Tan nát rừng phòng hộ Tây Nguyên: Đua nhau “tàn sát’’ rừng xanh
Rừng phòng hộ Tây Nguyên là mái nhà chắn lũ, giữ nước cho các tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ. Nhưng thời gian qua, hàng ngàn héc-ta rừng phòng hộ ở Tây Nguyên lần lượt “bị đốn ngã’’ để lấy đất làm thủy điện, trồng cây công nghiệp, nương rẫy…
Rừng phòng hộ bị đốt phá tại lâm phần của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín
Đi khắp vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, chúng ta dễ dàng gặp cảnh những cánh rừng phòng hộ vừa bị chặt hạ, đốt cháy nham nhở… Trong lúc đó, cơ quan chức năng địa phương chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Phá rừng trồng tiêu
Tây Nguyên đang bước vào những ngày cuối của mùa khô, vài cơn mưa đầu mùa phần nào đã xua tan được nắng hạn kéo dài và làm nhiều con đường rừng càng thêm lầy lội, trơn trượt. Xe máy, xe cày, ô tô… chen chúc nhau trên con đường đất nhầy nhụa đi vào lâm phần của Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha (ở xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long, Đắk Nông) do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa quản lý. Trước mắt chúng tôi, cảnh tượng phá rừng diễn ra vô cùng dữ dội, tiếng cưa máy vang giòn tứ phía, nhiều cột khói bốc lên như thiêu đốt trời hè. Hàng chục héc-ta rừng chỉ còn là “bãi chiến trường”, nhiều cây gỗ lớn có đường kính 0,5 – 0,6m bị cháy đen, đổ xuống ngổn ngang. Rất nhiều cây lớn khác được cưa cẩn thận thành những lóng gỗ tròn, dài và thẳng tắp. Theo giải thích của một cán bộ kiểm lâm huyện Đắk G’long, những cây gỗ này không bị đưa đi tiêu thụ vì người phá sẽ dùng chính cây rừng này để dựng trụ trồng tiêu ngay trên phần đất rừng vừa bị chặt phá.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến khu rừng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín (ở xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông), cũng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa quản lý. Mặc dù đã được một cán bộ có trách nhiệm cảnh báo có thể gặp nguy hiểm nếu đi vào “điểm nóng” nhưng tôi và một đồng nghiệp vẫn đi xe máy vào khu vực Cầu Gỗ (xã Quảng Thành). Dừng chân trên một quả đồi quan sát, trước mắt chúng tôi hiện ra nhiều đám cháy theo kiểu “da báo”, những tiếng nổ lách tách của cây gỗ tươi bị đốt, khói đen phủ kín một vùng trời. Càng đi vào sâu, rừng càng bị phá khốc liệt hơn. Dọc hai bên đường, cây rừng chỉ còn một vài vạt mỏng theo kiểu “ngụy trang” cho những căn nhà tạm, những khu đất trống, những đồi sắn, cà phê, tiêu… xanh tốt trải dài phía trong. Ngay bên đường xuất hiện một đám cháy lớn, ngọn lửa đỏ ôm trọn một vạt rừng, khói bốc cao cả chục mét. Cả trăm cây gỗ lớn lần lượt gục xuống, nằm la liệt.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2015 đến nay, trên lâm phần do Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín quản lý đã xảy ra 51 vụ phá rừng, làm thiệt hại gần 110ha rừng tự nhiên. Một chiến sĩ Công an thị xã Gia Nghĩa tại chốt trực của lâm trường Nghĩa Tín cho biết, tình trạng người dân chặt phá, đốt rừng nơi đây để trồng cây lâu năm như: tiêu, cà phê… đã diễn ra từ nhiều năm qua. Trước thực trạng này, Công an thị xã Gia Nghĩa đã thành lập chuyên án, lập chốt chặn và cử cán bộ thường xuyên theo dõi, báo cáo tình hình phá rừng trên địa bàn. Nhưng hiện tại, việc phá rừng tại đây vẫn chưa được ngăn chặn, người dân vẫn lén lút chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp từng ngày.
Bỏ mặc rừng sinh thái
Vào năm 2005, Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (Dakruco) được UBND tỉnh Đắk Lắk giao hơn 1.300ha đất rừng ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) để làm khu du lịch sinh thái. Đến năm 2013, Dakruco bàn giao diện tích rừng này cho Công ty CP Thương mại và Du lịch Bản Đôn để đơn vị này tiếp tục kinh doanh du lịch. Do kinh doanh không có hiệu quả, khu du lịch này sau đó đã ngừng hoạt động và bỏ mặc cho rừng bị phá.
Từ đường chính đi vào Khu du lịch sinh thái Bản Đôn khoảng 2km, chúng tôi thấy nhiều cây gỗ lớn (đường kính khoảng 0,4m) bị đốn hạ để ven đường. Trong các lối mòn của khu rừng, hàng chục cây căm xe, cà chít… nằm ngổn ngang. Nhiều cây gỗ bị đốn hạ từ lâu, lâm tặc đã lấy đi phần “nạc”, chỉ còn lại phần ngọn và lá nằm chỏng chơ. Nhiều cây mới bị hạ, nhựa ứa ra quanh gốc, thân khá tươi và lâm tặc chưa kịp lấy gỗ đi. Chỉ trong bán kính khoảng 1km, chúng tôi đếm được 70 cây gỗ quý vừa bị chặt hạ. Đến thêm một số điểm khác, số gỗ quý bị lâm tặc chặt hạ lên tới cả trăm cây. Trong đó, có những cây lim lớn đường kính khoảng trên 1m, còn lại chủ yếu các loại cây cà chít, căm xe đường kính từ 0,3 – 0,6m. Sau khi đốn hạ cây, lâm tặc thường xẻ gỗ thành các lóng tròn (dài từ 1 – 1,5m) ngay tại gốc và vận chuyển ra ngoài bằng các máy cày độ chế.
Dù khu rừng bị phá rất gần trung tâm Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, nhưng ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Bản Đôn, lại bảo rằng: “Trách nhiệm chính trong việc quản lý bảo vệ rừng là của Dakruco, còn chúng tôi chỉ phối hợp khi có yêu cầu. Nhưng công ty mới hoạt động trở lại vào tháng 4-2015, hiện chỉ có một nhân viên bảo vệ ở lại trông coi tài sản nên việc phối hợp gần như là không thể”.
Theo ông Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, chủ rừng phải có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ rừng, trong trường hợp nghiêm trọng có thể yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp. Nhưng do kinh doanh không hiệu quả, Dakruco đã buông lỏng công tác quản lý và bảo vệ rừng, tạo cơ hội cho lâm tặc vào chặt hạ nhiều cây gỗ quý. Sau khi UBND xã Krông Na báo cáo sự việc, vào tháng 9-2014, UBND huyện Buôn Đôn đã điều động Đoàn 12/08 của huyện túc trực thường xuyên tại khu rừng sinh thái Bản Đôn và đã ngăn chặn đáng kể tình trạng chặt phá rừng tại đây. Nhưng đến cuối năm 2014, sau khi Đoàn 12/08 rút đi, tình trạng phá rừng tại rừng sinh thái lại tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện các vụ phá rừng quy mô lớn.
Xe chở gỗ chạy nghênh ngang
Xe chở gỗ không có dấu búa kiểm lâm chạy nghênh ngang trên tỉnh lộ 675 (đoạn qua huyện Sa Thầy, Kon Tum)
Sau 5 năm trở lại thăm xã Ia Tăng (huyện Sa Thầy, Kon Tum), tôi không thể tin vào mắt mình khi những cánh rừng đặc dụng nơi đây đã biến mất nhanh chóng như vậy. Dọc theo tỉnh lộ 675 từ suối Lách đi vào khu Bãi Cháy (thuộc địa phận xã Ia Tăng), những cánh rừng xanh tốt ngày nào nay đã nhường chỗ cho nương rẫy trồng mì, bắp, cà phê… Từng tốp xe máy cọc cạch của người dân địa phương mang theo máy cưa xăng nối đuôi vào rừng xẻ gỗ. Đi theo một đoàn xe máy vào sâu trong rừng phòng hộ của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sa Thầy tại khu vực Bãi Cháy, chúng tôi thấy nhiều vạt rừng từ 2 – 5ha bị đốn ngã rạp, có cả cây lớn lẫn cây bé. Nếu chỉ đi dọc ngoài bìa rừng nằm cạnh tỉnh lộ 675, không thể phát hiện được rừng bị phá tan nát như thế vì lâm tặc để lại làm lá chắn. Còn những cách rừng nằm cách con đường này chưa đầy 1km, lâm tặc đã chặt hạ lấy đất làm rẫy.
|
Đi tiếp vào những khu vực rừng đặc dụng nằm cạnh suối Nước Mương (ở xã Ia Tăng) đã giao cho các doanh nghiệp quản lý và bảo vệ, chúng tôi bắt gặp nhiều xe tải chở những cây gỗ lớn chạy băng băng từ rừng đi ra. Bám theo xe tải BKS 82C-006… chở gỗ từ rừng Nước Mương chạy ra, chúng tôi thấy nhiều cây gỗ lớn dài hơn cả thùng xe nhưng không hề có dấu búa kiểm lâm. Chiếc xe trên chạy từ xã Ia Tăng, ra thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) rồi về TP Kon Tum mà không gặp sự kiểm tra, giám sát nào của lực lượng chức năng. Một người dân ở thị trấn Sa Thầy cho hay: Nhiều xe chở gỗ như thế này vẫn hoạt động từ lâu. Các xe đều chất đầy và đi ngang qua thị trấn Sa Thầy vào khoảng 17 giờ hàng ngày. Chúng tôi bám theo một xe chở gỗ để tìm hiểu xem số lượng gỗ này được vận chuyển về đâu, nhưng sau đó bị lâm tặc nghi vấn nên xe chở gỗ liên tục dừng lại quan sát và khi đến xã Kroong (TP Kon Tum) thì một ô tô con xuất hiện và liên tục bám theo nhất cử nhất động của chúng tôi.
Nhưng khi chúng tôi cho xem những hình ảnh phá rừng ở huyện Sa Thầy, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, lại đổ lỗi cho việc “lực lượng kiểm lâm mỏng”. “Việc phá rừng, xâm chiếm rừng làm nương rẫy trên địa bàn tỉnh đã gây không ít khó khăn cho những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng. Thậm chí, người dân còn canh chừng kiểm lâm để lẻn vào rừng chặt phá. Toàn tỉnh có khoảng 600.000ha rừng nhưng chỉ có 266 kiểm lâm bảo vệ rừng, tính ra mỗi người quản lý hàng chục ngàn héc-ta thì làm sao quản lý hết’’, ông Nam phân trần.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.