Sớm thông qua Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi)
Chiều 25/3, Quốc hội đã họp phiên toàn thể, cho ý kiến về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Giải trình về dự án Luật, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc ban hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) trước khi Hiệp định Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời bảo đảm được các điều kiện cơ sở pháp lý cho Việt Nam thực hiện những cam kết trong TPP và các hiệp định thương mại tự do khác.
Dự thảo luật gồm 5 chương, có những quy định quan trọng liên quan đến căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế, đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ, giá trị tính thuế, thời điểm tính thuế…
Đồng thời sau khi sửa đổi, các nhà làm luật cũng đưa vào các nội dung phù hợp với quy định của TPP, như thuế xuất khẩu ưu đãi, tiền thuế tối thiểu không thu, miễn thuế đối với hàng mẫu không có giá trị thương mại, ấn phẩm quảng cáo…
Ngoài ra, dự án luật cũng dành một chương quy định về việc áp dụng phòng vệ thương mại. Theo cơ quan giải trình, đây là nội dung quan trọng để bảo vệ và phát triển sản xuất trong nước.
Thảo luận tại Hội trường, đa số các ý kiến đồng tình việc sớm thông qua dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) ngay tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII.
Theo đại biểu Phan Văn Quý (tỉnh Nghệ An), các quy định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ phù hợp với quy định quốc tế là điều kiện quan trọng để hàng hóa của Việt Nam đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng.
Còn đại biểu Phùng Đức Tiến (tỉnh Hà Nam) đề nghị dự án luật cần bổ sung thêm thẩm quyền của tổ chức, cá nhân có quyết định biên độ mức độ bán phá giá và thước đo đánh giá giá bán của hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng tới hàng hóa sản xuất ở trong nước để có thể áp dụng hàng rào thuế quan cho hiệu quả.
Tuy nhiên, liên quan tới việc áp thuế phòng vệ thương mại được quy định trong dự thảo, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (tỉnh Vĩnh Phúc) dẫn ví dụ mới đây Bộ Công Thương áp thuế này lên các mặt hàng phôi thép nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước và cho rằng đây là biện pháp tốt. Tuy nhiên, nếu không cân nhắc kỹ sẽ gây thiệt hại tới người tiêu dùng.
Đại biểu này đặt câu hỏi: “Tại sao lại bảo vệ sản xuất trong nước khi mà ta đi mua thép ở nước ngoài rẻ hơn, dân được lợi hơn? Vừa rồi ta áp thuế phòng vệ đã khiến giá thép tăng lên khiến thị trường bị biến động” và đề nghị mỗi khi áp dụng thuế này cần phải tính toán kỹ càng và phải tận dụng được tối đa lợi ích của hội nhập kinh tế mang lại cho sản xuất trong nước và lợi ích của người tiêu dùng.
Chinhphu.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.