Sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ – Syria: Nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm
Tính đến ngày 12-2, tổng số người thiệt mạng trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria được xác nhận là hơn 33.000 người. Người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc Martin Griffiths cho rằng, số người thiệt mạng có thể tăng gấp đôi hoặc hơn.
Thảm họa chồng thảm họa
Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm lây lan sau động đất, đặc biệt là các bệnh phát sinh do thực phẩm và nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Liên hiệp quốc cho biết, có tới 5,3 triệu người tại Syria mất nhà cửa sau trận động đất, trong khi có gần 900.000 người tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần thực phẩm.
Chương trình Lương thực thế giới đang kêu gọi tiếp cận nhiều hơn tới các vùng lãnh thổ của Syria để bổ sung nguồn cung cấp viện trợ đã cạn kiệt. Tình hình ở phía Tây Bắc của nước này đang là “thảm họa chồng lên thảm họa”. Truyền thông Syria đưa tin, chính phủ nước này đã cho phép chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới các khu vực ảnh hưởng hiện thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập.
Thổ Nhĩ Kỳ đang xúc tiến mở thêm 2 tuyến đường cứu trợ mới đến các địa phương này của Syria. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gửi 35 tấn hàng cứu trợ tới TP Aleppo, phía Bắc của Syria, trong khi Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng tới thành phố này, thăm các nạn nhân nhập viện, các khu tạm trú và các địa điểm bị tàn phá sau động đất. Người đứng đầu WHO ủng hộ việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Syria trong 180 ngày để hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả thiên tai.
Người dân lánh nạn tại Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ |
Hiện có ít nhất 160.000 người, bao gồm cả các nhân viên cứu hộ nước ngoài, đang tìm kiếm người mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với công tác cứu nạn, cứu hộ, hoạt động ổn định cuộc sống và tái thiết sau động đất cũng đã bước đầu được lên kế hoạch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Nghĩa tình người Việt
Từ những ngày đầu tiên xảy ra thảm họa, cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu cao tinh thần nhân đạo, phát động các đợt quyên góp giúp đỡ người dân sở tại. Một trong những người hỗ trợ tích cực nhất là anh Dương Nam Phương, sống tại Thổ Nhĩ Kỳ được 14 năm và là quản trị viên nhóm cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ trên Facebook.
Chia sẻ với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, anh Dương Nam Phương cho biết, cảm giác trái tim thắt lại trước thông báo vụ động đất trên truyền hình. Từ ngày 7-2, anh đăng thông tin lên trang cộng đồng để kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ. Ban quản trị gom được 4 thùng quần áo với hơn 700 bộ quần áo và giao cho Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD). Đội nhận hàng ủng hộ vô cùng cảm động và cảm ơn tấm lòng của người Việt.
Sau khi anh Bùi Xuân Mai đưa tấm hình ủng hộ của đội cứu trợ cho tổ chức AFAD lên trang cộng đồng, anh Nam Phương nhận được nhiều cuộc điện thoại tỏ ý muốn tham gia ủng hộ của rất nhiều người Việt từ Việt Nam và châu Âu. Anh nhận lời đề nghị trực tiếp từ Công Ty VT Travel Plus và Công ty LF Global Tech Media của người Việt tại Istanbul phối hợp ủng hộ 50 thùng thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Anh Nam Phương cũng tiếp tục đi gom quần áo từ các xưởng sản xuất và chờ các anh chị em mang quần áo ủng hộ sang điểm tập kết. 50 thùng thực phẩm, 4 thùng quần áo cho nam/nữ đã được chuyển đến chính quyền quận Bakırköy, TP Istanbul.
Bên cạnh việc kêu gọi quyên góp hỗ trợ, anh Nam Phương cũng liên tục cập nhật thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam về tình hình động đất lên trang cộng đồng, cũng như chia sẻ cho các thành viên những hướng dẫn phòng tránh rủi ro khi động đất xảy ra. Lời thăm hỏi, động viên thường xuyên được đăng tải trên trang tin cộng đồng, cũng như sự thông tin, hỗ trợ kịp thời của Đại sứ quán phần nào giúp bà con yên tâm hơn.
Hiện Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Hà Nội đã ra thông báo cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Việt Nam về các đợt ủng hộ, đồng thời người Việt cũng có thể tham gia theo sự hướng dẫn của Đại sứ quán.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.