Sơ kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 9 tháng đầu năm 2016

(THTG) Chiều ngày 10/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và  tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang tổ chức sơ kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 9 tháng đầu năm, bàn giải pháp chống hạn mùa khô năm 2017 và giải pháp nâng cao tỷ lệ hộ dùng nước ở các huyện phía Đông. Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng tham dự hội nghị.

1

Ảnh: Minh Nguyên

          Trong 9 tháng đầu năm 2016, tình hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới không ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh nhưng các loại hình thiên tai khác như hạn hán, xâm nhập mặn, lốc xoáy, triều cường, sạt lở bờ sông thường xảy ra, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên do chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” của các cấp ủy và chính quyền địa phương đã góp phần làm giảm thiểu thiệt hại thiên tai, tổ chức phòng, tránh kịp thời, an toàn và khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất.

9 tháng đầu năm 2016, tỉnh đã ưu tiên đầu tư mạnh mẽ các công trình chống sạt lở, triều cường, nạo vét các kênh phục để thoát lũ, đầu tư mới các cống phục vụ tưới tiêu, đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp nước, phòng thiên tai góp phần hạn chế mức độ ảnh hưởng và thiệt hại do thiên tai gây ra. Toàn tỉnh đã đầu tư trên 384 tỷ đồng cho công tác phòng chống thiên tai, trong đó xây dựng 4 đập thép để chống lũ, triều cường trên địa bàn huyện và xây 1.143 cống bán kiên cố ở các huyện; nạo vét 101 công trình với chiều dài 165.678m, đã xử lý 36/101 điểm sạt lở…

Theo nhận định của của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, từ nay đến cuối năm còn khoảng 2 đến 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong những tháng cuối mùa tháng 10,11 và 12, bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Trung Bộ đến Nam Bộ, và theo tính toán của các nhà chuyên môn, khả năng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất hiện sớm, sâu và kéo dài. Trước tình hình này, ông Lê Văn Hưởng- Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu  thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các ngành, các cấp chủ động, thực hiện nghiêm túc và chủ động đối phó với thiên tai với phương châm đầy đủ “4 tại chỗ” và phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính với các giải pháp cụ thể đối với đặc điểm của từng địa phương sao cho phù hợp; bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017; bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái;  giải pháp đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt nông thôn cho các huyện phía Đông  trong mùa khô 2016-2017, các công trình thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, hệ thống cống đập cho từng địa phương.

Thu Thủy