“Sức nóng” từ Hội trường Diên Hồng của Quốc hội
Năm ngày làm việc trong tuần, Quốc hội dành tới 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn về nhiều vấn đề được cử tri hết sức quan tâm.
Nhiều chất vấn để lại ấn tượng tốt đẹp; không có lợi ích nhóm trong biên soạn sách giáo khoa; chỉ nên có hai mức lấy phiếu tín nhiệm … là những thông tin được dư luận nhân dân và cử tri cả nước quan tâm theo dõi, phản hồi trong tuần làm việc thứ năm của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13.
Cử tri quan tâm nhiều hơn tới Quốc hội
Với 165 chất vấn của 60 vị đại biểu Quốc hội gửi tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành; hơn 3.700 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến Kỳ họp thứ 8, nhiều gấp rưỡi so với Kỳ họp thứ 7 cho thấy “sức nóng” của các vấn đề kinh tế – xã hội cần được giải đáp một cách cụ thể, công khai.
Năm ngày làm việc trong tuần, thì Quốc hội dành tới 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Trước khi tiến hành chất vấn Quốc hội nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về việc triển thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ kỳ họp thứ 6 đến nay. Đây là điểm mới so với các kỳ họp trước, giúp các đại biểu và cử tri có cái nhìn tổng thể, đối chiếu, so sánh giữa lời hứa với việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ.
Quốc hội đã lựa chọn 4 vị Bộ trưởng, gồm: Bộ trưởng bộ Công Thương, Bộ trưởng bộ Nội vụ, Bộ trưởng bộ Giao thông – Vận tải; Bộ trưởng bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để chất vấn “những nội dung rất cụ thể, rất nóng bỏng nhưng rất chiến lược”. Đó là vấn đề công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế tạo; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái; kết cấu hạ tầng giao thông; các biện pháp giảm tai nạn giao thông; cải cách hành chính, chất lượng đội ngũ công chức; chính sách cán bộ, tiền lương và vấn đề lao động việc làm, giảm nghèo, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội.
ùng chia sẻ, giải trình làm rõ thêm một số nội dung liên quan trước Quốc hội còn có Phó Thủ tướng và một số thành viên chính phủ. Hàng loạt chất vấn đã được trả lời công khai với góc nhìn đa chiều. Không khí chất vấn sôi nổi, làm rõ nhiều vấn đề thiết thực, cụ thể mà cử tri mong đợi. Nhiều lời hứa của các vị bộ trưởng đã được ghi nhận để đại biểu theo dõi, đánh giá trong các kỳ họp tiếp theo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành nhiều thời gian báo cáo trước Quốc hội, làm rõ thêm một số vấn đề chiến lược về kinh tế – xã hội, đồng thời trả lời chất vấn trực tiếp của các vị đại biểu Quốc hội về giải pháp phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long; giải quyết đất sản xuất cho hơn 300 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số; Nên hay không nên thành lập Bộ Kinh tế biển; Giải pháp xử lý nợ xấu và vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trong quan hệ với Trung Quốc.
Phần trả lời của Thủ tướng đã được nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội đánh giá là “ấn tượng và có thông điệp rõ ràng”. Thời gian trả lời chất vấn không nhiều, nên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa sẽ trả lời bằng văn bản tới đại biểu có chất vấn và đăng công khai trên mạng thông tin điện tử Chính phủ.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Chúng ta đã thu được kết quả tốt, được đồng bào, cử tri đồng tình hưởng ứng, có phản hồi tích cực. Trong chừng mực nào đó các đại biểu đã gợi ý có chất lượng đối với những việc của Chính phủ và các bộ, ngành. Chúng ta ghi nhận và phối hợp với Chính phủ quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2015.
Không có lợi ích nhóm trong làm sách giáo khoa
Đúng vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Quốc hội thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Hàng trăm ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội được tổng hợp từ phiên thảo luận tại tổ và phát biểu tại hội trường (được phát thanh truyền hình trực tiếp) cho thấy: giáo dục phổ thông đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần đổi mới đồng bộ.
Theo các đại biểu, mục tiêu của Đề án cần được làm rõ là nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tải học hành để học sinh có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện thể lực; giáo dục đạo đức, nhân cách làm người trước khi dạy kiến thức; bộ sách giáo khoa mới là cần thiết để “không cướp đi tuổi thơ tươi vui của thế hệ trẻ…
Một số ý kiến cho rằng, không nên để Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách vì không công bằng, tạo ra độc quyền, dẫn đến chất lượng kém. Do đó phương án xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa được nhiều đại biểu bàn luận.
Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể các điều kiện cũng như quyền lợi người tham gia biên soạn, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, biên soạn nhiều, tốn kém, sách làm ra nhiều nhưng không sử dụng được do không đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Nội dung sách giáo khoa phải trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những nội dung tốt của bộ sách hiện tại, rèn được tư duy sáng tạo cho học sinh, rèn chữ kết hợp với rèn người, đồng thời có dự báo để bộ sách giáo khoa được sử dụng lâu hơn, tránh tình trạng sửa đi sửa lại. Cần thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia để người biên soạn tuân thủ nội dung chương trình chuẩn do hội đồng này thông qua và đảm bảo tính độc lập của Hội đồng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và các chuyên gia trên cơ sở rút kinh nghiệm những lần trước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định: Phương án xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là do Bộ đề xuất và sẽ xảy ra hai khả năng: một là tạo ra bộ sách giáo khoa tốt; hai là không có sách giáo khoa đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn. Chính vì thế Bộ cùng tham gia biên soạn để khả năng nào xảy ra cũng có được một bộ sách giáo khoa tốt, đạt chuẩn. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cam kết: “Tuyệt nhiên không có vấn đề lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm”.
Có ý kiến cử tri cho rằng, Quốc hội chọn ngày Nhà giáo Việt Nam để bàn về giáo dục phổ thông cũng là cách để đồng bào và cử tri cả nước, nhất là những nhà giáo, các bậc phụ huynh nắm bắt thông tin rõ hơn, quan tâm hơn và cùng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với ngành giáo dục đào tạo trong sự nghiệp trồng người.
Chỉ nên có hai mức phiếu tín nhiệm
Tuần qua còn có một nội dung được thảo luận tại hội trường rất sôi nổi là dự thảo Nghị quyết sửa đổi về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Trong số 10 ý kiến phát biểu, thì có tới 8 ý kiến đại biểu đồng ý với phương án lấy hai mức phiếu là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”; Mỗi nhiệm kỳ lấy phiếu hai lần.
Những đại biểu đồng tình hai mức phiếu cho rằng, đó là cách thể hiện rõ nhất sự đánh giá của cử tri đối với người giữ chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; việc lấy phiếu tín nhiệm ba mức như dự thảo là chưa phù hợp dẫn đến hệ quả “chưa cần lấy phiếu đã mặc định trước kết quả: tất cả các chức danh đều được tín nhiệm”; “Lấy phiếu tín nhiệu hai mức mới dễ lượng hóa mức độ tín nhiệm với mỗi người được lấy phiếu. Lấy ba mức như hiện nay rất khó đánh giá ai tốt hơn ai”.
Về sự cần thiết hai lần lấy phiếu trong một nhiệm kỳ, theo nhiều đại biểu là “để những người được lấy phiếu có cơ hội khẳng định sự nỗ lực của mình, nếu lần đầu họ bị tín nhiệm thấp”. Nếu người nào có quá nửa đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì nên từ chức, nếu không Quốc hội, Hội đồng nhân dân sẽ tiến hành thủ tục bãi nhiệm, bãi miễn theo quy định. Những người được lấy phiếu phải kê khai tài sản trung thực và kê khai thu nhập cá nhân; nghiêm cấm lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu dưới bất kỳ hình thức nào.
Dự kiến tại phiên họp tuần tới, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết này và được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Cũng trong tuần qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 dự án luật là: Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật căn cước công dân, Luật hộ tịch; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
Tuần cuối cùng của kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua nhiều dự án luật và dự thảo nghị quyết, đồng thời họp phiên bế mạc./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.