Tăng cường thanh tra, giám sát công tác quản lý giá

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: M.P)

       Bộ Tài chính vừa công bố kết quả thanh tra, giám sát công tác quản lý giá trên địa bàn 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, cho thấy việc quản lý giá trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Cụ thể, trong năm 2010 có 4/23 địa phương (Quảng Nam, Sóc Trăng, Đăk Nông, Long An) chưa ban hành quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn theo Nghị định 170/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá. Việc triển khai thực hiện đăng ký giá và kê khai giá hàng hóa, dịch vụ thời điểm từ 1/10/2010 trở về trước nhiều địa phương chưa hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký giá tiến hành đăng ký, kê khai giá và gửi hồ sơ đăng ký giá về Sở Tài chính theo quy định. Sau 1/10/2010 các địa phương đã thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá nhưng chưa đồng bộ. Trong đó, các tỉnh Bạc Liêu, Đăk Nông, Nam Định, Thái Nguyên, Quảng Trị, Trà Vinh, Sóc Trăng chưa ban hành danh mục các đơn vị phải đăng ký giá, kê khai giá; tỉnh Đăk Nông chưa hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký, kê khai giá thực hiện việc đăng ký giá theo quy định; Hà Nội, Long An ban hành hướng dẫn đăng ký, kê khai giá chưa đầy đủ.

Đáng chú ý là tất cả tỉnh, thành phố được thanh tra năm 2010 đều thực hiện công tác bình ổn giá nhưng chưa chặt chẽ, chưa ban hành quy chế, chưa tổng kết, đánh giá hiệu quả việc tạm ứng ngân sách bình ổn giá trên địa bàn.

Về việc giao đất, ban hành bảng giá các loại đất, thẩm định giá đất thu tiền sử dụng đất và giá cho thuê đất tại các dự án, giá rừng và giá tính thuế tài nguyên thực hiện còn nhiều tồn tại. Thời điểm 31/12/2010 Hà Nội có 49 dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới đã phê duyệt đơn giá và tổng số tiền sử dụng đất của các dự án phải nộp trước khi giao đất, bàn giao đất cho các nhà đầu tư không đúng trình tự, thủ tục và chưa phù hợp với Nghị định 84/2007/NĐ-CP; Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Một số địa phương ban hành bảng giá các loại đất hàng năm nhưng chưa thực hiện đúng theo Thông tư liên bộ số 02/2010/TTLT-BTNMT-BTC của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính; bảng giá các loại đất nhiều bất cập.

Về việc thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước tại các dự án được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất có tỉnh Long An, Đăk Nông không thực hiện thẩm định giá đất và xác định tiền sử dụng đất dự án phải nộp ngân sách theo Thông tư 145/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính; tỉnh Long An thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho một số dự án khi chưa có quyết định thành lập khu công nghiệp; tỉnh Đăk Nông áp dụng giá đất được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2005 và cộng thêm 30% trượt giá cho một số dự án chưa sát với giá thị trường theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP và Nghị định 120/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Kết quả thanh tra cũng cho thấy, tại tỉnh Đăk Nông có 36 dự án cho thuê rừng để đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp với tổng diện tích 24.284,7 ha chưa được xác định giá thuê rừng. Tỉnh Quảng Ninh ban hành bảng giá tối thiểu làm căn cứ tính thuế tài nguyên than đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam dựa trên cơ sở tính toán và phương pháp tính toán chưa phù hợp Luật Thuế tài nguyên và Thông tư 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính.

Từ thực trạng trên, Bộ Tài chính đã kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý giá, khẩn trương ban hành quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn theo Nghị định 170/2003/NĐ-CP của Chính phủ; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về giá và ưu đãi đầu tư trên địa bàn; rà soát, bổ sung danh mục tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước bình ổn giá trên địa bàn phải thực hiện đăng ký giá, kê khai giá theo quy định. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nghiên cứu, xây dựng quy chế ứng vốn ngân sách mua hàng tạm trữ thực hiện bình ổn giá để áp dụng thống nhất; đôn đốc, kiểm tra đánh giá hiệu quả việc tạm ứng ngân sách mua hàng tạm trữ để thực hiện bình ổn giá và thu hồi tạm ứng đúng thời gian quy định; ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn hàng năm; chấn chỉnh việc thẩm định giá đất và xác định tiền sử dụng đất các chủ dự án phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) tại các dự án được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; ban hành giá rừng và giá cho thuê rừng để làm căn cứ xác định tiền thuê rừng các đơn vị phải nộp NSNN.

Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá, để vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ổn định giá cả thị trường, bảo đảm đời sống nhân dân. Đồng thời, hướng dẫn các cơ quan trong ngành Tài chính tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về giá, xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm./.