Phát biểu trong một cuộc họp báo diễn ra ở Berlin, Bộ trưởng Tư pháp Đức Katarina Barley nhấn mạnh đến việc cần tăng cường giám sát các công ty mạng xã hội như Facebook, để tránh xảy ra tình trạng thao túng công luận phục vụ cho mục đích chính trị.
Theo bà Barley, châu Âu cũng cần có phản ứng thích đáng đối với mạng xã hội Facebook về vụ rò rỉ thông tin nghiêm trọng với số người bị ảnh hưởng đang tăng lên rất nhiều so với ước tính ban đầu. Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập những quy định mới (sẽ có hiệu lực từ tháng 5 tới), theo đó yêu cầu các công ty truyền thông xã hội bảo mật tốt hơn đối với các thông tin cá nhân trên mạng nếu không sẽ phải chịu phạt tối đa 4% thu nhập hàng năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Đức cho rằng những biện pháp này chưa đủ tính răn đe và nhấn mạnh cần phải có những luật định rõ ràng với các công ty truyền thông xã hội.
Từ năm 2017, Đức đã công khai tuyên chiến với mạng xã hội trong nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng xấu tới người dùng, đặc biệt là tin tức giả mạo. Quốc hội Đức đã thông qua Luật về quản lý mạng xã hội (NetzDG), chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay. Theo Luật NetzDG, những dịch vụ mạng xã hội tại Đức nếu để xảy ra tình trạng người dùng lăng mạ, gây thù oán hay phát tán các tin tức giả mạo sẽ đối mặt với án phạt rất nặng, có thể lên đến 50 triệu EUR (62 triệu USD).
Đức cũng muốn dùng công cụ pháp lý này để hạn chế các loại hình tội phạm trên môi trường mạng xã hội, đặc biệt là hoạt động của các tổ chức cực đoan, các nhóm khủng bố. Những nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội dù không vui vẻ chút nào nhưng vẫn buộc phải tuân thủ các quy định mới của Luật NetzDG. Theo đó, Facebook, YouTube, Twitter đã đầu tư các công cụ mạnh để lọc những nội dung vi phạm, cũng như cho phép người dùng khiếu nại đồng thời tiến hành xử lý các phản hồi trong vòng 24 giờ.
Đức hiện có khoảng 38 triệu người sử dụng các mạng xã hội, trong đó WhatsApp chiếm tỷ lệ cao nhất với 79%, tiếp đến là Facebook với 59%, Instagram với 30%. Twitter chỉ xếp thứ 5 về mức độ phổ biến tại Đức, sau cả YouTube và Snapchat. Theo thống kê của các nhà quản lý, có khoảng 310.000 tài khoản Facebook của người sử dụng tại Đức bị ảnh hưởng trong vụ bê bối rò rỉ dữ liệu. Vụ bê bối này khiến số người sử dụng mạng xã hội ở Đức sụt giảm mạnh do lo ngại việc thiếu các biện pháp bảo vệ dữ liệu. Kết quả thăm dò của tạp chí Focus gần đây cho thấy khoảng 49% người dùng ở Đức có ý định đóng tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội, bao gồm Facebook, Instagram và Twitter.
Sau khi Đức ban hành Luật NetzDG, đã có những chỉ trích cho rằng đây là biện pháp mạnh tay không cần thiết và ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi vụ bê bối dữ liệu cá nhân trên Facebook được công khai, không ít người buộc phải nhìn nhận rằng đây là hành động cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh người dùng chủ quan, không thể lường hết được những tác động tiêu cực và khó có thể tự bảo vệ mình khi tham gia các hoạt động trên mạng xã hội.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.