Sau Triều Tiên, Tổng thống Trump muốn có thỏa thuận với Iran
Sau thành công vang dội của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Trump tiếp tục mong muốn có một “thỏa thuận thực sự” với Iran.
Từ trái sang nhà lãnh đạo Iran, Mỹ và Triều Tiên. Ảnh: Getty Images |
Thực tế, mối quan hệ Mỹ-Iran bắt đầu tuột dốc ngay khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Từ chiến dịch tranh cử, ông Trump đã gọi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1 năm 2015 là một văn kiện “tồi tệ nhất” trong lịch sử. Theo đó, ông Trump đã quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, đặt dấu chấm hết cho một di sản của người tiền nhiệm Obama.
Cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn
Bất chấp một số ý kiến chuyên gia chỉ trích thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều là thiếu những cam kết cụ thể liên quan đến phi hạt nhân hóa, Tổng thống Mỹ Donlad Trump từ trước khi ngồi vào bàn đàm phán Thượng đỉnh và kể cả tại cuộc họp báo quốc tế ngay sau đó đã nhấn mạnh rằng, vấn đề này không thể giải quyết chỉ trong “một cuộc gặp”. Sau khi đồng ý nối lại Thượng đỉnh Mỹ-Triều, ông chủ Nhà Trắng cũng đã khẳng định đây mới chỉ là bước khởi đầu cho tiến trình phi hạt nhân hóa. Theo đó, 2 bên cam kết sẽ tiếp tục thảo luận để thúc đẩy mục tiêu này.
Tổng thống Trump mô tả cuộc gặp Thượng đỉnh của mình với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “mang tính xây dựng”. Theo đó, 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã ký một thỏa thuận cam kết “phi hạt nhân hóa toàn diện trên Bán đảo Triều Tiên”, kết thúc thành công Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore ngày 12/6.
Với “ánh hào quang” sau thành công rực rỡ này, Tổng thống Trump tuyên bố ông cũng muốn sớm có một thỏa thuận với một “đối thủ lâu đời” Iran. Nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng có thể cùng lúc cải thiện quan hệ với Iran.
“Tôi hy vọng, vào một thời điểm thích hợp- sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt, sau khi Mỹ trừng phạt mạnh mẽ Iran, họ sẽ trở lại bàn đàm phán cho một thỏa thuận thực sự. Tôi rất mong muốn có thể thực hiện điều này. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay vẫn còn quá sớm”, Tổng thống Trump phát biểu trước báo giới quốc tế sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Sáng 9/5/2018 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt Iran 2015, đồng thời ký sắc lệnh áp đặt lại các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Quyết định này của ông Trump đưa ra trước thềm Thượng đỉnh Mỹ-Triều, làm dấy lên không ít hồ nghi về nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên của Mỹ.
Tuy nhiên, chặng đường từ căng thẳng đỉnh điểm ở bờ vực cảnh báo “chiến tranh hủy diệt” đến bàn đàm phán Thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công là minh chứng thực tế để Tổng thống Trump có thể tin vào “tài đàm phán của mình” trong giải quyết mối quan hệ sóng gió với những “đối thủ truyền thống”.
Thời khắc lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ bắt tay một Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đi vào lịch sử và được cả thế giới trực tiếp chứng kiến. Những nhà quan sát tích cực cho rằng, dù điều gì xảy ra tiếp theo, Thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn là một chiến thắng. Hơn tất cả, việc Tổng thống Trump thuyết phục được Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tin tưởng mình đã là điều phi thường.
Thành công này sẽ tiếp tục là tiền đề để Tổng thống Trump tự tin giải quyết tiếp vấn đề Iran.
Trừng phạt trước khi đàm phán
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhằm vào Iran từ ngày 6/8 tới, theo đó, phong tỏa Iran thu mua đồng USD và vàng, cũng như hoạt động kinh doanh các kim loại quý hiếm khác của nước này. Mỹ cũng áp đặt lệnh cấm bán hay cung cấp aluminum và thép cho Iran. Lĩnh vực ô tô của nước Cộng hòa Hồi giáo cũng không nằm ngoài vòng trừng phạt này. Đến cuối năm nay, Mỹ sẽ có thêm các trừng phạt nhằm vào lĩnh vực vận tải biển, tài chính và dầu mỏ của Iran.
Không có gì phải bàn cãi khi nhắc tới những tổn thất nặng nề mà nền kinh tế Iran sẽ phải hứng chịu. Chính Tổng thống Trump cũng gọi những trừng phạt này là “khủng khiếp” dành cho Iran. Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng, “sức ép và trừng phạt” có thể khiến giới chức Iran suy nghĩ về việc đàm phán một thỏa thuận với Mỹ.
Chiêu bài trừng phạt để đàm phán này của Mỹ là không hề mới. Đây chính xác là những gì mà Mỹ đã áp dụng với Triều Tiên. Đến trước thềm Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn cứng rắn của mình vẫn luôn nhắc đến cụm từ “sức ép tối đa” với Triều Tiên.
Tại cuộc họp báo quốc tế sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công, Tổng thống Trump khẳng định lại rằng: “Các trừng phạt sẽ được dỡ bỏ khi vũ khí hạt nhân không còn là vấn đề phải lo ngại”.
“Với thỏa thuận Iran, tôi cho rằng đất nước Iran hiện đã khác so với thời điểm 3 hay 4 tháng trước đây. Tôi không cho rằng, Iran sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn ở Địa Trung Hải hay ở Syria như họ đã từng làm. Tôi cho rằng, Iran hiện không còn giữ được sự tự tin của mình”, Tổng thống Trump gửi lời tới các phóng viên quốc tế.
Trong khi đó, phản ứng của Iran lại rất “tiêu cực” với kết quả Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Gần như ngay sau khi có thông tin Tổng thống Mỹ và Nhà lãnh đạo Triều Tiên ký Tuyên bố chung và đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, Tehran đã cảnh báo Bình Nhưỡng không nên tin tưởng Tổng thống Mỹ-người có thể hủy bỏ thỏa thuận trong “chớp mắt”.
Hãng Thông tấn nhà nước Iran IRNA và hãng tin Reuters của Anh đã dẫn lời phát biểu nặng nề của người phát ngôn chính phủ Iran Mohammad Bagher Nobakht rằng: “Chúng tôi không hiểu hết về người mà Nhà lãnh đạo Triều Tiên vừa đàm phán cùng. Không rõ liệu ông ta có hủy thỏa thuận vừa đạt được trước khi trở về nước hay không?”
Thực tế, Iran không phải là Triều Tiên và đàm phán với Iran cũng sẽ khác. Song Mỹ vẫn đang theo đuổi chính sách “sức ép tối đa” với Iran như từng làm với Triều Tiên. Nhiều chuyên gia từng nói rằng, việc Triều Tiên chủ động để xuất đàm phán Thượng đỉnh khiến Tổng thống Trump tin là chính sách trừng phạt và gây sức ép của mình đã phát huy tác dụng. Dù có những tuyên bố nhượng bộ, song giới chức Mỹ vẫn ngấm ngầm tin rằng “sức ép tối đa” đã đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán và dẫn tới thành công của bàn đàm phán Thượng đỉnh tại Singapore.
Đến nay, Mỹ đã hé lộ chiến lược gọng kìm siết chặt với Iran. Trong đó, trừng phạt kinh tế chỉ là một phần trong chiến lược toàn diện của Mỹ nhằm gia tăng sức ép mọi mặt lên Tehran. Trong bản chiến lược do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố, “đụng binh” sẽ là yếu tố thứ 2. Việc Mỹ cảnh báo lựa chọn giải pháp quân sự cho vấn đề hạt nhân Iran đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ tới nước Cộng hòa Hồi giáo. Với tuyên bố sẽ hạ bất cứ tên lửa đạn đạo nào của Iran và cử các tàu chiến tới Trung Đông, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thấy họ sẵn sàng đối đầu quân sự nếu cần thiết.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.