Sự trỗi dậy của bóng đá Pháp hay bề nổi của tảng băng chìm?

Trái với hình ảnh hiu quạnh từ Premier League, mùa giải này, Ligue 1 đóng góp 2 đại diện tại vòng 8 đội mạnh nhất Champions League 2014/2015.

PSG: Nỗ lực qua từng trận đấu

Chẳng bao lâu sau khi được các ông chủ Qatar đổ “núi tiền” đầu tư, PSG thay da đổi thịt. Bắt đầu bằng ngôi vị độc tôn ở giải quốc nội, sau đó dần vươn vòi tham vọng ra ngoài đất nước hình lục lăng.

PSG thành công nhờ tiền và nỗ lực?

Tuy nhiên, ra đường gặp núi lớn. Hai mùa giải liên tiếp, PSG phải dừng chân ở vòng 16 đội với chung một kịch bản: loại vì bàn thắng sân nhà sân khách. Dẫu sao, ở hai trận đấu với Barca và Chelsea, màn trình diễn của PSG xứng đáng được dành tặng những lời khen ngợi, bởi quá lâu rồi họ mới trở lại đấu trường danh giá nhất châu Âu.

Đến mùa giải năm nay, PSG hiên ngang vượt “vũ môn” để mở đầu trang sử mới khi góp mặt ở vòng tứ kết. Ý nghĩa hơn, thầy trò Blanc loại chính “chủ nợ” Chelsea hùng mạnh được dẫn dắt bởi Mourinho – HLV vạn người muốn đánh bại. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của một tập thể trong nhiều năm đã được đền đáp xứng đáng bằng chiến thắng ngọt ngào.

Nhưng nhắc đến PSG thời điểm này là nhắc đến những cầu thủ hàng đầu thế giới như Ibrahimovic, Thiago Silva, Cavani hay Veratti. Nói cách khác, đội bóng thủ đô Paris không mang bản sắc của đội bóng Pháp. Ngoại trừ Matuidi và Cabaye thường xuyên góp mặt trong đội hình và có đóng góp vào lối chơi thì những cầu thủ bản xứ còn lại chưa để lại được dấu ấn.

AS Monaco: Cái khó ló cái khôn

Không khác người “đàn anh” PSG, Monaco cũng phải “mượn tay” tỷ phú người Nga – Rybolovlev để trở lại đấu trường Champions League.  Monaco phiên bản 2015 khác hoàn toàn cách đây 12 năm, mùa giải những “người Pháp thực thụ” tiến tới trận chung kết.

Monaco ăn xổi ở thì không bền vững

Hè 2013, Monaco từ Ligue 2 trở về Ligue 1 và giống PSG, chủ tịch Rybolovlev chi đến hơn 140 triệu Bảng để mua hàng loạt tên tuổi như Radamel Falcao, James Rodriguez, Joao Moutinho, cùng những cái tên kỳ cựu như Ricardo Carvalho, Eric Abidal nhằm phục vụ mục tiêu vươn ra ngoài lãnh thổ nước Pháp.

Phát huy tác dụng tức thì, vị trí thứ 2 năm 2013/2014, giúp đội bóng Công quốc đến thắng vòng bảng Champions League. Khi ngài chủ tịch vướng trục trặc về kinh tế, Monaco phải để hai ngôi sao lớn nhất là Falcao và James Rodriguez ra đi. Những tưởng cuộc phiêu lưu của họ sẽ sớm chấm dứt nhưng với chiến thuật hợp lý, Monaco bất ngờ loại Arsenal để theo bước PSG vào tứ kết.

May mắn và biết mình biết ta là hai yếu tố giúp đội bóng Leonardo Jardim hái được trái ngọt. Nhưng liệu nó còn “ngọt” mãi?

Champions League vẫn là sân chơi tôn vinh những giá trị truyền thống

PSG và Monaco là hai hình ảnh bình thường trong thời kỳ bóng đá hiện đại toàn cầu hóa. Muốn có danh hiệu hay vực dậy một thế lực không có cách nào ngoài việc đổ tiền mua cầu thủ. Nhưng nên nhớ, các nhà vô địch châu Âu đa số là các CLB giàu truyền thống và có nền tảng là những cầu thủ quốc nội.

Bao giờ đến ngày bóng đá Pháp có một O.Marseille lên ngôi mùa giải 92/93?

Chelsea cách đây 3 năm là trường hợp hiếm hoi trong việc dùng tiền mua danh hiệu. Mất hơn chục năm sau ngày chủ tịch người Nga nắm quyền, The Blues mới thống trị được châu Âu. Dù sao đi nữa, trong đội hình vô địch năm đấy, Chelsea vẫn giữ cho mình những cầu thủ nòng cốt người Anh. Hoàn toàn trái với Inter Milan, đội bóng lên ngôi mùa giải 2009/2011 với không một cầu thủ Italy thi đấu suốt gần 90 phút chính thức.

Mùa trước, ĐKVĐ Real – đội bóng bạo chi nhất trong việc mua cầu thủ ngoại cũng có 3-4 trụ cột xuất thân từ lò đào tạo trong đội hình thi đấu.

Phát triển bóng đá bài bản, mang lại những giá trị cốt lõi mới thực sự dẫn đến những thành công bền vững. Sẽ chẳng bất ngờ, nếu PSG dừng bước ở vòng tứ kết hay bán kết và khi những trụ cột hiện tại già nua hoặc ra đi hay rơi vào tình cảnh “đem con bỏ chợ” như Monaco hiện tại, hình ảnh Inter Milan phiên bản 2 sẽ lại xuất hiện. Một sự thoái trào không hẹn ngày trở lại./.

Nguồn VOV