước, liên kết yếu sẽ dễ sạt lở dù không có khai thác cát. Kết quả khảo sát ngày 10/10 cho thấy, mực nước lũ lên rất cao, nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh, do đáy sông lệch về phía sát bờ Tiền Giang nên dòng chảy đạp thẳng vào phía bờ xã Tân Thanh làm sạt lở nghiêm trọng một số đoạn đê bao của nhân dân trong khu vực.

Việc khai thác cát một cách khoa học, hợp lý, đúng thiết kế sẽ làm khơi thông luồng lạch và tăng tiết diện dòng chảy, giảm xâm thực ngang, hướng dòng chảy ra giữa sông góp phần hạn chế tác động sạt lở bờ vào mùa lũ. Thiết nghĩ các ngành chức năng cần có trách nhiệm trong việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng, qui luật phát triển dòng sông, dự báo và đề xuất các phương án phòng chống sạt lở; tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời xử lý những tác động xâm thực nhằm hạn chế sạt lở bờ sông trong mùa mưa lũ.