Tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, Trường THPT Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây tròn 50 tuổi - ngôi trường giàu truyền thống hiếu học, dạy tốt, học tốt. Hiện trường có 42 lớp học, với 1.800 học sinh, chất lượng giáo dục luôn được giữ vững, là một trong những trường được xếp vào hàng “top ten” của tỉnh. Mỗi năm trường đều có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, năm học 2010 -2011 đạt 28 giải cấp tỉnh và 03 giải cấp quốc gia; trên 70% học sinh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Trường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì giai đoạn 2006 -2010. Chúng tôi đã lược ghi một số ý kiến của ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường về các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Ông Phan Thanh Bình, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng tỉnh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường. Ảnh: Hữu Việt. |
Có được kết quả như trên là do nhà trường đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Biện pháp đầu tiên hết sức quan trọng là xây dựng nhận thức, tạo sự đồng thuận trong giáo viên và học sinh. Tập thể giáo viên có nhận thức được trách nhiệm đối với chất lượng giáo dục của nhà trường, thì mới toàn tâm toàn ý đầu tư cho công tác giảng dạy. Học sinh có nhận thức được học để có kiến thức, nghề nghiệp, cuộc sống tốt hơn cho bản thân, gia đình và xã hội mới ra sức cố gắng học tập tốt nhất. Để tạo được nhận thức tốt trong giáo viên và học sinh, trường thông qua sinh hoạt trong Hội đồng sư phạm, qua thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua, sinh hoạt các đoàn thể, Công đoàn, Đoàn thanh niên, sinh hoạt chủ nhiệm, họp mặt truyền thống,… để xây dựng ý thức trách nhiệm, tinh thần làm việc tận tụy.
Biện pháp thứ hai: Xây dựng nề nếp, trật tự trong nhà trường. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, trường muốn đạt được chất lượng cao phải có nền nếp, trật tự tốt. Vì vậy, Ban Giám hiệu luôn chú ý đến việc xây dựng nền nếp, trật tự, kỷ cương trong nhà trường không chỉ đối với học sinh mà cả giáo viên. Đối với giáo viên, phải nghiêm túc thực hiện kỷ luật lao động, đảm bảo ngày giờ công. Đối với học sinh, với phương châm lấy ngăn ngừa và giáo dục là chính, đầu mỗi năm học, tổ chức tuần sinh hoạt công dân với nhiều nội dung như học nội quy của nhà trường, do Ban giám hiệu trực tiếp triển khai, các hành vi vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh thiếu niên, những định hướng của ngành và nhà trường trong năm học. Tăng cường vai trò của giám thị trong kiểm tra, giám sát việc học sinh thực hiện nội qui. Nâng cao trách nhiệm và vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, kịp thời nhắc nhở, uốn nắn học sinh. Nghiêm khắc xử lý các học sinh vi phạm, tùy theo mức độ, giúp học sinh sửa chữa, đồng thời còn có tác dụng ngăn ngừa, giáo dục các học sinh khác.
Biện pháp thứ ba: Tập trung công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Chi bộ Đảng trong nhà trường; chi bộ hiện có 26 đảng viên, chiếm tỉ lệ 28,57% trên tổng số giáo viên, giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động của trường. Trong sinh hoạt hàng tháng, ngoài công tác Đảng, chi bộ luôn quan tâm việc thực hiện công tác chuyên môn, có đánh giá, rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế kịp thời.
Khi phân công giáo viên bộ môn dạy và chủ nhiệm ở các lớp, có sự cân đối giữa giáo viên có kinh nghiệm và giáo viên ít kinh nghiệm, giáo viên dạy nhiều năm và giáo viên mới. Trường đặc biệt chú ý đến việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên thông qua nhiều hình thức.
Biện pháp thứ tư: Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá. Trong công tác dạy và học, Ban Giám hiệu đã tập trung chỉ đạo giáo viên phải mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá sẽ thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, góp phần đổi mới chương trình, xây dựng thái độ học tập cho học sinh. Trong nhiều năm qua, phần lớn các tiết kiểm tra 1 tiết của tất cả các môn học được tiến hành theo hướng ra đề chung cho tất cả các lớp (nội dung đề phân loại được học sinh), chấm theo hướng dẫn chung của tổ và phân công chấm như kiểm tra học kỳ.
Biện pháp thứ năm: Xây dựng chương trình cho bộ môn trên cơ sở chương trình khung của Bộ và hướng dẫn của Sở Giáo dục; tổ bộ môn thảo luận xây dựng khung chương trình trọng tâm cho từng khối lớp để có sự thống nhất trong tổ. Tùy theo mỗi môn học, tùy vào sức học của từng đối tượng học sinh, tổ bộ môn xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, những kiến thức trọng tâm cần cho từng chương, từng bài. Qua đó việc truyền đạt kiến thức sát với đối tượng, giúp học sinh dễ nắm bắt, kích thích được sự hứng thú trong tiếp thu bài học.
Biện pháp thứ sáu: Tổ chức quản lý dạy thêm, học thêm học thêm là nhu cầu của học sinh. Ban Giám hiệu nhà trường chọn giải pháp tổ chức dạy thêm, học thêm tại trường, qua thực hiện có một số ưu điểm sau: Quản lý được chương trình, chất lượng dạy thêm của giáo viên; thời gian học vừa phải, quản lý được việc học của học sinh, tránh được việc học sinh lợi dụng học thêm để đi chơi. Có cân đối giữa số lượng học sinh đăng ký học và đóng học phí cho giáo viên ở mức hợp lý, từ đó đưa ra mức học phí vừa phải, giảm được gánh nặng về kinh tế cho gia đình học sinh, ngoài ra có chế độ miễn, giảm học phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tránh được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, làm ảnh hưởng đến thời gian học tập của học sinh và uy tín của giáo viên.
Biện pháp thứ bảy: Tổ chức tốt các hoạt động bổ trợ. Tăng cường và nâng cao vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong nhà trường, đây là lực lượng quan trọng, nhân tố tích cực trong việc phát huy tốt vai trò xung kích, gương mẫu của đoàn viên trong học tập và rèn luyện. Giáo viên chủ nhiệm lớp cần kết hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong quá trình giáo dục học sinh; kịp thời liên hệ, báo cáo việc thực hiện nề nếp, kết quả học tập của các em, đề nghị gia đình phối hợp trong việc uốn nắn các em chưa ngoan.
Tổ chức các phong trào thi đua: Trong học sinh, tổ chức nhiều đợt thi đua giữa các lớp với những nội dung trọng tâm, có sơ kết, đánh giá mỗi tuần trong tiết sinh hoạt dưới cờ, khen thưởng các lớp thực hiện tốt ở mỗi đợt và cuối năm, nhờ đó các lớp đều cố gắng phấn đấu thực hiện tốt nề nếp và học tập. Trong giáo viên, tổ chức cho giáo viên tham gia các phong trào thi đua, phấn đấu đạt các danh hiệu thi đua với những chỉ tiêu do giáo viên đăng ký phấn đấu trên cơ sở chuẩn thi đua chung của ngành và đặc điểm tình hình bộ môn, lớp dạy. Tổ chức các hoạt động văn nghệ, TDTT, tham quan, du lịch, hội thi, nhằm tạo không khí vui tươi cho giáo viên và học sinh. Phát huy vai trò của Hội Khuyến học và Hội Cựu học sinh, luôn quan tâm, tìm hiểu kịp thời giúp đỡ, trợ cấp để học sinh có điều kiện tiếp tục học tốt.
Chất lượng giáo dục là vấn đề hiện nay xã hội đang rất quan tâm, vì là một trong những yếu tố quyết định đến quá trình đất nước ta hội nhập - đòi hỏi mà chúng ta phải cạnh tranh với các nước, đó là nguồn lực con người. Yêu cầu đó đặt ra cho ngành Giáo dục - đào tạo nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải làm sao nâng cao được chất lượng sản phẩm do mình tạo ra. Chính vì vậy, trước yêu cầu đó, trong những năm qua, trường THPT Vĩnh Bình đã luôn cố gắng thực hiện bằng nhiều giải pháp để ổn định được chất lượng của trường, đáp ứng yêu cầu của xã hội và lòng mong mỏi của lãnh đạo, nhân dân tỉnh nhà.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.