Sâu nặng nghĩa tình với bác Sáu Dân
Đối với người dân cả nước nói chung, nhân dân tỉnh Vĩnh Long và TP HCM nói riêng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo luôn được nhân dân yêu quý.
Thiếu tướng Trần Văn Niên cho rằng không thể nào kể hết công lao đóng góp của ông Kiệt đối với đất nước. Ông chia sẻ: “Tôi nhớ mãi khi xây dựng công trình đường dây 500 KV Bắc – Nam, mặc dù lúc ấy có nhiều ý kiến khác nhau nhưng ông đã thuyết phục và đưa ra quyết định quan trọng… Tất cả những đồng chí, đồng đội của tôi có dịp ngồi lại nhắc tới ông chỉ có những lời kính phục và tôn trọng”.
Bác sĩ Nguyễn Phú Lâm – Chủ tịch Hội Đông y huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long – bày tỏ niềm tự hào: “Nhiều công trình của bác Sáu Dân để lại cho muôn đời sau như: đường dây 500 KV Bắc – Nam, đào kênh xả phèn tại An Giang… Nhiều lần về thăm quê hương (xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), bác Sáu Dân luôn dặn địa phương phải nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân với mong muốn người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình”.
Còn ông Nguyễn Văn Tranh (ngụ xã Trung Hiệp) nói rằng người dân nơi đây hễ nhắc tới bác Sáu Dân ai cũng kính trọng và tự hào. Ông sống rất giản dị, thường xuyên đến thăm bà con lối xóm mỗi khi về quê và động viên họ lao động sản xuất, tăng thu nhập.
Các bạn trẻ TP HCM xem triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: QUỐC THẮNG
Kể về một trong những công trình để lại dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Huỳnh Văn Sơn (ngụ xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) khẳng định đó là kênh T5 (kênh ông Kiệt-NV). “Trước đây, nông dân các xã Lương An Trà, Lạc Quới, Vĩnh Phước và nhiều xã khác của huyện Tri Tôn chỉ có thể làm một vụ lúa mùa. Đến mùa khô thì phèn dậy đỏ lè, lại không có nước ngọt trên đồng nên đành phải bỏ đất hoang. Từ ngày có kênh ông Kiệt, người dân làm được 2 vụ lúa, thậm chí 3 vụ lúa… Người dân gọi kênh ông Kiệt là để nhớ ơn, mang ơn” – ông Sơn bày tỏ.
Nhân dân, thế hệ trẻ thanh niên hiện nay của TP HCM mãi khắc ghi những công lao to lớn của bác Sáu Dân với đất nước, thành phố. Đó cũng là lý do hai triển lãm ảnh đang diễn ra tại TP HCM: gồm triển lãm “Đồng chí Võ Văn Kiệt – Tấm gương người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân” (đường Nguyễn Huệ) và triển lãm ảnh “Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt” (khu vực trước Bảo tàng TP HCM) thu hút rất đông người dân, giới trẻ đến tham quan.
Chị Châu Minh Hiền – Phó Chánh Văn phòng, Bí thư Đoàn Sở Nội vụ – chia sẻ: Các hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt để lại ấn tượng không chỉ về mặt cảm quan, mà còn chạm đến cảm xúc của người xem. Các hoạt động giáo dục trực quan, như trong dịp kỷ niệm lần này chắc chắn sẽ tiếp thêm cho giới trẻ ngọn lửa, nguồn năng lượng, niềm tin vào cuộc sống, giúp các bạn hiểu thế nào là sống có lý tưởng, sống có ích, sống đẹp, sống xứng đáng với công lao, sự hy sinh của thế hệ đi trước đã dày công bảo vệ, xây dựng, vun bồi.
Giúp TP HCM “tự tháo gỡ” để “bung ra”
Năm 1977, sau Đại hội Đảng lần thứ IV, anh Sáu Dân làm Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND TP HCM. Bằng bản lĩnh năng động và khả năng sáng tạo của mình, trên cơ sở lăn lộn trong thực tiễn của đời sống nhân dân, anh Sáu cùng Đảng bộ TP HCM đã mày mò tìm kiếm và phát hiện ra mô hình quản lý kinh tế thích hợp. Có người gọi đó là thời kỳ “khủng hoảng trong sự trưởng thành của thành phố” nên phải “tự tháo gỡ”, “tự cởi trói” để làm “bung ra” sức sản xuất nhằm tự cứu lấy mình.
Đầu năm 1979, ở TP HCM đã xuất hiện một số mô hình “tháo gỡ” trong những cơ sở sản xuất công nghiệp. Điển hình là Công ty Bột giặt Miền Nam và Xí nghiệp Liên hiệp Thuốc lá II. Riêng Xí nghiệp Liên hiệp Thuốc lá II chỉ trong vòng một tháng cuối năm 1980 đã hoàn thành một khối lượng sản phẩm bằng 40% chỉ tiêu kế hoạch của cả năm 1980, bằng cách tháo gỡ các khâu nguyên liệu, vật tư và áp dụng lương khoán, lương sản phẩm. Lúc đó, nhiều người bất ngờ trước khả năng “bung ra” năng lực sản xuất của các xí nghiệp. Nhiều xí nghiệp khác đồng loạt tiến hành “tháo gỡ”, “bung ra” và đều tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Nhờ có những thí điểm này, năm 1980 giá trị sản lượng công nghiệp TP HCM đã tăng 20% so với năm 1979.
Nhạy bén trước hiện tượng nảy sinh các nhân tố mới, dưới sự lãnh đạo của anh Sáu Dân, Thành ủy TP HCM đã phát động hai đợt hoạt động rất quan trọng: Một là, phong trào học tập và nhân điển hình tiên tiến trong từng ngành, trước hết ở ngành công nghiệp chế biến, cơ khí, dệt. Hai là, cùng với sự giúp đỡ của nhiều ngành trung ương, tổ chức một đợt khui kho đưa vào sử dụng những vật tư tồn đọng một cách phi lý do cơ chế cũ ràng buộc; mở khu triển lãm giới thiệu mua bán vật tư, tận dụng phế liệu, phế thải, tăng quyền chủ động cho cơ sở, hợp tác kinh doanh giữa các đơn vị, ngành trên địa bàn TP và khu vực. Thuật ngữ “liên kết” trong việc hợp tác sản xuất – kinh doanh đã phát sinh trên cơ sở đó và trong thời gian đó. Kết quả của việc “tháo gỡ” và “bung ra” giúp giá trị sản lượng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TP gia tăng. Năm 1981 tăng 26% so với năm 1980.
Từ một TP tiêu thụ là chủ yếu, TP HCM đã từng bước trở thành một TP sản xuất. TP còn tiến xa hơn nữa trong việc quyết định thí điểm khu vực quốc doanh sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Đó là thí điểm Xí nghiệp Dệt Thành Công với nguyên tắc “tự trang trải”; thí điểm Công ty Lương thực với nguyên tắc “bán theo giá đảm bảo kinh doanh”, vận dụng quy luật giá trị trao đổi hàng hóa hai chiều với các tỉnh, mua bán, thanh toán bằng tiền mặt, từng bước xóa bỏ chế độ mua bán lương thực theo sổ.
Những đóng góp của anh Sáu Dân về quá trình tìm tòi sáng tạo thí điểm cơ chế mới của TP HCM đã góp phần vào việc hình thành đường lối đổi mới kinh tế của Đảng ta qua nhiều giai đoạn thực nghiệm và tạo ra những bước đột phá.
Trần Hữu Phước (nguyên Thư ký – Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt)
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.