Sở Y tế Tiền Giang phản hồi trường hợp điều dưỡng thực hiện gây tê tủy sống cho sản phụ tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang
(THTG) Ngày 21-5, Bác sĩ CK2 Trần Thanh Thảo – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã có văn báo báo cáo về việc chuyên môn, liên quan đến video clip gây tê tủy sống cho sản phụ tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang.
Ảnh cắt từ videoclip điều dưỡng Lê Thị Phương Lan thực hiện gây tê cột sống
Theo đó, ngày 18/5/2020, Đài truyền hình Việt Nam VTV1 trong chuyên mục chuyển động 24h có đăng tải video clip về việc “Người không đủ chuyên môn thực hiện gây tê cho sản phụ tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang”; sau đó, ngày 19/5/2020 tiếp tục đăng phần còn lại; trong đó, có nêu điều dưỡng Lê Thị Phương Lan thực hiện gây tê cột sống để mổ bắt con là sai quy định. Sở Y tế báo cáo giải trình như sau:
Bệnh viện Phụ sản là bệnh viện hạng II – Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của tỉnh và là Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ đã được hướng dẫn, giám sát thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa sâu.
Điều dưỡng (trước đây còn gọi là y tá) có nhiều trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đến đại học và sau đại học (hiện nay chỉ còn điều dưỡng từ trung cấp trở lên). Điều dưỡng có rất nhiều chuyên ngành khác nhau như đa khoa, ngoại, sản – nhi, ung bướu, gây mê – hồi sức… Mỗi chuyên ngành có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Nếu chỉ nói thuật ngữ “điều dưỡng” đơn thuần, mọi người sẽ hiểu theo nghĩa thông thường là cán bộ y tế có trình độ trung cấp, chuyên chăm sóc cho các bệnh nhân theo y lệnh của bác sĩ. Điều này không sai, nhưng chưa đủ và chưa đúng hoàn toàn, vì điều dưỡng có nhiều trình độ và nhiều chuyên ngành khác nhau.
Căn cứ Quyết định số 41/2005/QĐ-BNV ngày 22/4/2005 của của Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức y tế, điều dưỡng, có quy định điều dưỡng “thực hiện các kỹ thuật điều dưỡng cơ bản và thực hiện một số kỹ thuật điều dưỡng phức tạp của chuyên khoa theo y lệnh của bác sĩ điều trị và sự phân công của điều dưỡng phụ trách”.
Căn cứ Điểm i, Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 13/2012/TT-BYT ngày 20/8/2012 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn công tác gây mê hồi sức tại có quy định nhiệm vụ của bác sĩ gây mê hồi sức tại khu phẫu thuật là: “Phân công, giám sát các hoạt động chuyên môn của điều dưỡng viên gây mê – hồi sức” và Điểm a Khoản 2 Điều 12 có quy định nhiệm vụ và quyền hạn của điều dưỡng viên gây mê – hồi sức: “Điều dưỡng viên gây mê – hồi sức được thực hiện một số nhiệm vụ của bác sỹ gây mê – hồi sức nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện, phù hợp với khả năng chuyên môn, được sự chấp nhận và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở đề nghị của trưởng khoa. Điều dưỡng viên gây mê – hồi sức chỉ thực hiện một số nhiệm vụ của bác sỹ gây mê – hồi sức khi ở khoa chưa có bác sỹ gây mê – hồi sức”.
Căn cứ Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế tại Điều 11, Chương V có quy định “Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản”.
Như vậy, ngoài bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức thì điều dưỡng chuyên khoa gây mê hồi sức được trực tiếp thực hiện kỹ thuật gây tê, gây mê cho bệnh nhân, nhưng phải được bác sĩ giám sát việc thực hiện để xử lý khi cần thiết.
Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí
Bà Lê Thị Phương Lan là cử nhân điều dưỡng (đại học) có chuyên ngành Gây mê hồi sức. Một trong các yêu cầu về kỹ năng của Chuẩn đầu ra của cử nhân điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức tại Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh là “thực hiện được các kỹ thuật gây mê hồi sức phức tạp và chuyên sâu để tiến hành gây tê, gây mê hồi sức để vô cảm và chăm sóc sức khỏe trước, trong và sau mổ”. Bà Lê Thị Phương Lan được Sở Y tế cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh số 001388/TG-CNHN ngày 18/02/2014. Như vậy, cử nhân điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức Lê Thị Phương Lan đã được đào tạo và có kỹ năng thực hiện gây tê, gây mê và đã được Sở Y tế cấp Chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, cử nhân điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức Lê Thị Phương Lan còn được bác sĩ chuyên ngành gây mê hồi sức Nguyễn Thị Bích Thủy giám sát khi thực hiện kỹ thuật gây tê tủy sống cho sản phụ.
Căn cứ theo các quy định nêu trên thì việc cử nhân điều dưỡng Lê Thị Phương Lan được phép gây tê tủy sống cho bệnh nhân dưới sự giám sát của bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy.
Trong chuyên ngành Sản phụ khoa, kỹ thuật “mổ bắt con” và cấp cứu các tai biến sản khoa là phẫu thuật cấp cứu thường gặp, có khi phải thực hiện nhiều ca trong cùng thời điểm. Theo ý kiến của lãnh đạo Bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ, Bệnh viện được Bộ Y tế phân công phụ trách công tác sản phụ khoa các tỉnh phía Nam (trong đó có Tiền Giang), được phép đại diện Bộ Y tế xử lý các vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ có liên quan tại cuộc họp ngày 21/5/2020, thì tình trạng các bác sĩ chuyên ngành gây mê hồi sức thiếu hụt là tình trạng chung của cả nước, một bác sĩ gây mê hồi sức có thể phụ trách đồng thời 02 phòng mổ (hoặc hơn), nên phải hướng dẫn, phân công, giám sát để điều dưỡng gây mê hồi sức trực tiếp thực hiện gây mê, gây tê theo Thông tư số 13/2012/TT-BYT của Bộ Y tế và các văn bản hiện hành. Tại cuộc họp, lãnh đạo Bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ đã giới thiệu và mời PGS.TS Công Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, trao đổi với mọi người dự họp về nội dung này qua video call. PGS.TS Công Quyết Thắng khẳng định, điều dưỡng gây mê hồi sức trực tiếp thực hiện gây mê, gây tê dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức như trường hợp của Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang là đúng quy định theo Thông tư số 13/2012/TT-BYT của Bộ Y tế. Khi thiếu bác sĩ gây mê hồi sức, thì Giám đốc bệnh viện phải đánh giá, phân công và chịu trách nhiệm cho điều dưỡng gây mê hồi sức trực tiếp thực hiện gây mê, gây tê cũng như trường hợp khoa không có bác sĩ gây mê hồi sức nhằm đáp ứng nhu cầu công tác tại bệnh viện.
Bệnh viện Phụ sản chỉ có 01 bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức nên còn thiếu so với nhu cầu, Giám đốc Bệnh viện phải phân công, sắp xếp để cho bác sĩ trực tiếp thực hiện hoặc giám sát các điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức thực hiện gây mê, gây tê cho sản phụ. Đến tháng 10 năm 2018, Bệnh viện Phụ sản được tăng cường thêm bác sĩ Thạch Diễm Ca (bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức từ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm). Sở Y tế đã chỉ đạo cho Bệnh viện Phụ sản tiếp tục tăng cường đào tạo chuyên ngành Gây mê hồi sức cho các bác sĩ, đồng thời hợp đồng thêm nhân lực hoặc tranh thủ sự chi viện về nhân lực gây mê hồi sức của các Bệnh viện khác để đáp ứng nhu cầu gây mê, gây tê tại Bệnh viện.
Sở Y tế xin được báo cáo giải trình làm rõ các nội dung đã phản ánh trên Đài truyền hình VTV1 Việt Nam chuyên mục chuyển động 24h trong thời gian qua để Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo và các sở ngành tỉnh được biết nhằm thông tin cho người dân an tâm.
Phúc Huy
Có 4 bình luận
Mọi việc đã rõ ràng, ủng hộ các bác sĩ và điều dưỡng vì làm tròn công việc của mình giúp người dân. Bệnh viện cần làm rõ với đài truyền hình nếu đưa thông tin sai sự thật.
Đề nghị VTV 24 đăng bài cải chính, xin lỗi người bị cho là “vi phạm” chế độ công tác chuyên môn.
Quá hay , đung qui trinh , đúng nghĩa cử cao dep cua nghanh gây mê hồi sức , cảm ơn bs công quyết thắng !