Sống trong ám ảnh phóng xạ

         Một năm sau 3 thảm họa: động đất, sóng thần và hạt nhân xảy ra cùng một lúc, người dân vùng Fukushima sống trong nỗi lo bị ung thư do phóng xạ

Bà Yoshiko Ota, 48 tuổi, luôn đóng cửa sổ. Bà không bao giờ phơi đồ bên ngoài. Sợ con sinh quái thai, bà căn dặn mấy đứa con gái chớ có dại dột sinh con.

Tự bảo vệ

Nhà của bà Ota cách nhà máy Fukushima Dai-ichi 60 km, không nằm trong diện buộc phải sơ tán. Chính phủ nói không có ảnh hưởng ngay tức khắc đến sức khỏe nhưng bà bảo mẫu nhà trẻ này vẫn cảm thấy bất an.

Bà Yoshiko Ota chỉ sử dụng nước đóng chai. Ảnh: AP

Mỗi ngày, bà Ota uống những viên thuốc chuyển hóa với hy vọng thải chất phóng xạ ra khỏi cơ thể. Để phòng ngừa nhiễm xạ, bà mua rau cải trồng ở nơi khác ngoài Fukushima. Mỗi tháng, bà bỏ ra 10.000 yen (2,53 triệu đồng) mua nước lọc đóng chai để dùng thay vì sử dụng nước thủy cục. Bà còn đặt mua qua bưu điện máy xay xát gạo riêng để dùng.

Không phải ai cũng cẩn thận như bà Ota nhưng hầu hết cư dân Fukushima đều cảm thấy không an tâm vì sống chung với một kẻ thù vô hình. Các chuyên gia khẳng định rằng ngoài bán kính 20 km (tính từ Nhà máy Fukushima Dai-ichi) - còn gọi là “vùng đất chết” - nguy cơ nhiễm xạ có hại đếnsức khỏe thấp nhưng người dân phải tự bảo vệtối đa như không dùng thực phẩm trồngtrong vùng, không la cà đến các “điểm nóng” như máng nước mưa và lá cây. Thỉnh thoảng nên ra khỏi khu vực mình ở một thời gian. Đối với trẻ con càng phải cẩn thận hơn vì không ai biết phơi nhiễm phóng xạ đến mức nào thì an toàn.

Khi xảy ra rò rỉ phóng xạ ở nhà máy, đã có 100.000 người dân sống trong “vùng đất chết” tị nạn ở nơi khác. Ông Wolfgang Weiss, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học về ảnh hưởng phóng xạ hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, nghiên cứusự cố Fukushima, cho biết: “Người dân ở đây sợ chết khiếp. Họ hỏi chúng tôi tình hình hiện nay xấu hay tốt? Chúng tôi không biết trả lời như thế nào. Cuộc sống ở đây khá nguy hiểm”.

Ngoài bán kính 20 km, phóng xạ đo được là 20 mSv, vài nơi lên đến 50 mSv. Trước sự cố Fukushima, mức phóng xạ tự nhiên ở đây chỉ có 1 mSv/năm.

Bám biển, bám làng

Cảng cá Isanohama nằm cách Nhà máy Fukushima 30 km, tức ngoài “vùng đất chết”, dân cư không bắt buộc phải sơ tán nhưng nhiều người đã bỏ đi. Các khu nhà chung quanh cảng nay trở nên hoang vắng. Một năm sau thảm họa, hàng tấn rác vẫn còn chất đống chưa biết xử lý thế nào.

Những người trở về Isanohama đầu tiên là ngư dân. Họ sơn sửa lại những chiếc tàu đánh cá nhưng chưa biết bao giờ mới được phép trở lại biển cả. Nước biển ở vùng này đầy phóng xạ. Cá bắt được ai mua? Ngư dân Yasuo Ichikawa than thở: “Biết làm gì bây giờ? Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) và ban lãnh đạo Nhà máy Fukushima đã lừa chúng tôi. Họ bảo năng lượng hạt nhân an toàn, nhà máy vô hại.Họ nói dối”.

Số phận ngư dân Fukushima, Kita-Ibaraki và Miyagi (bao quanh Nhà máy Fukushima) đều như nhau, giống như ông Ichikawa. Giữa tháng 2 vừa qua, Tepco thừa nhận lò số 3 mỗi giờ vẫn còn xả ra 70 triệu becquerel (đơn vị đo phóng xạ), giảm nhiều so với 1 tỉ becquerel/giờ hồi mùa xuân năm ngoái.

Bức xạ kế phát cho trẻ em trấnKawamata ở Fukushima. Ảnh: SIPA

Chính thức mà nói chất thải không còn tuôn ra biển nữa. 160.000 tấn nước biển nhiễm xạ đã được lưu trữ trong hàng ngàn bể chứa xây gần nhà máy. Thế nhưng mọi hoạt động đánh bắt cá trong vùng đều bị cấm.

Làng Iitate nằm trong lòng một thung lũng đầy thông xanh cách Tây Bắc Nhà máy Fukushima khoảng 30 km. Phần lớn 1.200 dân làng đã tị nạn vì mức phóng xạ ở đây khá cao. Nhiều trang trại bị bỏ trống. Ông Tokue Hosokawa, 65 tuổi, và vợ là số ít người bám trụ. Ônggiải thích: “Chúng tôi cũng muốn đi lắm vì ở đây có quá nhiều phóng xạ. Nhưng chúng tôi không đành lòng để 30 con bò sữa và 33 con ngựa chết đói. Chúng là thành viên của gia đình. Người ta khuyến cáo chúng tôi nên sơ tán nhưng không được mang chúng theo. Thế là chúng tôi ở lại”.

Ông mua cỏ “nhập khẩu” cho đàn bò, ngựa của ông ăn. Vấn đề là sữa bò và ngựa có bán cũng chẳng ai mua. Không biết rồi ông sẽ sống ra sao. Ông Hosokawa không phải là trường hợp cá biệt.Nhiều trang chủ và nông dân cũng từ chối sơ tán. Họ bám đất, bám làng mặc dù biết rõ sức khỏe bị phóng xạ đe dọa.

Nhà nhà đo phóng xạ

Sống trong vùng có phóng xạ cần phải trang bị máy đo bức xạ để đối phó. Chính quyền Nhật phát máy đo loại phổ thông cho trẻ em và phụ nữ có thai - hai đối tượng dễ bị phóng xạ xâm hại nhất - trong toàn vùng Fukushima. Điều này cho phép phát hiện nhiều gia đình sống trong vùng có nhiều phóng xạ cần phải sơ tán.

Nhiều người tự sắm máy đođời mới rồi đưa kết quả lên mạng chia sẻ thông tin với người khác. Từ ngày xảy ra thảm họa Fukushima, đã có hơn 275 hội nhóm địa phương khắp nước Nhật mang tên “Hãy cứu lấy con em chúng ta” được thành lập trên mạng chia sẻ thông tin hữu ích. Chính họ đã giúp chính quyền có cơ sở để giám sát tình hình phóng xạ và cả những bữa ăn của căng-tin học trò ở 17 huyện bị ảnh hưởng phóng xạ.