Siêu bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Ninh – Lạng Sơn
Siêu bão giật cấp 16 đang hoành hành trên Biển Đông và có khả năng còn mạnh thêm. Dự báo, dù tâm bão đi vào Trung Quốc nhưng vẫn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các khu vực thuộc Quảng Ninh và Đông Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa lớn…
Trước sức gió cực mạnh của cơn bão số 7 vừa đi vào Biển Đông, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đã có cuộc họp khẩn vào lúc cuối giờ chiều nay (12/8). Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hồi 16 giờ chiều nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông. Cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 690 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 13/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 113,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Sau đó, trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15km. Đến 16 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 12, cấp 13, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Từ sáng mai (13/8), vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Ở các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.
“Tuy đa số dự báo cho thấy khoảng 60-70% là tâm bão sẽ đi vào Lôi Châu, Trung Quốc, tuy nhiên vì đây là cơn bão mạnh nên vùng ảnh hưởng của nó rất lớn. Khả năng gió mạnh cấp 10 có thể bao trùm toàn bộ phía Đông Bắc Vịnh Bắc Bộ, trong đó có một phần của tỉnh Quảng Ninh. Gió cấp 6 có thể hiện diện ở hầu hết cả khu Đông Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn…
Tuy đa số các đài dự báo trong khu vực đều dự báo có tới trên 60% là siêu bão này sẽ đổ bộ vào đất liền Trung Quốc, tuy nhiên, theo ông Hải, không phải không có khả năng bão chuyển hướng vào Việt Nam. Thực tế, theo dự báo của Hồng Kông thì vẫn cần phải đề phòng tâm bão đi vào phía Đông vịnh Bắc Bộ.
Các dự báo mưa cho thấy, vùng núi phía Bắc sẽ có một đợt mưa vừa đến mưa to diện rộng từ ngày 15 đến hết đêm 17. Mưa lớn tập trung ở vùng núi phía Bắc, khu Đông Bắc và vùng núi phía Đông Bắc Bộ. Lưu vực sông Đà sẽ có lượng mưa ít hơn.
Ông Lê Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương trình bày dự báo bão số 7 tại cuộc họp cuối giờ chiều 12/8 |
Cũng tại cuộc họp, ông Hải cho biết, thông thường tháng 8, tháng 9 và tháng 10 là 3 tháng có tần xuất bão lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, việc xuất hiện tới 3 cơn bão trong nửa đầu tháng 8 như năm nay là điều rất hiếm xảy ra, chưa kể một số cơn áp thấp nhiệt đới. “Nếu từ nay đến hết tháng 8 mà có tới 2 cơn bão nữa thì đây sẽ là một kỷ lục chưa từng có” – ông Hải nhấn mạnh.
Tham dự cuộc họp, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương cho biết, tính đến 16 giờ 30 chiều nay, biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.457 phương tiện với tổng số 295.604 người biết vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 7 để chủ động di chuyển phòng tránh.
Trong số đó, hiện có 67.315 phương tiện với 284.424 người đang neo đậu tại các bến, hoạt động ven bờ và các khu vực khác. Còn 1.142 phương tiện với 11.180 người đang hoạt động trên khu vực Bắc và giữa biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và TrườngSa. Hiện các số phương tiện trên vẫn liên lạc được với gia đình và Bộ đội Biên phòng các tỉnh (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình thuận)
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát tỏ ra lo ngại về tình hình mưa lũ sau bão. Theo ông, lũ trên các sông đang xuống chậm, tuy nhiên, đây là lúc bộc lộ hoặc gia tăng những sự cố đê điều. Nếu bão gây ra mưa lớn ở vùng núi phía Đông Bắc thì có nguy cơ gây ra lũ trở lại trên hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.
Hải Phòng – Quảng Ninh chủ động cấm biển
Ngay sau cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát – Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã ký công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên; Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận Tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao.
Theo đó, để chủ động đối phó với bão, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7, tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm được xác định là Bắc vĩ tuyến 15 nhất là các vùng Đông Bắc Biển Đông và Tây Bắc của Vịnh Bắc Bộ. Các tỉnh ven biển Bắc Bộ, đặc biệt là Quảng Ninh và Hải Phòng chủ động cấm biển.
Trong khi đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu các tỉnh vùng núi phía Bắc cần chủ động triển khai các phương án đối phó với mưa, lũ lớn gây lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo an toàn hồ chứa; Các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ khẩn trương xử lý các sự cố đê điều xuất hiện thời gian qua để kịp thời đối phó với diễn biến mưa, lũ do bão gay ra.
Bộ Ngoại giao được đề nghị có công hàm đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ ngư dân tránh, trú bão và cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.