Sôi nổi hội đua thuyền ở các địa phương
Sáng ngày 11-2 (tức ngày mùng 4 Tết Bính Thân), trên sông Đác Bla đoạn chảy qua thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc đầu năm 2016, với sự tham gia cổ vũ của hàng nghìn người dân Kon Tum cùng nhiều du khách trong và ngoài nước. |
Giải đua thuyền độc mộc năm nay có sự tham dự của 40 thuyền, 97 vận động viên đến từ chín xã, phường nằm ven sông Đác Bla của TP Kon Tum và huyện Sa Thầy. Các vận động viên tham gia thi đấu ở ba cự ly: 100 m; 200 m và 1.500 m ngược và xuôi dòng Đác Bla. Lễ hội đua thuyền độc mộc đầu xuân là hoạt động thường niên ở tỉnh Kon Tum kể từ năm 2001 đến nay. Cùng với đua thuyền độc mộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng xuân khác như biểu diễn cồng chiêng, biểu diễn văn nghệ; thi đấu cờ tướng; điều khiển bay mô hình….. Thuyền độc mộc là phương tiện cũng vừa là công cụ làm ăn có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc Ba Na, Xê Đăng sống dọc theo các con sông ở Kon Tum. Các làng đồng bào dân tộc thiểu số sống ở Kon Tum rất tự hào về những người chèo thuyền giỏi, đánh cá giỏi của làng mình. Vì vậy, giải đua thuyền độc mộc vừa là môn thể thao, đồng thời cũng là ngày hội đầu năm của các dân tộc Ba Na, Xê Đăng định cư ở thành phố Kon Tum và các vùng lân cận dọc theo sông Đác Bla, nhằm tạo sân chơi lành mạnh vui tươi, góp phần tăng cường giao lưu đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn. Đây cũng là hoạt động chào mừng kỷ niệm 86 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và là hoạt động thể thao mở đầu cho phong trào thể dục thể thao của địa phương trong năm 2016. * Giải Đua thuyền truyền thống tỉnh Đác Lắc lần thứ IX năm 2016 Các đội đua đang tranh tài trên đường đua (Ảnh: Công Lý). Cũng trong sáng ngày 11-2 (tức mùng 4 Tết), tại Hồ Sen, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đác Lắc phối hợp với UBND huyện Krông Ana tổ chức giải Đua thuyền truyền thống tỉnh Đác Lắc lần thứ IX năm 2016. Tham gia giải năm nay có 420 tay chèo của 28 thuyền đua đến từ các xã Bình Hòa, Quảng Điền và thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Trên mỗi thuyền đua có 15 tay chèo, với độ dài đường đua khoảng 500m. Ở vòng loại 28 thuyền được chia làm tám lượt đua (trong đó có bốn lượt mỗi lượt bốn thuyền và bốn lượt mỗi lượt ba thuyền); chọn nhất, nhì mỗi lượt vào thi đấu vòng tiếp theo và chọn bốn thuyền đua xuất sắc nhất vào thi đấu vòng chung kết để tranh các vị trí nhất, nhì và ba. Sau một buổi thi đấu sôi nổi, hào hứng với những cuộc bứt phá ngoạn mục, kết quả: Đội 3, thôn 2, xã Quảng Điền của chủ thuyền Nguyễn Đức Kỳ đoạt giải Nhất; Đội 2, thôn 6, xã Bình Hòa của chủ thuyền Võ Văn Hạnh giành giải Nhì; Đội 1, thôn 1, xã Bình Hòa của chủ thuyền Bùi Văn Minh giành giải Ba và giải Tư thuộc về thôn 1, xã Bình Hòa của chủ thuyền Nguyễn Huy Phương. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao bốn giải khuyến khích. Giải đua thuyền nam truyền thống được tổ chức thường niên nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa, nêu cao tinh thần thượng võ, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Chương trình cũng tạo sân chơi lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời thông qua giải còn động viên, khơi dậy phong trào tập luyện thể thao trong nhân dân nói chung và môn đua thuyền nói riêng. Báo Nhân Dân |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.