Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết
Để Nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt kết quả tốt, Đảng ta luôn đặc biệt nhấn mạnh phải coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, đề cao tự phê bình, phê bình. Đồng chí Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác xây dựng Đảng nói chung và trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nói riêng?
Đ/c Tô Quang Thu: Công tác kiểm tra, giám sát luôn được Đảng ta coi trọng và khẳng định ngay từ khi thành lập cho đến nay. Mục tiêu của công tác kiểm tra, giám sát là góp phần bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, năng lực cầm quyền của Đảng; khắc phục cơ bản tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức trong Đảng; ngăn chặn và đẩy lùi một bước sự suy thoái về chính trị,
|
Thực tiễn những năm qua cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát của Uỷ ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã góp phần giúp các tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên được kiểm tra, giám sát; phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, yếu kém, khuyết điểm trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chức trách, nhiệm vụ được giao, phòng ngừa sai phạm.
Quan trọng hơn, qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều sơ hở, bất cập trong quản lý kinh tế-xã hội mà người thực thi công vụ lợi dụng để trục lợi, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của người dân; phát hiện những cơ chế, chính sách không phù hợp với thực tế cuộc sống. Từ đó đã kiến nghị với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay” đã khẳng định, trong những năm qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững; niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Nghị quyết đã đề ra những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp hết sức quan trọng, trong đó, đề cao vai trò của công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Vừa qua, Trung ương cũng đã ban hành các văn bản “Quy định thi hành Điều lệ Đảng”, “Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng” và “Quy định những điều đảng viên không được làm”. Việc ban hành và tổ chức thực hiện 3 văn bản này có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả thi hành Điều lệ Đảng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đảng viên và các tổ chức đảng, sức mạnh và sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng. Đây là văn bản rất quan trọng liên quan đến vấn đề rèn luyện ý thức kỷ luật, tính phấn đấu, gương mẫu của đảng viên; về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, liên quan đến vấn đề tư cách đảng viên, nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ cấp ủy viên … . Quy định thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra như: Kiểm tra dấu hiệu vi phạm, kiểm tra chấp hành thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, của cấp ủy viên …, góp phần ngăn ngừa và khắc phục những biểu hiện suy thoái, hư hỏng, tiêu cực trong Đảng; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng và tính gương mẫu của đảng viên, giúp cho đảng viên rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn và tạo được lòng tin của nhân dân.
Nếu cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện tốt những văn bản nói trên sẽ góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
PV: Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Theo đồng chí, các cấp uỷ cần lưu ý những điểm mấu chốt gì trong quá trình thực hiện Hướng dẫn này?
Đ/c Tô Quang Thu: Hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhằm mục đích tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp, cán bộ, đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra. Đồng thời, tạo cơ sở, điều kiện để các cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những công việc được giao theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Hướng dẫn lần này yêu cầu các cấp ủy chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 với trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt ở mỗi cấp, cấp trên phải thực sự gương mẫu thực hiện để cấp dưới noi theo. Thực hiện kiểm tra, giám sát với tinh thần kiên quyết, kiên trì, thực sự dân chủ; nhận xét, đánh giá, kết luận, xem xét xử lý tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm phải thận trọng, khách quan, công minh, chính xác, thấu tình, đạt lý, tránh làm lướt hoặc hình thức; xác định rõ lộ trình, thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành, gắn với thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng (khóa XI); Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020; Thông báo Kết luận số 68-TB/TW của Bộ Chính trị sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và chương trình công tác kiểm tra, giam sát hàng năm.
Để thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 4, cần tập trung triển khai các nội dung, nhiệm vụ sau:
Cấp uỷ các cấp chỉ đạo ủy ban kiểm tra chủ trì phối hợp với các ban đảng, các tổ chức đảng và các cơ quan liên quan tham mưu, giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp uỷ chuẩn bị cụ thể, sát hợp nội dung gợi ý kiểm điểm, yêu cầu và cách kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với một số cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thuộc diện cấp uỷ quản lý xét thấy cần thiết. Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên chuẩn bị, thực hiện việc kiểm điểm, tự phê bình, phê bình và sửa chữa, khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, vi phạm (nếu có) sau kiểm điểm, nhất là đối với tập thể cá nhân được gợi ý kiểm điểm; đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc xử lý vi phạm.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với các ban Đảng ở Trung ương giúp Thường trực Ban Bí thư chủ trì tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân (đã nghỉ hưu) đối với tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Uỷ ban kiểm tra các cấp phối hợp với các ban đảng cùng cấp giúp thường trực cấp uỷ chủ trì tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân (đã nghỉ hưu) đối với Ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp và cá nhân.
Ủy ban kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp chuẩn bị nội dung, hướng dẫn thực hiện Quy chế chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chấp hành đảng bộ các cấp; đồng thời, phối hợp với các ban đảng, tổ chức đảng và cơ quan liên quan cung cấp tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban thường vụ cấp uỷ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, quy chế về tổ chức cán bộ để chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả các giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4.
Kiểm tra xem xét việc giải quyết những vụ việc có thông tin hoặc đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm. Tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí, thực hành tiết kiệm; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng và kiện toàn mô hình, cơ cấu tổ chức, nhân sự; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng. Kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm.
PV: Vừa rồi, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã có quyết định kỷ luật 2 cán bộ cấp cao, đó có phải là kết quả cụ thể bước đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)?
Đ/c Tô Quang Thu: Công tác kiểm tra và xử lý kỷ luật là nhiệm vụ thường xuyên của Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp, nhưng phải đảm bảo yếu tố: Công minh, chính xác, kịp thời. Hai trường hợp cán bộ cao cấp vừa rồi cũng như các trường hợp khác đều được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Điều lệ Đảng cũng như các quy chế của Ủy ban kiểm tra. Quá trình xem xét đảm bảo có lý, có tình, đảm bảo vận dụng tốt quy định, làm rõ các sai phạm của đảng viên. Qua đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị các hình thức kỷ luật đúng người, đúng tội. Quyết định này cũng một lần nữa khẳng định tính nghiêm minh của Đảng ta trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, phê bình và tự phê bình; góp phần làm Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo được niềm tin trong nhân dân./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.