Tăng cường hợp tác đầu tư giữa Đồng bằng Sông Cửu Long với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc
Chiều 26/5 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa Đồng bằng Sông Cửu Long với thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh giới thiệu thế mạnh, các sản phẩm nông sản và du lịch của địa phương, vùng miền. Đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp. Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long gồm 13 tỉnh và thành phố, đây cũng là vùng tiềm năng, trọng điểm sản xuất, xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Thời gian qua, thành phố Hà Nội và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những chương trình hợp tác trong một số lĩnh vực. Nhiều tỉnh thành như An Giang, Tiền Giang, Long An, Long An, Đồng Tháp… đã đưa sản phẩm chủ lực như gạo, hoa quả đóng hộp, các sản phẩm nông lâm thủy sản vào hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ của thành phố Hà Nội…
Tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết chương trình hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại do thành phố Hà Nội tổ chức kết nối giao thương hỗ trợ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước nhằm hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản cho doanh nghiệp, nông dân các vùng miền. Bà nhận định, hội nghị có ý nghĩa rất lớn, qua hội nghị sẽ vận động các doanh nghiệp tham gia đầu tư đối với các lĩnh vực, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn. Thứ 2 là tổ chức liên kết thương mại xúc tiến thương mại giúp cho doanh nghiệp, người nông dân đang trồng các loại trái cây, chăn nuôi, thủy sản đang khó khăn trong tìm đầu ra trong thị trường.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng những kết quả đạt được thời gian qua còn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa Hà Nội với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Bắc. Do đó, việc xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho các sản phẩm thế mạnh của các địa phương chưa đạt hiệu quả cao.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty cố phần thương mại phát triển tư vấn Phúc Lâm, đại diện phân phối nước mắm Phú Quốc, Kiên Giang chia sẻ: Cái mà chúng tôi cần là người tiêu dùng có thể có nhiều thông tin về sản phẩm ở hai đầu sản xuất và kinh doanh. Người tiêu dùng có thể thuận lợi lựa chọn các sản phẩm đó trên thị trường và kết hợp kênh phân phối như thế nào và người tiêu dùng có thể được trải nghiệm những giá trị văn hóa kết tinh trong sản phẩm như nước mắm Phú Quốc hay rượu sim, và vì sao nó khác biệt với các sản phẩm khác. Tôi mong muốn công tác xúc tiến thương mại tập trung được các điểm đó để thúc đẩy người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.
Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư xúc tiến thương mại và du lịch. Cùng với đó, tìm kiếm các lĩnh vực, biện pháp hợp tác mới phù hợp với nhu cầu phát triển của mỗi địa phương. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố vùng đồng Đồng bằng Sông Cửu Long đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong và ngoài nước thông qua việc kí kết hợp tác với thành phố Hà Nội giúp các địa phương trong Vùng hội nhập kinh tế hiệu quả hơn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các tỉnh, thành trong vùng. Đồng thời, phối hợp đề xuất các kiến nghị và cơ chế chính sách về những vấn đề có liên quan đến sự phát triển của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và thành phố Hà Nội.
Cũng tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (đại diện cho 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long) với Thành phố Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, trao đổi khách du lịch, xây dựng kết nối tuyến du lịch, vận động an sinh xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.