Siết quản lý, giám sát để chống thất thu thuế
Mua sắm trực tuyến đã trở thành xu thế, và quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội cũng hoạt động sôi nổi thời gian qua. Thế nhưng, việc thu thuế và các chế định pháp luật quản lý đối với thương mại điện tử (TMĐT) chưa đạt kết quả như mong muốn.
Người tiêu dùng mua hàng online. Ảnh: Hoàng Hùng.
Nộp thuế qua mạng
Luật Quản lý thuế (mới) có hiệu lực vào giữa năm 2020 đã bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan (Bộ Công thương, Bộ TT-TT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) trong quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Nghị định số 126/2020/NĐ-CP cũng quy định chi tiết việc kinh doanh TMĐT đối với cá nhân.
Theo đó, tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế, mà tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh, không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh. Đồng thời, tổ chức hợp tác khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho người hợp tác kinh doanh.
Với quy định này thì đơn vị hợp tác kinh doanh với phía nước ngoài nộp thuế thay cho nhà cung cấp nước ngoài; các sàn TMĐT khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn. Nếu chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT không được ủy quyền khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn thì cơ quan thuế phối hợp với sàn giao dịch TMĐT trong việc chia sẻ và cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh để quản lý thu thuế theo quy định pháp luật.
Nhờ những quy định chi tiết này, cơ quan thuế đã tiến hành thanh kiểm tra, truy thu, xử phạt nhiều cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, YouTube…
Cụ thể, bằng nhiều giải pháp thu thuế hoạt động kinh doanh xuyên biên giới (kể cả số thu từ các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu), từ năm 2018 đến nay, cơ quan thuế thu khoảng 5.500 tỷ đồng, tương đương 1.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, có nhiều nhà cung cấp nước ngoài đã khai nộp thuế với số tiền lớn, như Facebook hơn 2.000 tỷ đồng, Google hơn 2.000 tỷ đồng, Microsoft khoảng 700 tỷ đồng… Ngoài ra, vào tháng 3-2022, Tổng cục Thuế đã đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, cho biết, Cổng thông tin điện tử (Etaxvn.gdt.gov.vn) và phần mềm trên điện thoại di động (eTax Mobile) đã giúp nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam dễ dàng thực hiện nghĩa vụ thuế. Hiện nay, các trang mạng như Facebook (Meta), Microsoft, TikTok, Netflix đã đăng ký ứng dụng. Chỉ trong quý 1 năm nay, Microsoft đã nộp 500.000 USD, TikTok nộp gần 35 tỷ đồng, Netflix nộp gần 8 tỷ đồng…
Từ năm 2018 đến nay, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 782 tỷ đồng thông qua hoạt động thanh kiểm tra những người có thu nhập từ cung cấp dịch vụ, kinh doanh số xuyên biên giới; trong đó một số đơn vị như Cục Thuế Hà Nội thu được 358 tỷ đồng, Cục Thuế TPHCM thu được 146 tỷ đồng, Cục Thuế Đà Nẵng thu 67 tỷ đồng…
Cần giải pháp hữu hiệu để chống thất thu thuế thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Hoàng Hùng
Ràng buộc trách nhiệm
“Số thuế thu được từ hoạt động TMĐT đã công bố chỉ là bước đầu, chưa phản ánh đầy đủ số liệu TMĐT trong thời gian qua”, một chuyên gia về thuế cho biết. Bởi trên thực tế, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT của cá nhân bán hàng qua các sàn giao dịch TMĐT và qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram, Twitter… rất cao, nhưng kê khai chưa đầy đủ. Trong khi, theo quy định pháp luật, sàn TMĐT phải nhận ủy quyền dân sự từ các cá nhân kinh doanh để kê khai thuế giúp họ, nhưng nếu cá nhân không chịu ủy quyền thì vẫn không có chế tài để xử lý.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cũng cho rằng, cần có quy định về trách nhiệm bảo mật thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan để vừa đảm bảo chống thất thu thuế, vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp của các cá nhân kinh doanh. Cụ thể là trách nhiệm bảo mật của các trang mạng và trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, giúp công tác quản lý thuế hiệu quả hơn.
Theo PGS-TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính cần bổ sung những trường hợp buộc sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho cá nhân, khi sàn thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán và tham gia điều hành, kiểm soát hoạt động giao hàng và nhận tiền từ người mua.
“Đến nay, đã có trên 40 nước quy định trách nhiệm của sàn giao dịch TMĐT trong việc khấu trừ thuế của cá nhân nếu sàn cung cấp dịch vụ thanh toán, hoặc trực tiếp tham gia vào các khâu giao nhận hàng hóa của người mua và người bán”, PGS-TS Lê Xuân Trường cho biết.
Nguồn: SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.