Sức bật từ cánh đồng điện gió
Việc tận dụng những tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư đã giúp Sóc Trăng biến những bờ biển hoang vu, bãi bồi sình lầy ngày nào trở thành trung tâm năng lượng tái tạo bậc nhất khu vực ĐBSCL.
Những ngày đầu năm 2022, chúng tôi men theo quốc lộ Nam Sông Hậu, đến cầu Mỹ Thanh 2 để ngắm nhìn những trụ tuabin gió cao chót vót, xoay tròn dọc bờ biển xa xa. Đi sâu vào công trường các dự án điện gió (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) là một không gian mênh mông với những thiết bị khổng lồ đập vào mắt. Ở đó, những máy móc siêu trường, siêu trọng vẫn đang lăn bánh trên những con đường ngoằn ngoèo được thảm đá. Với nhiều người dân địa phương, đây là những thiết bị lần đầu họ nhìn thấy, nhất là khi nó có thể lăn bánh trên những bãi bồi, bùn lầy…
Ông Lý Thoát (60 tuổi, người dân tộc Khmer, ngụ xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu) cho biết: “Từ cái ngày trụ tuabin điện gió đầu tiên được dựng lên, tôi và bà con ở đây hết sức ngỡ ngàng. Khó mà tưởng tượng được ở vùng quê xa xôi này lại có được những trụ tuabin gió lớn đến vậy mọc lên. Trước đây, khu vực này là một vùng bãi bồi rộng lớn, chỉ toàn bùn với bùn, người ta bước xuống có khi bị lún sâu không cựa quậy được. Giờ thì mọi việc đã thay đổi đến chóng mặt”. Không chỉ ông Thoát, mà với nhiều người dân bám trụ vùng đất Vĩnh Châu cũng không ngờ có ngày chứng kiến sự “thay da đổi thịt” theo hướng tích cực đến vậy.
Thị xã Vĩnh Châu cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 35km về phía Đông, sở hữu 43km đường bờ biển với đa phần là diện tích rừng phòng hộ và bãi bồi sình lầy ven biển. Trước đây, người ta vẫn hay nhắc về Vĩnh Châu với biệt danh “xứ sở của hành tím” thơm nức một vùng; giờ đây còn nói đến những tuabin điện gió đang từng ngày vươn cao.
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt bổ sung, toàn tỉnh có 20 dự án điện gió, với tổng công suất 1.435MW; trong đó Vĩnh Châu có 18 dự án. Đến nay, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án (tổng công suất 1.295,2MW) và đang triển khai thi công 11 dự án”. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, vẫn có 4 dự án hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại (gồm 26 trụ tuabin gió, tổng công suất 110,8MW). Dự kiến đến cuối năm 2021, có thêm Nhà máy điện gió số 1 đưa vào vận hành, với công suất 30MW. Trong năm 2022, tỉnh sẽ có thêm 6 dự án (tổng công suất 296MW) đưa vào vận hành thương mại, nâng tổng công suất hòa lưới điện quốc gia lên 436,8MW.
Có mặt tại công trường, ông Lê Quốc Hùng, Phó ban Điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn IPC (đơn vị tổng thầu dự án điện gió Hòa Đông 2 và Lạc Hòa 2), cho biết: “Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, quá trình thi công các dự án điện gió gặp khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, tập thể kỹ sư, công nhân công ty vẫn đảm bảo tiến độ các dự án theo kế hoạch”.
Từ khi các dự án điện gió được triển khai, đường sá trong vùng đã được nâng cấp, mở rộng khang trang, bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa khá thuận tiện, dễ dàng. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, nhận định: “Các dự án điện gió thật sự đang làm thay đổi diện mạo từng ngày tại địa phương. Điện gió đóng góp đáng kể trong tăng thu ngân sách và là điều kiện quan trọng giúp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương diễn ra thuận lợi. Bên cạnh đó, còn giải quyết việc làm cho lao động”.
Chia sẻ về lĩnh vực kêu gọi đầu tư năng lượng tái tạo trên địa bàn, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đánh giá: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động đến đời sống, sản xuất của người dân, việc phát triển nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường là rất cần thiết và cấp bách. Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế có sẵn, tỉnh Sóc Trăng đang tạo điều kiện thuận lợi nhất để kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió. Với những kết quả đạt được, trong tương lai không xa, Sóc Trăng sẽ trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo của vùng ĐBSCL”.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.