Tân Phú Đông chọn con bò làm vật nuôi chủ lực trước biến đổi khí hậu

(THTG) Trước diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nhất là sau đợt hạn mặn gay gắt năm 2016, huyện Tân Phú Đông đã triển khai “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi” theo hướng phát triển đàn bò, đồng thời chọn gia súc này làm vật nuôi chủ lực của huyện từ nay đến năm 2025.

Nuoi bo2Nuoi bo1

Tân Phú Đông đã triển khai “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi” theo hướng phát triển đàn bò.

Ảnh: Minh Nguyên

Tính đến tháng 6 năm 2017, toàn huyện có khoảng 2.530 con bò, tăng gấp đôi so với đầu năm 2016, trong đó, dự án Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo cù lao, gọi tắt là dự án Heifer, đã hỗ trợ cho nhân dân xã Phú Thạnh và Phú Đông 822 con. Qua khảo sát thực tế, so với các loại gia súc, gia cầm, nuôi bò ở huyện cù lao thích nghi hơn, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, do bò chống chịu tốt với điều kiện nắng nóng, thiếu nước, nước mặn xâm nhập vào mùa khô, đặc biệt là nguồn cỏ làm thức ăn phong phú, ít xảy ra dịch bệnh nguy hiểm và tận dụng được lực lượng lao động tại nông hộ. Theo đánh giá của nông dân, thị trường tiêu thụ bò tương đối thuận lợi, giá bán ổn định ở mức cao, bình quân nuôi một con bò trong thời gian 3 năm, người chăn nuôi thu lãi không dưới 20 triệu đồng.

Nuoi bo Nuoi bo3

Bình quân nuôi một con bò trong thời gian 3 năm, người chăn nuôi thu lãi không dưới 20 triệu đồng. Ảnh: Minh Nguyên

 Tuy nhiên, để chăn nuôi bò ở huyện Tân Phú Đông đạt hiệu quả cao và bền vững, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang khuyến cáo bà con khi nuôi, cần quan tâm chọn bò giống chất lượng cao, xây dựng chuồng trại chu đáo, chuẩn bị đầy đủ nguồn rơm rạ, đồng cỏ, tiêm phòng định kì vắc-xin lở mồm long móng. Trong mùa khô, mặn xâm nhập, hạn chế cho bò uống nước có độ mặn cao hơn 5‰.

Kim Nữ