Tài liệu tuyên truyền bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Ủy ban bầu cử Đại biểu Quốc hội  khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tỉnh Tiền Giang vừa ban hành tài liệu tuyên truyền chuyên đề “Quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”. Trang Thông tin điện tử của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tiền Giang trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung tài liệu này:

Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức vào ngày, tháng, năm nào? Có ý nghĩa chính trị như thế nào?
– Theo Nghị quyết số 105/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội, ngày bầu cử sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật 22 tháng 5 năm 2016.
– Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và của tỉnh; được tổ chức vào thời điểm cả nước đã giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực theo các chỉ tiêu kinh tế – xã hội đã đặt ra đối với cả nhiệm kỳ 2011-2016 của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Đây cũng là thời điểm các cấp, các ngành tập trung triển khai và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ X và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUỐC HỘI
1. Vị trí, chức năng của Quốc hội được pháp luật quy định như thế nào?
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội (QH) thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
2. Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?
– Đại biểu QH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong QH.
– Đại biểu QH chịu trách nhiệm trước cử tri và trước QH về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
– Đại biểu QH bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của QH.
3. Để trở thành đại biểu Quốc hội cần có những tiêu chuẩn gì?
Tiêu chuẩn của đại biểu QH là cần thiết, làm cơ sở để cử tri lựa chọn và bầu ra được những đại biểu đủ đức, đủ tài, xứng đáng làm đại biểu QH. Tiêu chuẩn của đại biểu QH quy định như sau:
– Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
– Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
– Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu QH.
– Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
– Có điều kiện tham gia các hoạt động của QH.
4. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm gì với cử tri?
Đại biểu QH liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với QH, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
Đại biểu QH tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu QH. Đại biểu QH tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, đại biểu QH có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và QH; cử tri hoặc đại diện cử tri ở đơn vị bầu cử có thể góp ý kiến với đại biểu QH tại hội nghị cử tri do Đoàn đại biểu QH phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương tổ chức trong trường hợp cần thiết.
5. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân như thế nào?
– Đại biểu QH có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
– Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu QH có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu QH về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
– Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu QH có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu QH yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.

6. Quyền hạn của đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?
Đại biểu Quốc hội có các quyền hạn sau:
– Quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh.
– Quyền tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của QH.
– Quyền ứng cử, giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do QH bầu.
– Quyền chất vấn.
– Quyền kiến nghị của đại biểu QH.
– Quyền yêu cầu khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.
– Quyền yêu cầu cung cấp thông tin.
– Quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân.
– Quyền miễn trừ của đại biểu QH.
B. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?
– HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
– HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND.
2. Để trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân cần có những tiêu chuẩn gì?
Tiêu chuẩn của đại biểu HĐND được quy định như sau:
– Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
– Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
– Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND.
– Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

3. Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát thông qua những hoạt động nào?
HĐND thực hiện quyền giám sát thông qua những hoạt động sau:
– Xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp;
– Xem xét báo cáo của UBND cùng cấp về tình hình thi hành Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp;
– Xem xét văn bản của UBND cùng cấp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp;
– Xem xét trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp;
– Thành lập Đoàn giám sát về một vấn đề nhất định khi xét thấy cần thiết và xem xét kết quả giám sát của Đoàn giám sát.
4. Căn cứ vào kết quả giám sát, Hội đồng nhân dân có các quyền gì?
Căn cứ vào kết quả giám sát, HĐND có các quyền sau:
– Yêu cầu UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp ban hành văn bản để thi hành Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của HĐND;
– Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản của UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp trái với Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND;
– Ra nghị quyết về trả lời chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn khi xét thấy cần thiết;
– Miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của HĐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và Ủy viên UBND.
5. Trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?
– Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.
– Sau mỗi kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.
6. Trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân quy định như thế nào?
– Đại biểu HĐND có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
– Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu HĐND về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn do pháp luật quy định.
– Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu HĐND có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu HĐND yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.
7. Quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?
– Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn.
– Trong thời gian HĐND họp, đại biểu HĐND gửi chất vấn đến Thường trực HĐND cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND tại kỳ họp đó. Trong trường hợp cần điều tra, xác minh thì HĐND có thể quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau của HĐND hoặc cho trả lời bằng văn bản gửi đến đại biểu đã chất vấn và Thường trực HĐND.
– Trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND, chất vấn của đại biểu HĐND được gửi đến Thường trực HĐND cùng cấp để chuyển đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn trả lời chất vấn.
8. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền gì?
– Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của đại biểu HĐND, cơ quan, tổ chức phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đại biểu HĐND biết. Quá thời hạn này mà cơ quan, tổ chức không trả lời thì đại biểu HĐND có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên xem xét, giải quyết.
C. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc nào?
Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
2. Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử quy định là bao nhiêu tuổi?
Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
3. Pháp luật quy định Cử tri là gì?
– Cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật đều có quyền bầu cử.
– Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
4. Việc lập danh sách cử tri phải theo nguyên tắc nào?
Nguyên tắc lập danh sách cử tri được quy định như sau:
– Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp pháp luật quy định không được ghi tên vào danh sách cử tri.
– Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
– Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu QH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.
– Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến UBND cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu đại biểu QH và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu QH và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).
– Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu QH và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
5. Những trường hợp nào không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri?
Những trường hợp sau không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri:
– Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.
– Người thuộc các trường hợp quy định nêu trên nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri theo quy định.
– Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu QH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu QH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
– Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu QH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu QH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
– Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì UBND cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

6. Thẩm quyền lập danh sách cử tri quy định như thế nào?
Thẩm quyền lập danh sách cử tri quy định như sau:
– Danh sách cử tri do UBND cấp xã lập theo từng khu vực bỏ phiếu.
– Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân. Quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương gần khu vực đóng quân có thể được chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Khi cấp giấy chứng nhận, chỉ huy đơn vị phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại đơn vị vũ trang nhân dân bên cạnh tên người đó cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi cư trú”.

7. Việc niêm yết danh sách cử tri được quy định như thế nào?
Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.

8. Khiếu nại về danh sách cử tri được quy định như thế nào?
Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh, sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

9. Cử tri đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở nơi khác không?
Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của UBND cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu QH, đại biểu HĐND cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, UBND cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

10. Những trường hợp nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân?
Những trường hợp sau không được ứng cử đại biểu QH và đại biểu HĐND:
– Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
– Người đang bị khởi tố bị can.
– Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
– Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
– Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

11. Hội nghị cử tri được quy định như thế nào?
– Hội nghị cử tri ở xã, phường, thị trấn được tổ chức tại tổ dân phố nơi người ứng cử đại biểu QH cư trú thường xuyên do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với UBND cùng cấp triệu tập và chủ trì.
Người ứng cử đại biểu QH, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giới thiệu người ứng cử được mời tham dự hội nghị.
– Hội nghị cử tri ở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội do ban lãnh đạo tổ chức triệu tập và chủ trì; hội nghị cử tri ở cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phối hợp với ban chấp hành công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì; hội nghị cử tri ở đơn vị vũ trang nhân dân là hội nghị quân nhân do lãnh, đạo, chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì.
Người ứng cử đại biểu QH được mời tham dự hội nghị.
– Tại hội nghị cử tri, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu QH, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu QH bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín theo quyết định của hội nghị.
– Biên bản hội nghị cử tri lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu QH phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị. Biên bản hội nghị cử tri tại nơi cư trú lấy ý kiến về người do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương giới thiệu ứng cử được gửi đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Biên bản hội nghị cử tri lấy ý kiến về người tự ứng cử, người do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu ứng cử được gửi đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.

12. Cơ quan, tổ chức, đơn vị nào có trách nhiệm xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội?
– Đối với vụ việc ở nơi công tác: cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người ứng cử có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.
Trường hợp người ứng cử đại biểu QH là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xác minh và trả lời. Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị không có cấp trên trực tiếp quản lý thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định, thành lập cơ quan, tổ chức, đơn vị đó có trách nhiệm xác minh và trả lời.
– Đối với vụ việc ở khu dân cư: cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.
– Đối với người tự ứng cử đại biểu QH: Ủy ban bầu cử ở tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người đó hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.
Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, việc xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu QH phải được tiến hành xong.

13. Danh sách những người ứng cử được niêm yết như thế nào?
Chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH, ứng cử đại biểu HĐND ở khu vực bỏ phiếu.

14. Việc khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử được giải quyết như thế nào?
Công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị được thực hiện như sau:
+ Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu QH, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu QH được gửi đến Ban bầu cử đại biểu QH, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng;
+ Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu HĐND, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND ở cấp nào thì được gửi tới Ban bầu cử đại biểu HĐND ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định, cuối cùng;
+ Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhận được theo thẩm quyền.

15. Thời hạn tạm ngừng việc xem xét khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử được quy định như thế nào?
– Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.
Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu QH, đại biểu HĐND thì Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với bầu cử đại biểu QH) hoặc Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu HĐND) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.
– Không xem xét, giải quyết đối với những đơn tố cáo không có họ, tên người tố cáo hoặc mạo danh người khác để tố cáo.
– Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Ủy ban bầu cử ở huyện, Ủy ban bầu cử ở xã chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Ủy ban thường vụ QH hoặc Thường trực HĐND khóa mới ở cấp tương ứng để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

16. Vận động bầu cử là gì? Việc vận động bầu cử phải bảo đảm những nguyên tắc nào?
– Vận động bầu cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc của người ứng cử với cử tri và các phương tiện thông tin đại chúng. Mục đích của việc tổ chức vận động bầu cử là tạo điều kiện cho người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu QH, đại biểu HĐND; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử, trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu QH, đại biểu HĐND.
– Việc vận động bầu cử phải được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
+ Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
+ Người ứng cử đại biểu QH, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.
+ Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

17. Thời gian, hình thức tiến hành vận động bầu cử?
– Thời gian tiến hành vận động bầu cử:
Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.
– Hình thức vận động bầu cử: việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức sau:
+ Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử.
+ Thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

18. Hội nghị tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử do ai tổ chức và có những nội dung gì?
– Hội nghị tiếp xúc cử tri do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu QH, ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.
Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp với UBND cấp xã tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.
UBND nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri tham dự đông đủ.
– Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri gồm các nội dung sau:
+ Tuyên bố lý do;
+ Đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử;
+ Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu QH, đại biểu HĐND;
+ Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm;
+ Người chủ trì hội nghị phát biểu ý kiến kết thúc hội nghị.
– Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu QH, ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu QH gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương mình gửi đến Ủy ban bầu cử cùng cấp và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.

19. Vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng gồm những nội dung gì?
– Người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu QH khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu QH của Hội đồng bầu cử quốc gia.
– Người ứng cử đại biểu HĐND trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử (nếu có).
– Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử.
– UBND cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử đại biểu QH, ứng cử đại biểu HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

20. Những hành vi nào bị cấm trong vận động bầu cử?
Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử bao gồm:
– Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.
– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.
– Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.
– Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

21. Việc bỏ phiếu bầu đại biểu QH, đại biểu HĐND phải tuân theo những nguyên tắc nào?
Nguyên tắc bỏ phiếu của cử tri được quy định như sau:
– Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu QH và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND.
– Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp cử tri không tự viết được phiếu bầu, ốm đau, già yếu, khuyết tật; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
– Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
– Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
– Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
– Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
– Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
– Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

22. Việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào? Việc bỏ phiếu có thể bắt đầu sớm và kết thúc sớm hoặc muộn hơn không?
– Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.
– Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.

23. Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử có phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri không?
Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri. Đây cũng là hình thức để cử tri trực tiếp giám sát cuộc bầu cử nhằm đảm bảo tính công khai, khách quan và thực hiện nguyên tắc nhân dân kiểm tra.

24. Việc kiểm phiếu được tiến hành khi nào?
Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.
Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu bầu không sử dụng đến và phải mời hai cử tri không phải là người ứng cử chứng kiến việc kiểm phiếu.
Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.

25. Những phiếu bầu cử nào bị coi là phiếu không hợp lệ?
Những phiếu bầu sau đây là phiếu bầu không hợp lệ:
– Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra;
– Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;
– Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử;
– Phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử;
– Phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.
Trường hợp có phiếu bầu được cho là không hợp lệ thì Tổ trường Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên ghi trên phiếu bầu.

26. Những khiếu nại, tố cáo tại chỗ về kiểm phiếu được quy định như thế nào?
Những khiếu nại, tố cáo tại chỗ về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc kiểm phiếu do Tổ bầu cử nhận, giải quyết và ghi nội dung giải quyết vào biên bản.
Trong trường hợp Tổ bầu cử không giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ bầu cử vào biên bản giải quyết khiếu nại, tố cáo và chuyển đến Ban bầu cử.

27. Việc công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử được tiến hành như thế nào?
Việc công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử như sau:
– Hội đồng bầu cử quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử.
– Ủy ban bầu cử căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND ở cấp mình chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.

28. Thời hạn giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử được quy định như thế nào?
Việc giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử quy định như sau:
– Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu QH phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu QH.
Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu QH trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
– Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu HĐND phải được gửi đến Ủy ban bầu cử chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND.
Ủy ban bầu cử có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu HĐND trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
– Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.

29. Vi phạm pháp luật về bầu cử bị xử lý như thế nào?
Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự./.

Nguồn: Ủy Ban bầu cử Đại biểu Quốc hội  khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tỉnh Tiền Giang