Sữa rất tốt, nhưng không thể thay thế các thực phẩm khác
Sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng với trẻ nhỏ, sữa không thể thay thế hoàn toàn cho các thực phẩm khác.
Mỗi ngày trẻ từ 1-3 tuổi chỉ nên uống khoảng 300-400ml sữa bò |
Đặc biệt, chất béo (lipit) của sữa có giá trị sinh học cao vì ở trạng thái nhũ tương và có độ phân tán cao, tạo điều kiện cho quá trình tiêu hóa và hấp thu dễ dàng. Lipit của sữa chứa nhiều acid béo chưa no cần thiết, có Lecithin đóng vai trò trong chuyển hóa và kéo cholesterol ra khỏi cơ thể. Chất béo của sữa cũng giúp hỗ trợ việc hấp thu các vitamin tan trong chất béo, nhất là vitamin A.
Những điều trên đây chứng tỏ một điều, sữa là thức ăn rất tốt cho mọi lứa tuổi.
Với trẻ nhỏ, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất. Cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu nếu mẹ đủ sữa. Những tháng tiếp, do nhu cầu dinh dưỡng của trẻ tăng lên, vì thế trong khẩu phần ăn của trẻ cần bổ sung thêm các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ.
Trong các thực phẩm bổ sung, thì sữa đứng ở hàng đầu. Tuy nhiên, nếu chỉ cho trẻ uống sữa thì chưa đủ dinh dưỡng, mà cần cho trẻ ăn thêm các thức ăn đa dạng mới cung cấp đủ dinh dưỡng giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt.
Nhiều ông bố bà mẹ suy nghĩ “sữa là tốt nhất, nếu trẻ không chịu ăn thì cứ ép cho chúng uống sữa là đủ”, do vậy cố gắng tìm mua các loại sữa đắt tiền và cho trẻ uống liên tục; thậm chí còn cho trẻ uống sữa thay nước. Sử dụng sữa cho trẻ như vậy là không đúng, vì sẽ dẫn đến sự thừa một số thành phần, mà lại thiếu hụt một số thành phần khác.
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 1-3 tuổi là 1.300 Kcal, 30g đạm, 36g chất béo, 195g chất đường bột và 1.200ml nước. Để đảm bảo nhu cầu về năng lượng, trong trường hợp trẻ chỉ uống sữa, thì mỗi ngày trẻ cần uống 2l sữa bò (đã pha theo công thức). Nhưng nếu uống đủ 2l sữa thì lượng đạm đưa vào cơ thể sẽ vào khoảng 42-45g (dư 10-12g), lượng mỡ đưa vào cơ thể 48-50g (dư 12-14g). Lượng dư ra của cả chất đạm và chất béo đều không tốt cho trẻ, vì trong quá trình tiêu hóa sẽ tạo ra các sản phẩm trung gian độc hại cho cơ thể.
Nhưng nếu điều chỉnh lại cho phù hợp với nhu cầu chất đạm, chất béo thì trẻ chỉ cần uống khoảng 1400ml sữa bò/ngày và như vậy tổng năng lượng chỉ đạt 910 Kcal (thiếu 30%).
Đó là chưa kể, chất xơ trong sữa rất ít, nên nếu chỉ uống sữa các cháu sẽ bị táo bón. Và nếu chỉ uống sữa trẻ sẽ không cần nhai, làm cho hệ thống răng và các cơ nhai không cần làm việc sẽ không gây cho trẻ cảm giác ngon miệng, không kích thích các tuyến tiêu hóa làm việc.
Trong sữa công thức còn không có các yếu tố bảo vệ tự nhiên như chất pectin; các chất chống ôxy hoá đã được xác định như beta-caroten, chất khoáng selen, các hợp chất flavonoid, polyphenol…
Như vậy, để giúp trẻ phát triển chiều cao tốt hơn, cần cho trẻ ăn đa dạng các thực phẩm tự nhiên thông qua việc chế biến bát bột, bát cháo, bát cơm của trẻ, như vậy mới có thể cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ.
Mỗi ngày trẻ từ 1-3 tuổi chỉ nên uống khoảng 300-400ml sữa bò (đã pha theo công thức) là đủ.
Cần sử dụng sữa sạch
Sữa là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, nhưng cũng là môi trường thuận lợi để các vi khuẩn dễ dàng phát triển. Do vậy sữa khi đưa vào sử dụng cần đảm bảo an toàn không bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn hay biến chất.
Các vi khuẩn xâm nhập vào sữa thường là các vi khuẩn lactic phân hóa sữa sinh ra acid lactic và làm chua sữa; các vi khuẩn sinh hơi như B.Coli, B.Aerogenes làm sữa có mùi vị không ngon; B.Putrificus làm thối chất đạm và hư hỏng sữa; các vi khuẩn lao, Brucelose thường có trong sữa của con vật bị bệnh; vi khuẩn thương hàn, lỵ, tả khi xâm nhập vào sữa sẽ phát triển nhanh và có thể tồn tại lâu.
Sữa có thể bị biến chất do các thành phần có trong sữa bị biến đổi; bị ôxy hóa và sinh ra các chất độc hại do sữa để lâu hoặc bảo quản sữa trong môi trường không đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm dẫn đến sữa bị vón cục, biến màu (chuyển từ màu trắng sang màu vàng , màu xanh hay màu đen), có mùi khét và có vị đắng.
Sữa cũng có thể bị thay đổi mùi vị khi hàm lượng các chất bảo quản cho vào sữa quá cao.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, khi mua sữa cần lưu ý: Phải kiểm tra xem sữa còn hạn sử dụng không, vỏ hộp sữa có bị méo mó hay phồng rộp không. Tuyệt đối không mua khi lô hàng gần hết hạn sử dụng, vỏ hộp không còn nguyên vẹn.
Khi sử dụng nếu thấy có những biểu hiện bất thường như sữa vón; có mùi khét, chua; có vị đắng hoặc nghi ngờ không an toàn thì phải bỏ đi và thông báo ngay đến nơi cung cấp hàng để kịp thời ngăn chặn các vụ ngộ độc do sữa không đảm bảo vệ sinh xảy ra.
Nếu thấy có trẻ em hoặc người lớn có biểu hiện ngộ độc với các triệu trứng: Nôn, đau bụng, đi lỏng… khi dùng bất kỳ loại sữa nào, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.