“So găng ngoại giao” giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ: Ai sẽ thắng?
Cả Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều có những toan tính và lợi ích riêng trước khi bước vào bàn đàm phán.
Sau kết quả khả quan tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều hôm 26/4 vừa qua, cộng đồng quốc tế tiếp tục mong đợi cuộc gặp đã được lên kế hoạch của nhà Lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mặc dù thời gian và địa điểm chưa được tiết lộ, nhưng cuộc gặp này chắc chắn sẽ trở thành một trong những sự kiện địa chính trị bất ngờ nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Cả Triều Tiên và Mỹ đều có động lực khác nhau trong quá trình tiến hành các nỗ lực ngoại giao. Vì thế các bên đều sẽ bước vào bàn đàm phán với những tính toán và lợi ích riêng.
Tổng thống Donald Trump mong muốn gì?
Không giống như người tiền nhiệm Barack Obama với mối quan tâm chính là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay bất ổn ở Trung Đông. Tổng thống Donald Trump đã sớm coi Triều Tiên là mối quan tâm cấp thiết ngày từ khi lên nắm quyền. Điều này được thể hiện qua thông điệp liên bang hồi cuối tháng 1 vừa qua, ông Donald Trump đã nhắc đến Triều Tiên tổng cộng 4 lần, trong khi chỉ nhắc đến Trung Quốc 3 lần và Nga 1 lần.
Có thể nói, sau một thời gian dài “lãng quên”, Mỹ giật mình nhận ra Triều Tiên đã bất ngờ trở nên “quá nguy hiểm”, từ chỗ là quốc gia chủ yếu nhận viện trợ về khí tài quân sự, nay họ đã sở hữu một quả bom hạt nhân với sức công phá vô cùng lớn; và trước đây tên lửa của nước này không thể vươn tới biển Nhật Bản, thì bây giờ có thể vươn tới tận lãnh thổ Mỹ.
Mặt khác Mỹ cũng thấy được việc tăng cường gây sức ép bằng các lệnh trừng phạt và bao vây cấm vận khó phát huy hiệu quả triệt để, bởi sau giai đoạn “nằm gai nếm mật”, Triều Tiên vẫn đứng vững và ngày càng đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong chương trình tên lửa và hạt nhân. “Trước nguy cơ chương trình hạt nhân của Triều Tiên tiến xa hơn nữa, có thể đe dọa an ninh Mỹ, ông Donald Trump đã chấp thuận đối thoại như một phương thức cuối cùng nhằm duy trì hòa bình trước khi mọi việc trở nên nguy hiểm”, Suzanne DiMaggio chuyên gia thuộc viên nghiên cứu New American cho biết.
Với Mỹ lúc này, đối thoại sẽ là biện pháp tốt nhất, vừa giúp thăm dò thái độ của Triều Tiên lại vừa giúp Mỹ bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thay vì liên hệ qua các kênh ngoại giao, đối thoại trực tiếp sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề và tránh những hiểu lầm phát sinh giữa hai bên. Đối thoại cũng phù hợp với chính sách tiếp cận nước đôi của ông Trump.
Tờ Nhật báo phố Wall dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho biết, từ ngày đầu nhậm chức, ông Trump đã quyết định sẽ áp dụng cách tiếp cận mới trong vấn đề Triều Tiên, để “tránh những sai lầm trong 27 năm qua”. Dù áp dụng chính sách “gây áp lực tối đa”, ông Trump vẫn “để ngỏ khả năng đối thoại vào thời điểm thích hợp”.
Tổng thống Donald Trump và nhiều quan chức cấp cao của Mỹ từng tuyên bố mục tiêu hàng đầu của nước này là Triều Tiên phải tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đồng nghĩa với việc loại bỏ toàn bộ kho vũ khí của nước này.
“Khi Tổng thống nói ông sẽ không lặp lại sai lầm trong quá khứ. Thì điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không đưa ra những nhượng bộ lớn, chẳng hạn như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên giải trừ đáng kể kho vũ khí hạt nhân của nước này”, nguồn tin trên giải thích thêm.
Ngoài những mục tiêu trên, bản thân ông Trump cũng mong muốn ghi dấu ấn tốt đẹp trong nhiệm kỳ làm Tổng thống của mình. Ông muốn trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên xử lý dứt điểm được vấn đề Triều Tiên, tương tự như việc Tổng thống Barack Obama đã đặt dấu mốc ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran. Nếu làm được như vậy, dư luận sẽ quên hết những lùm xùm nội bộ mà ông đang đối mặt, uy tín của ông sẽ lên rất cao và thậm chí ông có thể nhận được giải Nobel về Hòa Bình.
Triều Tiên muốn gì từ Mỹ?
Một số nhà phân tích cho rằng, khi cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra, nhà Lãnh đạo Kim Jong sẽ bước tới bàn đàm phán với vị thế khác xa so với trước vì Triều Tiên hiện giờ đã làm chủ công nghệ vũ khí hạt nhân. Đây là con bài chiến lược giúp nước này tái lập cân bằng cán cân về sức mạnh quân sự trên Bán đảo Triều Tiên vốn ngày càng nghiêng về phía liên minh Mỹ-Hàn.
Trên thực tế, Triều Tiên không hề có tham vọng đánh thắng Mỹ bởi nước này hiểu rằng, để nổ ra một cuộc chiến sẽ không có lợi cho bên nào, thay vì đó tất cả các bên sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng. Một số chuyên gia nhận định điều mà ông Kim Jong-un cần hiện nay là công nhận vai trò lãnh đạo và bảo vệ chế độ.
Triều Tiên từ lâu đã muốn được công nhận là một cường quốc hạt nhân, một “người chơi” có ảnh hưởng trên “sân khấu quốc tế” và nước này muốn tận dụng cuộc gặp sắp tới với nhà lãnh đạo Donald Trump để thực hiện mục đích của mình. Chưa nói đến việc các bên có đạt được thỏa thuận hay không, chỉ riêng chuyện đưa ông Donald Trump đến bàn đàm phán đã là “thắng lợi về mặt ngoại giao” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, điều mà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il chưa từng thực hiện.
Mục tiêu khác mà Triều Tiên mong muốn trong cuộc gặp này là một số nhượng bộ về kinh tế từ phía Mỹ. Là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, ông Kim Jong-un luôn biết rõ rằng, để vực dậy kinh tế, Triều Tiên cần phải mở cửa ở một mức độ nhất định. Nếu các biện pháp trừng phạt được nới lỏng, Triều Tiên sẽ có nhiều cơ hội mở rộng trao đổi thương mại, tìm kiếm thị trường nhập khẩu và xuất khẩu các mặt hàng chủ lực.
“Về cơ bản, Triều Tiên đang chuyển sang việc tìm kiếm sự giàu có và thịnh vượng. Họ chứng minh bằng việc ngừng chương trình hạt nhân hoàn toàn và cho cả thế giới thấy rõ bây giờ họ muốn tham gia vào mô hình Đông Á, với hy vọng mang đến phép màu về kinh tế”, Tiến sỹ Simone Chun thuộc Mạng lưới Hòa bình Triều Tiên cho biết.
Trong quá khứ, Triều Tiên từng sử dụng chương trình hạt nhân như một biện pháp giúp giải quyết các vấn đề nảy sinh từ sự cô lập của cộng đồng quốc tế đối với quốc gia này. Cố lãnh đạo Kim Jong-il đã nhiều lần tạm đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc được nới lỏng biện pháp trừng phạt trên bàn đàm phán và bây giờ ông Kim Jong-un cũng áp dụng chiến thuật tương tự.
Theo đánh giá của chuyên gia Suzanne DiMaggio: “Triều Tiên hiện giờ đang nắm vai trò “dẫn lái” khi quyết định cả tốc độ và chương trình nghị sự cho cuộc đàm phán, dẫn dắt Tổng thống Donald Trump bước vào một trò chơi cút bắt. Nhưng rất khó để đoán biết ai sẽ chiến thắng trong trò chơi này”.
Nếu cuộc gặp thực sự diễn ra, kết quả sẽ rất đa dạng. Đó có thể là bước đột phá lớn trong giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân hay một số nhượng bộ mà ông Trump dành cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, không loại trừ nguy cơ đàm phán thất bại, khi đó sẽ đẩy cả Triều Tiên và Mỹ vào miệng hố chiến tranh./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.