Tân Phú Đông: Cây trồng “gồng mình” chịu hạn
Mùa khô, sản xuất nông nghiệp ở Tân Phú Đông gần như chựng lại. Trên những cánh đồng lúa trong vùng dự án Phú Thạnh – Phú Đông, mặt ruộng khô nứt nẻ xé toạc gốc rạ. Các kinh, mương nội đồng đã khô cạn từ lâu. Những vườn cây ăn trái, liếp màu đứng “trân mình” chờ mưa xuống.
Vườn nhãn của ông Lê Văn Thành, ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh đã bị “khát” trên 1 tháng nay.
|
Tại khu vực trồng nhãn tập trung ở ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh, tuyến kinh dọc đường lộ dẫn vào ấp cạn sát đáy, phèn xịt lên vàng quánh. Trên vườn nhãn, các mương đã phơi đáy từ lâu, đất khô trắng nứt ra từng vạt. “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, vườn nhãn 2 ha của tôi không một lần được tưới nước thì làm sao không xơ xác cho được” – ông Lê Văn Thành, ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh vừa nói vừa chỉ tay về phía vườn nhãn cằn cỗi phía bên nhà.
Trên đường hướng về vùng chuyên canh nhãn của xã Phú Thạnh trong những ngày cao điểm mùa khô, đường đá xanh bụi bay mù mịt, cái nóng hừng hực xông lên như muốn thiêu đốt người đi đường. Tuyến kinh dẫn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vùng giờ chỉ còn đọng lại vài vũng nước vàng như nghệ. Kinh không còn nước đồng nghĩa với việc 110 ha nhãn trong vùng phải chịu “khát”. Theo ông Thành, hàng năm, ăn Tết Nguyên đán xong là mương, kinh dẫn nước ngọt cho khu vực này bắt đầu cạn hết cho đến khi mưa trở lại. Chịu “khát” từ 3 đến 4 tháng, cây trồng nào “cừ” đến mấy cũng phải xuống sức. “Mấy cây quýt, cam trồng xen trong vườn không chịu nỗi đã rũ lá mấy ngày qua. Còn nhãn xuống thấy rõ, lá xác xơ, ngưng ra hoa. Những cây đã ra hoa cũng rụng hết cho đến khi mưa trở lại. Do ảnh hưởng khô, hạn, cây trồng ở đây chỉ cho trái 1 vụ trong năm và vụ cho trái năng suất cũng không cao. Tuổi thọ của cây cũng ngắn hơn những cây cùng loại trồng ở nơi khác. Chúng tôi suy nghĩ mãi vẫn chưa biết trồng cây gì chịu hạn giỏi, hiệu quả cao ở vùng này” – ông Thành bày tỏ.
Không riêng gì cây nhãn, những cây trồng vốn có khả năng chịu hạn rất tốt như cây dừa, sả ở vùng dự án cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Ông Lương Công Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh cho biết, mỗi mùa khô đến, các cống trong vùng dự án Phú Thạnh – Phú Đông đóng ngăn mặn mấy tháng trời. Nước trong kinh cạn hoặc bị nhiễm phèn nặng không thể dùng cho tưới tiêu. Năm nay, mặn đến sớm, tình hình khô hạn nghiêm trọng hơn mọi năm nên cây trồng cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn. “Trên địa bàn xã hiện còn chủ yếu nhãn, dừa và sả và chúng đang bị thiếu nước nghiêm trọng. Biểu hiện tác động rõ nhất của thiếu nước đối với nhãn và dừa là không thể đậu trái, cây suy rất nhanh. Còn cây sả thì bị teo thân, nhỏ bụi, thậm chí bị cháy lá. Do nắng gay gắt hiện nay, một số diện tích sả đã bị cháy lá”- ông Phú nói.
Rời vùng dự án trữ ngọt, ngăn mặn Phú Thạnh – Phú Đông, chúng tôi đến các xã phía Tây, nơi chưa có hệ thống đê bao ngăn mặn. Tại đây, nước mặn tràn ngập vào các kinh, mương, liếp vườn cây ăn trái. Tại khu vực phía Nam Tỉnh lộ 877B của xã Tân Phú, nước mặn xâm nhập tận các mương, liếp mãng cầu. Dù rằng giải pháp cây mãng cầu ghép gốc bình bát của người dân cù lao đã giúp loại cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh của huyện cù lao tăng khả năng chống chịu với hạn, mặn, song trước tình hình nắng nóng, mặn xâm nhập kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.
Ông Nguyễn Văn Bo, ấp Tân Ninh (xã Tân Phú), cho biết mùa khô, cây mãng cầu thường bị chựng lại không phát triển được, năng suất cho trái giảm đáng kể, một số cây còn bị suy kiệt. “Cây suy thấy rõ, tỷ lệ đậu hoa, cho trái rất thấp. Dù biết cây suy kiệt nhưng không ai dám bón phân cho cây do không có nước tưới. Kết quả, khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, cây mãng cầu giảm khoảng 50-60% năng suất cho trái so với mùa mưa; trái thu hoạch cũng nhỏ hơn rất nhiều so với mùa mưa. Riêng năm nay, cây mãng cầu giảm năng suất cho trái khoảng 30-40% so với mọi năm. Với tinh hình này, dự báo mùa khô năm nay, người dân trồng mãng cầy cầu giảm thu nhập rất đáng kể.” – ông Bo nói.
Còn anh Phạm Văn Dẫn cùng ấp Tân Ninh cho biết, không biết có phải do nước mặn hay không, từ trong Tết đến nay, vườn mãng cầu của anh chết khoảng 30% – 40%. Cây chết rất nhanh chỉ diễn ra trong khoảng 1 tuần. Khi lật gốc lên, bộ rễ bị thối hết. “Không riêng gì vườn của tôi, nhiều vườn mãng cầu nằm ngoài khu bao đê ở khu vực này cũng bị như thế. Trong khi đó, những vườn phía Bắc tỉnh lộ (không bị nước mặn xâm nhập), cây không bị chết” – anh Dẫn bày tỏ.
Nói về những tác động của hạn, mặn đối với cây trồng ở Tân Phú Đông, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, cũng như mọi năm, hạn, mặn đã và đang tác động bất lợi đến đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng trên địa bàn huyện. Năm nay, hạn, mặn đến sớm và gay gắt hơn mọi năm, cây trồng bị ảnh hưởng bất lợi nhiều hơn. Mùa khô năm nay, huyện có 60 ha lúa sản xuất không tuân thủ lịch thời vụ và phần lớn số diện tích lúa này bị giảm năng suất và thất trắng. Hiện tại, trên địa bàn huyện có gần 3.000 ha dừa, trên 100 ha nhãn, trên 500 ha mãng cầu đang bị thiếu nước tưới. Ngoài ra, huyện còn có cây sả và một số diện tích cây trồng khác cũng trong tình trạng “khát”. Ảnh hưởng của thiếu nước ngọt trong thời gian dài do hạn, mặn là cây trồng bị suy hoặc phát triển chậm; ngưng hoặc giảm năng suất cho trái.
Trước diễn biến bất lợi của hạn, mặn, nhiều nông dân đã tranh thủ đào mương lấy đất bồi cho cây vừa giữ ẩm cho gốc, tích tụ nước ngọt còn lại trong mương.Tuy nhiên, giải pháp này chỉ “giải khát” nhất thời, không thể cứu cây trong tình trạng hạn, mặn kéo dài. Và cứ mỗi mùa khô lại đến, cây ăn trái nói riêng và cây trồng khác trên vùng cù lao nói chung lại phải “gồng mình” chờ mưa xuống.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.